Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sự nhạy cảm và gian xảo của một siêu bịp trên thương trường

Jho Low là một người rất nhạy cảm trong kinh doanh. Nhờ mối quan hệ trong giới thượng lưu, anh ta đã bắt tay với các đại sứ để thực hiện các phi vụ lừa đảo xuyên quốc gia.

Ca voi ty do anh 1

Jho Low đã thành lập nhiều công ty "ma" và sử dụng hàng loạt chiêu trò để trốn thuế. Ảnh: The Star.

Washington, DC, tháng 8 năm 2008

Mùa thu năm 2008, đối tác làm ăn của Otaiba, một người Jordan tên là Shaher Awartani, gửi cho anh một email báo tin vui. Hai người sắp kiếm được khoảng 10 triệu USD thông qua một thương vụ mà Low thu xếp được ở Malaysia. Có lẽ do lo ngại về việc tiếp xúc trực tiếp quá nhiều với người môi giới này nên Otaiba giao cho Awartani công việc trao đổi với Low. Nhưng Low đang tỏ ra là một mối làm ăn rất béo bở.

“Hay quá. Vậy là công sức bấy lâu nay của chúng ta cuối cùng cũng có kết quả,” Otaiba viết email hồi âm.

Không lâu sau, Awartani rủ Otaiba mua một chiếc xe Ferrari sau thương vụ mà Otaiba gọi là một “sự chuyển giao từ Jho”.

“Tôi nghĩ mỗi người trong chúng ta đều xứng đáng mua một món đồ chơi hay ho nào đó để ăn mừng chuyện này, anh nghĩ sao? Có lẽ là chiếc 458 Italy chăng?” Awartani viết trong một email gửi Otaiba. Tuy nhiên, vị Đại sứ đáp lại rằng hành động tiêu xài phóng túng đó ở Abu Dhabi “sẽ chỉ thu hút những sự tò mò không cần thiết mà thôi”.

Otaiba có lý do để giữ bí mật các giao dịch của mình với Low. Vài tháng trước đó, anh được bổ nhiệm làm Đại sứ UAE tại Mỹ và đang nhanh chóng thiết lập hình ảnh là một trong những nhà ngoại giao nổi bật nhất ở Washington. Những bữa tiệc chiêu đãi do anh tổ chức tại dinh thự Đại sứ hoành tráng nằm bên bờ phía bang Virginia của sông Potomac, với sự tham gia phục vụ của những đầu bếp danh tiếng như Wolfgang Puck, đã thu hút được nhiều nhân vật trong Nhà Trắng, các thành viên Quốc hội và các dẫn chương trình tin tức hàng đầu nước Mỹ.

Đôi khi, vị tân Đại sứ còn mời các quan khách xuống khu vực giải trí riêng của mình, một khu vực nằm dưới tầng hầm của tòa dinh thự, bên trong có một chiếc TV màn hình phẳng kích thước lớn, để cùng xem bóng chày. Bên cạnh đó, cùng với người vợ Abeer kiều diễm của mình, một kỹ sư gốc Ai Cập, Otaiba dường như cũng xuất hiện trong mọi sự kiện giao lưu xã hội ở thủ đô Washington.

Với phong cách phương Tây và sự hậu thuẫn của Abu Dhabi đối với cuộc chiến chống lại các phiến quân Hồi giáo, vị tân Đại sứ này trở thành một nhân vật được nhiều người mến mộ, dù trong những bữa tiệc cocktail hay khi anh bày tỏ quan điểm trên chương trình trò chuyện buổi sáng Morning Joe.

Nhưng Otaiba, lúc này mới đang ở giữa độ tuổi 30, còn có một khía cạnh khác, một cuộc sống kinh doanh mà anh không thể hiện trước công chúng. Vị Đại sứ đã đúng khi đặt cược vào Jho Low. Mối quan hệ với anh chàng người Malaysia này có lẽ sẽ giúp anh trở nên rất giàu có.

Sau khi bị từ chối khoản thù lao môi giới trong thương vụ phát triển địa ốc Iskandar, Low tìm cách khác để kiếm lời. Thoạt đầu, anh ta đã cố gắng trở thành một tay môi giới kinh điển, cố gắng xoay sở để kiếm về một khoản thù lao coi như phần thưởng cho việc đưa Mubadala tiếp cận với dự án này. Nhưng con đường đó đã bị chặn đứng. Để nhận được khoản thù lao mà anh ta tin rằng mình xứng đáng, đồng thời để trả ơn cho Đại sứ Otaiba, Low sẵn sàng làm tất cả những gì cần làm.

