Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sự phân biệt của ông Modi với người Hồi giáo sẽ khiến Ấn Độ hỗn loạn

Các chính sách phân biệt đối với người theo đạo Hồi và người theo đạo Hindu của chính quyền Thủ tướng Modi đã góp phần tạo ra xung đột và bất ổn xã hội tại nhiều khu vực ở Ấn Độ.

Từ Đức đến Chile rồi Nam Phi, nhiều quốc gia đã phải trải qua quá trình hoà giải dân tộc đầy khó khăn để chữa lành những vết thương của sự phân biệt chủng tộc trong quá khứ, và rút ra bài học từ lịch sử để ngăn cản bạo lực và chết chóc lặp lại trong tương lai.

Nhưng ở Ấn Độ, có vẻ như mọi thứ đang đi theo chiều ngược lại. Nền dân chủ lớn nhất thế giới, sau một cuộc chiến giành độc lập đẫm máu, trải qua 7 thập kỷ tương đối ổn định, nay đang có nguy cơ chìm trong mâu thuẫn bởi những nhà lãnh đạo cứng rắn đang liều lĩnh khơi dậy những vết thương cũ.

Bat on xa hoi o An Do anh 1

Người biểu tình dùng gạch đá ném về phía lực lượng an ninh trong một cuộc biểu tình phản đối Dự luật Công dân Sửa đổi (CAB) ở thành phố Guwahati ở bang Assam phía đông bắc Ấn Độ. Ảnh: AFP.

Bài học lịch sử

Thống kê cho thấy 2 triệu người đã thiệt mạng và 14 triệu người khác phải rời bỏ nhà cửa sau khi Vương quốc Anh trao trả độc lập lại cho Ấn Độ bằng một tiến trình vội vã và hỗn loạn sau Thế chiến II, dẫn đến sự hình thành của nước Ấn Độ với đa số dân theo đạo Hindu và Pakistan với đa số dân theo đạo Hồi vào năm 1947.

Mặc dù vậy, chính phủ Ấn Độ khi đó đã quyết tâm đảm bảo quyền lợi bình đẳng giữa người Hindu và các sắc dân thiểu số khác. Tuy nhiên, đến năm 2019, ý tưởng này đang ngày càng bị đe dọa bởi những chính sách mang màu sắc phân biệt của chính quyền hiện tại.

Kết quả là những xích mích giữa 2 phần của Ấn Độ - những người theo đạo Hindu và phần còn lại - đã làm lung lay nền tảng của một quốc gia có sắc tộc phức tạp, gây ra sự hoảng loạn và các cuộc biểu tình trên toàn quốc, và có thể bắt nguồn cho một giai đoạn bất ổn chính trị và xã hội kéo dài.

Giữa những phản đối của phe đối lập và các cuộc tranh luận kéo dài nhiều ngày, đảng Bharatiya Janata theo chủ nghĩa dân tộc Hindu giáo của Thủ tướng Narendra Modi vào tuần này đã đưa một dự luật ra quốc hội, trong đó sẽ trao quyền công dân Ấn Độ cho những người tị nạn không theo đạo Hồi đến từ Bangladesh, Pakistan và Afghanistan.

Đạo luật Công dân Sửa đổi (CAB), nay đã được cả hai viện ở quốc hội thông qua, cho phép lần đầu tiên có một điều khoản quy định công dân dựa trên tôn giáo của họ. Bản thân ông Modi đã vắng mặt trong cả hai cuộc bỏ phiếu ở quốc hội, và để cho cấp dưới thân cận nhất của mình là Bộ trưởng Nội vụ Amit Shah đứng đầu chính phủ trong việc thí điểm dự luật.

Nếu nhìn qua thì CAB có vẻ như là một dự luật vô hại, thậm chí còn mang tính nhân văn. Nhưng vấn đề chính của dự luật này nằm ở những thứ mà nó không nêu ra. Ví dụ, CAB không nói cụ thể rằng nó không được áp dụng với người Hồi giáo, thay vào đó, văn bản liệt kê tất cả các cộng đồng mà nó phục vụ, bao gồm người Hindu, người Sikh, người theo đạo Phật, Jain, Parsees và Cơ Đốc giáo.

Luận điểm của CAB dựa trên việc cho rằng vì người theo đạo Hồi không thể bị đàn áp ở các quốc gia Hồi giáo, vì vậy một người Hồi giáo chạy khỏi Pakistan, Bangladesh hoặc Afghanistan không thể được coi là người tị nạn, và sẽ không thể đăng ký làm công dân Ấn Độ.

Bat on xa hoi o An Do anh 2

Xe cộ trên đường phố bị đốt cháy trong các cuộc biểu tình biến thành bạo lực, đã có 2 người thiệt mạng kể từ khi làn sóng phản đối nổ ra với dự luật CAB. Ảnh: AP.

