Ông Gerard Williams và ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng. Ảnh: NVCC. |
Gerard Williams III được biết đến trong vài ngày qua với tư cách chồng ca sĩ Bích Tuyền, trong vụ kiện tụng của Đàm Vĩnh Hưng về một sự cố tại buổi tiệc ở nhà riêng.
Tuy nhiên, trong giới công nghệ Gerard Williams III còn nổi tiếng vì là kiến trúc sư thiết kế chip, đặt nền móng cho nhiều thiết kế vi xử lý suốt 2 thập kỷ qua.
Người đứng sau dòng chip A của Apple
Sinh ra và lớn lên ở Texas, Mỹ, Gerard Williams III tốt nghiệp bằng Cử nhân kỹ sư điện tại Đại học Auburn và tiếp tục lấy bằng Thạc sĩ tại Đại học Texas ở Austin. Khởi đầu sự nghiệp, ông làm việc tại Intel, tham gia phát triển dòng chip Xilinx 3000. Sau đó, Williams chuyển sang Texas Instruments. Tại đây, ông thiết kế bộ vi điều khiển TMS470 dựa trên kiến trúc ARM7TDMI.
Thành tựu này mở đường cho ông gia nhập ARM, công ty tiên phong kiến trúc bộ xử lý. Trong suốt 12 năm làm việc tại đây ông đã dẫn dắt các dự án phát triển nhân Cortex-A8 và Cortex-A15. Đây là 2 dòng kiến trúc ra kỷ nguyên mới cho ngành di động.
Cortex-A8 được Apple sử dụng trong chip A4, bộ vi xử lý của iPhone 4 và iPad đời đầu. Cortex-A15 tiếp tục được Samsung đưa vào Exynos 5 Octa, bộ xử lý đầu tiên sử dụng kiến trúc big.LITTLE, kết hợp giữa hiệu năng cao và tiết kiệm năng lượng.
Chính những thành tựu đó đã thu hút sự chú ý của Apple. Năm 2010, ông được mời gia nhập Táo khuyết với vai trò Chief CPU Architect (Kiến trúc sư trưởng CPU), đứng sau bộ vi xử lý dòng A, từ A7 đến A12. Đây cũng là giai đoạn Apple chuyển từ dựa vào thiết kế của ARM sang phát triển các lõi tùy chỉnh.
Gerard Williams (giữa) dành 9 năm tại Apple với vai trò Kiến trúc sư trưởng CPU. Ảnh: Apple. |
Ra mắt cùng iPhone 5s vào năm 2013, A7 là bộ xử lý 64-bit đầu tiên được sử dụng trong smartphone, mở ra một kỷ nguyên mới về hiệu suất xử lý trên các thiết bị di động. Williams tiếp tục lãnh đạo thiết kế các dòng chip từ A8 đến A12, giúp iPhone và iPad luôn đứng đầu về hiệu năng và tiết kiệm năng lượng, theo DDay.
Khởi nghiệp với Nuvia và thương vụ tỷ USD
Sau gần một thập kỷ làm việc tại Apple, năm 2019, Gerard Williams rời công ty và thành lập Nuvia cùng 2 đồng nghiệp cũ. Start-up này tập trung vào việc phát triển các bộ xử lý dành cho trung tâm dữ liệu.
Williams tin rằng ARM có thể cạnh tranh với kiến trúc x86 vốn lâu nay chiếm lĩnh thị trường trung tâm dữ liệu, do Intel và AMD dẫn đầu. Với khả năng tối ưu hóa cả hiệu suất lẫn tiêu thụ năng lượng, Nuvia nhanh chóng thu hút sự chú ý của người trong ngành. Công ty này nhận được khoản đầu tư 53 triệu USD ngay trong năm đầu tiên và thêm 240 triệu USD trong vòng gọi vốn series B.
Theo The Verge, dự án Phoenix - lõi xử lý đầu tiên của Nuvia - có hiệu suất vượt xa các thiết kế hiện tại và có tiềm năng ứng dụng không chỉ trong trung tâm dữ liệu mà còn cả thiết bị di động và các lĩnh vực khác.
