Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sự phát triển của mô hình tủ sách

Dù có xuất phát điểm khác nhau, những mô hình tủ sách do các cá nhân, tập thể đứng lên xây dựng đã trải dài khắp cả nước.

Trong khi các đơn vị xuất bản xây dựng tủ sách theo chủ đề, tập hợp tác phẩm theo một tiêu chí riêng; người làm công tác khuyến đọc cũng chung tay lan tỏa văn hóa đọc bằng cách đưa sách về từng địa phương.

“Tủ sách nhân ái”, “Ngôi nhà trí tuệ”, “Sách hóa nông thôn” hay “ATM tủ sách” là những chương trình, dự án đang nỗ lực trong việc xây dựng mô hình tủ sách tại thôn bản, trường học và gia đình.

Trao tặng tủ sách cho một trường học tại tỉnh Lào Cai. Ảnh: ATM tủ sách.
Mo hinh tu sach anh 1
Mo hinh tu sach anh 1

Trao tặng tủ sách cho một trường học tại tỉnh Lào Cai. Ảnh: ATM tủ sách.

Tủ sách trải dài cả nước

Mới đây, tại Hà Nội, trong khuôn khổ chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc năm 2022, Bộ Công an tổ chức lễ khai mạc sự kiện với chủ đề đọc và học tập tấm gương Bác Hồ và phát động xây dựng “Tủ sách Hồ Chí Minh”.

Bà Nguyễn Hoài Anh - Phó giám đốc, Phó tổng biên tập Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật - đại diện đơn vị trao tặng nhiều đầu sách cho ban tổ chức. Cùng đó, các cơ quan, đơn vị tham dự cũng tài trợ 1.000 đầu sách để xây dựng “Tủ sách Hồ Chí Minh”.

Cuối năm 2021, “Tủ sách Doanh nhân Việt Nam” (do Hội đồng Phát triển Sách doanh nhân xây dựng) ra đời với mong muốn mang đến kiến thức, kinh nghiệm không chỉ trên thương trường mà còn về văn hóa cho giới trẻ.

Chính thức đi vào hoạt động từ đầu năm nay, đến cuối tháng 3, dự án “ATM tủ sách” do một câu lạc bộ khởi xướng đã trao tặng 25 tủ sách tại các vùng, miền trên cả nước. Mỗi tủ sách khoảng 100 cuốn, có giá trị 7-10 triệu đồng.

Những địa điểm được lựa chọn để trao tặng chủ yếu là thư viện trường học, trại giam, trại trẻ mồ côi, trung tâm nuôi dưỡng người khuyết tật ở những địa phương có hoàn cảnh khó khăn, ít có điều kiện tiếp cận sách vở.

Mới đây, ban tổ chức dự án này còn trao tặng tủ sách cho một trường nội trú tại Đà Nẵng, nơi theo học của các em nhỏ mồ côi cha mẹ do đại dịch Covid-19 trong 2 năm qua.

Mục tiêu của dự án là kêu gọi sự đóng góp của các nhà hảo tâm để mang sách đến nhiều địa phương và góp phần đưa văn hóa đọc phát triển dọc 3 miền.

Nhiều năm nay, “Tủ sách nhân ái” và “Ngôi nhà trí tuệ” cũng là 2 dự án cộng đồng đưa sách đến nhiều nơi, giúp người dân tiếp cận tri thức và chung tay lan tỏa tình yêu, thói quen đọc.

Trong một lần trả lời Zing, ông Nguyễn Anh Tuấn - người sáng lập dự án “Ngôi nhà trí tuệ” - chia sẻ bản thân ông đã trải qua tuổi thơ “khát khao” sách, nên khi trưởng thành và có công việc ổn định, ông quyết tâm học hỏi các mô hình tủ sách để đưa tri thức đi muôn nơi.

Theo đó, huyện Thanh Chương (Nghệ An) - quê hương ông Tuấn - cũng chính là nơi có “Ngôi nhà trí tuệ” đầu tiên. Ban đầu với sự đóng góp của bản thân, sau đó, mô hình này được nhân rộng lên nhờ sự quyên góp, tài trợ của các nhà hảo tâm, cá nhân và đơn vị chung tay, góp sức.

Đây là dự án được triển khai từ 4 năm nay. Bên cạnh hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, nó còn tập trung xây dựng, phát triển những mô hình cộng đồng học tập suốt đời dưới hình thức hoàn toàn miễn phí. Trong đó, việc xây dựng thư viện miễn phí với hàng nghìn cuốn sách là một trong những mục tiêu chính của “Ngôi nhà trí tuệ”.

Sách được trao tặng ở đây đa thể loại, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như khoa học, nghệ thuật, lịch sử, văn học, thiên văn, địa lý, sách ngoại ngữ, song ngữ, truyền cảm hứng, kỹ năng sống…

Ra đời trước đó một năm, “Tủ sách nhân ái” là dự án tập trung xây dựng chuỗi mô hình tủ sách, thư viện trong trường học và cộng đồng dân cư, nhằm kiến tạo hệ sinh thái đọc cho mọi lứa tuổi.

Theo đó, dự án đã trao tặng hàng chục nghìn tủ sách ở hầu hết tỉnh, thành trên cả nước, đem lại cơ hội đọc sách cho hàng triệu người.

Ông Nguyễn Quang Thạch (trái) tặng "Tủ sách yêu con" cho một gia đình tại huyện Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh). Ảnh: NVCC.
Mo hinh tu sach anh 2
Mo hinh tu sach anh 2

Ông Nguyễn Quang Thạch (trái) tặng "Tủ sách yêu con" cho một gia đình tại huyện Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh). Ảnh: NVCC.

Tổ chức hoạt động khuyến đọc

Không chỉ trao tặng các tủ sách về địa phương, kể từ khi đại dịch bùng phát, những người làm “Tủ sách nhân ái” còn thực hiện hoạt động khuyến đọc thông qua ứng dụng công nghệ trực tuyến như: “Vui đọc sách - Sợ gì giãn cách”, “Kể chuyện cùng những vì sao”, dành cho các cấp học.

Đây cũng là sân chơi chung cho mọi đối tượng, không riêng gì trẻ nhỏ, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh, các em chưa thể đến trường.

Hơn 10 năm về trước, ông Nguyễn Quang Thạch - người sáng lập chương trình “Sách hóa nông thôn” - đã đến một số vùng khó khăn để tác động và kêu gọi người dân xây dựng mô hình tủ sách công cộng.

Đến nay, chương trình đã được nhân rộng và tạo hiệu ứng mạnh trong cộng đồng thông qua “Tủ sách dòng họ”, “Tủ sách gia đình”, “Tủ sách chiến sĩ”, “Tủ sách yêu con”, “Tủ sách lớp học”…

Mục tiêu chính của ông Thạch khi khởi xướng chương trình này là hướng người dân tự lực, tự cường trong việc chủ động xây dựng tủ sách và lan tỏa thói quen đọc tại địa phương. Đối tượng ông đặc biệt quan tâm là trẻ trong độ tuổi 0-6, từ đó, nuôi dưỡng thói quen đọc cho trẻ sớm nhất có thể.

Song hành cùng việc trao tặng sách, dự án “ATM tủ sách” cũng thực hiện các hoạt động khuyến đọc thông qua việc chia sẻ, hướng dẫn người dân địa phương tổ chức các cuộc thi liên quan đọc sách. Điều này giúp cổ vũ, khích lệ tinh thần đọc sách của mọi đối tượng.

Bài liên quan

Thu Huệ

Bạn có thể quan tâm