Tôn giáo không phải là thứ duy nhất mang tính phân biệt trong đạo luật gây tranh cãi này. Nhiều người đặt câu hỏi tại sao nó chỉ được áp dụng với công dân đến từ 3 nước kia, trong khi Sri Lanka, Nepal, Bhutan, Myanmar và Trung Quốc cũng là những nước láng giềng của Ấn Độ, nhưng không được đề cập tới. Điều này được cho là thiếu sót vì trong quá khứ, nhiều người Tamil đã tới Ấn Độ tị nạn để chạy trốn cuộc nội chiến ở Sri Lanka, và hiện tại có nhiều người Rohingya đang phải chạy trốn khỏi xung đột ở Myanmar.

Việc lựa chọn Pakistan, Bangladesh và Afghanistan phù hợp với cách diễn giải của những theo chủ nghĩa dân tộc Hindu giáo, về một nước Ấn Độ khoan dung, nơi người Hồi giáo có thể tự do phát triển, trong khi người Hindu tại các quốc gia Hồi giáo này phải chịu sự đàn áp.

"Tự bắn vào chân mình"

Chính phủ nhấn mạnh đạo luật mới không mang tính phân biệt đối xử và chỉ nhằm mục đích giúp đỡ người tị nạn, nhưng không nhiều người tin vào điều đó. Đạo luật này mâu thuẫn với 2 điều trong Hiến pháp Ấn Độ - đảm bảo quyền bình đẳng và không phân biệt đối xử - khiến nó bị hai đảng chính trị khiếu nại lên toà án tối cao.

CAB được chào đón bằng các cuộc biểu tình và kêu gọi bất tuân dân sự. Ba bang bao gồm Punjab, Bengal và Kerala đã từ chối áp dụng đạo luật. Phần lớn vùng đông bắc Ấn Độ tiếp giáp với Bangladesh chìm trong những cuộc tuần hành biến thành bạo lực.

Không giống như đảng BJP của ông Modi vốn chỉ lo ngại về sự xuất hiện của người Hồi giáo, bang Assam và phần còn lại của vùng đông bắc lo ngại về sự quá tải người nhập cư - dù là Hồi giáo hay Hindu giáo. Luật mới cũng sẽ hợp pháp hoá quyền công dân cho hàng triệu người Bengali sống ở khu vực, và mở cửa biên giới cho hàng triệu người tị nạn từ Bangladesh.

Hai người đã thiệt mạng sau khi cảnh sát nổ súng vào người biểu tình ở thành phố Guwahati của bang Assam, chỉ vài ngày trước khi ông Modi có cuộc gặp ở đây với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (ông Abe sau đó đã hủy chuyến thăm). Thành phố Shillong ở bang Meghalaya lân cận đã bị giới nghiêm. Internet bị cắt ở cả 3 tiểu bang và quân đội đã được triển khai ở hầu hết khu vực. Binh sĩ đóng ở Kashmir đang được chuyển tới bang Assam trên một chuyến tàu đặc biệt.

Bat on xa hoi o An Do anh 3

Kinh tế Ấn Độ đang tăng trưởng chậm và tỷ lệ thất nghiệp cũng ở mức cao nhất hàng thập kỷ. Ảnh: Bloomberg.

South China Morning Post nhận xét rằng thật kỳ lạ khi Ấn Độ đã chọn việc tự bắn vào chân mình, khi mà nước này rất cần tái thiết vì nền kinh tế đang mất đà tăng trưởng sau nhiều năm quản lý yếu kém.

Đất nước đông dân thứ 2 thế giới đang phải đối mặt với một trong những sự suy giảm nghiêm trọng nhất trong hàng thập kỷ trở lại đây, với một loạt những quyết định chính sách bị đặt dấu hỏi, tiêu biểu như lệnh cấm bất ngờ đối với tiền giấy mệnh giá lớn vào năm 2016 và sau đó là quyết định tăng thuế dịch vụ thêm 0,5%.

Chi tiêu cho tiêu dùng đã giảm lần đầu tiên sau hơn 4 thập kỷ trong khi tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức cao nhất trong 45 năm. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đã giảm trong 6 quý liên tiếp, sự suy giảm dài nhất trong vòng 23 năm. Từ mức tăng trưởng 2 con số mỗi năm, nền kinh tế Ấn Độ hiện chỉ đang tăng trưởng 4,5% mỗi năm. Standard & Poor cho biết họ sẽ hạ xếp hạng trái phiếu chính phủ Ấn Độ xuống mức rác nếu tốc độ tăng trưởng không nhanh trở lại.

Ấn Độ - nơi nạn nhân bị hiếp dâm phải chiến đấu với hệ thống đẳng cấp

Tại làng Hindu Nagar, nơi quan hệ khác đẳng cấp bị lên án, cô gái bị đàn ông giàu có hãm hiếp và thiêu sống lại bị những người đẳng cấp trên chỉ trích là dụ dỗ nhà giàu.

Kẻ hiếp dâm Ấn Độ xin miễn án tử do 'đằng nào cũng chết vì ô nhiễm'

Người đàn ông Ấn Độ bị kết án hành hung và hãm hiếp một sinh viên trên xe buýt xin được khoan hồng khỏi án tử hình, vì cho rằng đằng nào mình cũng chết vì ô nhiễm môi trường.

Sơn Trần

Theo South China Morning Post

Bạn có thể quan tâm