Năm 2021, tức là chỉ 2 năm sau khi thành lập, Nuvia được Qualcomm mua lại với giá 1,4 tỷ USD. Đây là một trong những thương vụ lớn nhất trong ngành vi xử lý thời điểm đó. Sự kiện này không chỉ đưa các thiết kế chip tiên tiến của Nuvia về tay Qualcomm, mà còn tận dụng đội ngũ kỹ sư tài năng, trong đó có Gerard Williams, để tăng sức cạnh tranh của công ty này.
Sau khi gia nhập Qualcomm, Gerard tiếp tục phát triển lõi xử lý Phoenix - tiền thân của Oryon, được tích hợp trong Snapdragon X Elite. Ảnh: DDay. |
Sau khi gia nhập Qualcomm, Williams tiếp tục phát triển lõi xử lý Phoenix. Lõi này sau đó đã được đổi tên thành Oryon, trở thành nền tảng được tích hợp trong các bộ xử lý Snapdragon thế hệ mới như Snapdragon X Elite. Bộ xử lý này được thiết kế để cạnh tranh trực tiếp với Intel và AMD trong lĩnh vực máy tính chạy Windows.
Cuộc chiến pháp lý với Apple
Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Gerard Williams và Apple không kết thúc êm đẹp. Tập đoàn đã kiện Gerard Williams với cáo buộc vi phạm hợp đồng lao động và lôi kéo nhân viên của Apple sang Nuvia.
Theo Táo khuyết, Williams đã lợi dụng thời gian làm việc tại tập đoàn để chuẩn bị cho startup của mình, sử dụng thông tin nội bộ để thu hút nhân sự, đồng thời tránh để lại bằng chứng qua các phương tiện liên lạc như tin nhắn.
Đáp lại, Williams cáo buộc gã khổng lồ xâm phạm quyền riêng tư vì đã xem xét tin nhắn cá nhân của ông mà không có sự đồng ý. “Theo lý thuyết của Apple, nếu một nhân viên nói chuyện (hoặc nhắn tin) cho một nhân viên khác để chỉ trích về chiến lược hoặc quyết định của công ty, thì cuộc thảo luận đó bị xem là ‘lôi kéo' để rời khỏi Apple một cách bất hợp pháp”, Williams nói.
Những ngày qua, thông tin, diễn biến vụ Đàm Vĩnh Hưng kiện ông Gerard Williams gây xôn xao truyền thông, mạng xã hội. Ảnh: Lesnumeriques. |
Vụ kiện kéo dài hơn 3 năm. Đến năm 2023, Apple bất ngờ rút đơn kiện nhưng không đưa ra lý do cụ thể, theo Bloomberg.
Ông Gerard Williams còn liên quan đến vụ kiện của ARM và Qualcomm. Thương vụ sáp nhập Nuvia và hãng chip Mỹ, kèm theo hợp đồng sử dụng kiến trúc vi xử lý, bị ARM cho là vi phạm. Vụ việc leo thang khi công Anh tuyên bố rút giấy phép sử dụng của Qualcomm hồi tháng 10.
Hiện tại, Gerard Williams đang bị ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng kiện khởi kiện lên tòa thượng thẩm bang California (Mỹ), đòi bồi thường lên đến 15 triệu USD. Dự kiến phiên điều trần đầu tiên của vụ kiện này sẽ diễn ra vào tháng 6/2025.
Liên quan đến vụ việc, Tri Thức - Znews đang liên hệ 2 bên để cung cấp thêm thông tin đến độc giả.
Những câu chuyện bên trong Apple
Văn hóa bí mật luôn là một điểm đặc biệt của Apple. Cuộc đời Steve Jobs, Tim Cook và quá trình sáng tạo những sản phẩm quan trọng như iPhone thường chỉ được tiết lộ qua những trang sách, nơi các tác giả dành nhiều năm để mang tới những câu chuyện hấp dẫn