Anh ta nghĩ ra một kế hoạch cực kỳ tinh vi và rất xuất sắc. Malaysia lúc này đang xôn xao về kế hoạch đầu tư của Mubadala vào dự án Iskandar khổng lồ. Các bản thiết kế cho đại dự án này đều vạch ra nhiều chương trình mở đường, xây nhà, các trung tâm thương mại và các khu phát triển công nghiệp. Chắc chắn các nhà thầu xây dựng sẽ chạy đua và tha hồ luồn lách để mong có được một phần nào đó trong những bản hợp đồng béo bở.

Cùng thời gian này, Low nghe tin về hai công ty xây dựng của Malaysia đang rao bán. Hay anh ta bỏ tiền mua lại hai công ty này với giá rẻ, và giành các hợp đồng từ dự án phát triển Iskandar? Để có vài triệu USD cho thương vụ mua bán này, Low cần vay nợ.

Nhưng lúc này anh ta không là ai cả trong mắt các ngân hàng, chỉ là một doanh nhân hạng bét với bảng thành tích tồi tàn. Để đánh bóng hình ảnh và chạm tay được vào kho tiền của các ngân hàng, một lần nữa, anh ta tìm đến những người bạn quyền lực của mình.

Để có phương tiện thực hiện cuộc mua bán này, Low thành lập một thực thể pháp nhân ở Quần đảo Virgin lấy tên là Công ty Đầu tư Abu Dhabi - Kuwait - Malaysia và tặng cổ phần miễn phí cho Đại sứ Otaiba và một số vị tiểu quý tộc ở Kuwait và Malaysia.

Với cách làm khôn khéo này, Low muốn tạo ra ấn tượng rằng đứng sau công ty mới thành lập này là các nhân vật tai to mặt lớn. Với dàn hậu quân hùng hậu như vậy, Low hoàn toàn không gặp trở ngại gì khi thuyết phục các ngân hàng Malaysia cho anh ta vay hàng chục triệu đô-la. Anh ta sử dụng một phần khoản vay để thực hiện giao dịch mua lại các công ty xây dựng.

Cùng lúc, một công ty chi nhánh của Wynton - công ty của Low cũng nhận thêm các khoản vay khác để lấy vốn mua một lượng cổ phần thiểu số trong dự án phát triển địa ốc Iskandar, bên cạnh quỹ Mubadala. Như vậy, thay vì nhận khoản tiền môi giới, Low bây giờ đã đường đường trở thành một nhà đồng đầu tư.

Tiếp đó, anh ta dựng lên một câu chuyện hoang đường rằng các quỹ lợi ích quốc gia lớn của Trung Đông cũng tham gia thương vụ mua các công ty xây dựng này. Nếu có thể khiến người khác tin rằng những dự án kinh doanh của anh ta có sự hậu thuẫn của các quỹ đầu tư hùng mạnh của Trung Đông, chắc chắn Low sẽ thu hút được nhiều tiền hơn. Để tạo ra ảo giác này, anh ta tìm đến ma trận của thế giới tài chính nước ngoài. Low biết đến các trung tâm tài chính nước ngoài nhờ bố mình, Larry, sở hữu hàng loạt tài khoản nước ngoài.

Giới giàu có châu Á, do lo ngại tình hình bất ổn ở quê nhà, hoặc chỉ đơn giản là muốn trốn thuế, thường mở các tài khoản nước ngoài tại những lãnh thổ tài phán bảo vệ bí mật cho thân chủ, chẳng hạn như Quần đảo Virgin của Anh và Quần đảo Cayman.

Từ “nước ngoài” ở đây thường ám chỉ những lãnh thổ tài phán có hệ thống tài chính lớn hơn nhiều so với nền kinh tế sở tại của họ. Nói cách khác, hệ thống ngân hàng ở đó tồn tại thuần túy cho người bên ngoài khu vực gửi tiền vào, khác với các trung tâm tài chính quốc tế ở London và New York vốn mở cửa phục vụ cả các công ty và công dân trong nước.

Những năm gần đây, các trung tâm tài chính nước ngoài này chịu nhiều áp lực chia sẻ thông tin về các thân chủ của họ. Nhưng nhiều trung tâm trong số này, vốn sống nhờ khoản phí thường niên của hàng nghìn công ty muốn tìm cách che đậy bí mật, vẫn là những hải cảng an toàn cho những kẻ rửa tiền và các loại tội phạm khác tìm đến để rửa tiền và trốn thuế.

Một ước tính gần đây cho thấy số tiền được giấu trong các trung tâm tài chính nước ngoài kể từ năm 1970 tới nay là khoảng 32 nghìn tỷ USD [...], cùng với đó là sự thất thoát của hàng trăm tỷ USD tiền thuế.

Bradley Hope, Tom Wright/ Best Books và NXB Tài chính

SÁCH HAY