Sự liều lĩnh của ông chủ Sài Gòn Centre
Với việc đổ 2 tỷ USD vào 18 công trình tại Việt Nam, Keppel Land với dự án Saigon Centre đang trở thành kẻ liều lĩnh trên thị trường bất động sản đóng băng của Việt Nam.
Hai trăm năm trước, vị thuyền trưởng lẫy lừng người Anh Henry Keppel lần đầu đặt chân đến Singapore. Có lẽ khi tới đây, ông cũng không thể ngờ rằng, tên tuổi của mình sau này sẽ trở nên nổi tiếng không chỉ trong lĩnh vực hải quân, mà còn lan sang cả lĩnh vực kinh doanh.
Năm 1830, khi vùng biển quanh Malaysia và Singapore đầy rẫy hải tặc, Henry Keppel đã được gia nhiệm vụ thống lĩnh hải quân Anh đến truy quét. Tại đây, ông đã để ý tới một khu vực có vùng nước sâu rất thích hợp cho thuyền bè neo đậu. Vùng đất Henry Keppel để ý tới sau này nhanh chóng phát triển trở thành một bến cảng quan trọng của Singapore: cảng Keppel. Một xưởng sửa chữa tàu được thành lập từ năm 1968 đã phát triển thành một trong những tập đoàn lớn nhất Singapore, Keppel Corporation.
Tổ hợp Saigon Centre tại đường Lê Lợi, quận 1, TP.HCM. |
Đằng sau sự lớn mạnh của Keppel Corp là bóng dáng của Temasek Holdings,với 20% cổ phần tại tập đoàn này. Temasek Holdings là công cụ của Chính phủ Singapore (100% sở hữu của Bộ Tài chính), nắm giữ hàng loạt cổ phiếu của các tập đoàn lớn nhất quốc gia này như SingTel, Singapore Airlines, Singapore Power,...
Từ lĩnh vực cốt lõi là cảng biển, Keppel ngày nay đã phát triển ra 3 lĩnh vực chính: cảng biển, phát triển cơ sở hạ tầng (viễn thông, vận tải), và cuối cùng là bất động sản. Năm 2012, doanh thu của Keppel Corp đạt 13,9 tỷ USD và lợi nhuận đạt 1,91 tỷ USD. Vốn hóa thị trường hiện đạt hơn 15 tỷ USD.
Tại Việt Nam, Keppel Corp đầu tư trên khá nhiều lĩnh vực, từ vận tải biển, logistic, hỗ trợ xây dựng dàn khoan dầu, trạm xử lý nước thải,... Tuy nhiên nổi bật nhất vẫn là mảng bất động sản với sự tham gia của Keppel Land.
Cánh tay nối dài của tập đoàn Keppel
Tương tự như các tập đoàn đa ngành khác của Singapore, sau khi phát triển thành công lĩnh vực cốt lõi, bất động sản thường là mục tiêu tiếp theo mà các tập đoàn này nhắm tới. Và Keppel Corp cũng không phải ngoại lệ. Keppel Land, bộ phận chịu trách nhiệm phát triển mảng bất động sản của Keppel là một trong những tập đoàn bất động sản lớn nhất được niêm yết trên sàn chứng khoán Singapore.
Hiện nay, vốn hóa thị trường của Keppel Land đạt 4,4 tỷ USD. Là một trong những tập đoàn hàng đầu về bất động sản tại châu Á, chiến lược phát triển bền vững của Kepel Land tập trung vào cả 2 thị trường: Thứ nhất là thị trường cốt lõi tại Trung Quốc và Singapore. Thứ hai là những thị trường mới nổi, với hai tên tuổi được chú trọng nhất là Indonesia và Việt Nam.
Tại Việt Nam, Keppel Land nổi lên với dự án Saigon Centre đi vào hoạt động từ rất sớm (1996). Ngoài ra, tập đoàn này cũng đầu tư rất nhiều lĩnh vực bất động sản, từ căn hộ, khách sạn, khu nghỉ dưỡng cho đến trung tâm thương mại. Có thể kể tới khá nhiều dự án nổi tiếng như: Sedona Suites Royal Park (Hà Nội); các khu dân cư cao cấp Villa Rivera, The Estella; các dự án phức hợp tại Nam Rạch Chiếc (TP.HCM) và dự án thành phố ven sông Đồng Nai.
Những dự án của Keppel vào Việt Nam. |
Tổng tài sản của Keppel Land đạt 11,7 tỷ USD tính đến cuối tháng 3/2013. Trong đó, riêng thị trường Việt Nam, tài sản của Keppel Land chiếm 3,9%, tương đương hơn 456 triệu USD (khoảng 9.500 tỷ đồng). So với các doanh nghiệp bất động sản trong nước thì đây là một con số vào loại lớn.
Tòa nhà International Centre ở trung tâm Hà Nội. |
Bước đi của kẻ liều
Dù thị trường bất động sản của Việt Nam vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn, nhưng Keppel Land vẫn tiếp tục đẩy mạnh đầu tư với việc triển khai các dự án mới. Hiện tại, Keppel land có khoản 18 dự án với vốn đầu tư đăng ký lên tới 2 tỷ USD vào Việt Nam
Cuối năm 2011, dự án Saigon Centre giai đoạn 2 đã được công ty Keppel Land và các đối tác là tổng công ty cổ phần Đường sông miền Nam (Sowatco) và tổng công ty địa ốc Sài Gòn (Resco) tiến hành, dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm 2015.
Việc xây dựng Saigon Centre giai đoạn 2 có thể xem như một bước cạnh tranh của Keppel Land với các trung tâm thương mại khác đang mọc lên ngày càng nhiều ở quận 1. Đi vào hoạt động từ năm 1996, Sài Gòn Centre có tổng diện tích mặt bằng cho thuê (cả văn phòng và khu thương mại) chỉ khoảng 16.000m2, đang tỏ ra lép vế so với các trung tâm thương mại mới mở như Vincom Center A (diện tích sàn trên 91.000m2).
Saigon Centre giai đoạn 2 sẽ bổ sung thêm 90.000m2 cho khu thương mại và văn phòng. Dù chưa đi vào hoạt động nhưng dự án này đã được Takashimaya Singapore – một trong những đại gia bán lẻ thế giới cam kết thuê khoảng 15.000 mét vuông sàn bán lẻ tại 5 tầng.
Cùng với trung tâm thương mại, Keppel Land vẫn đang tìm kiếm những cơ hội khác vào thị trường bất động sản Việt Nam. Tuy nhiên, những dự án của Keppel lại toàn tập trung vào những phân khúc khó khăn nhất của thị trường bất động sản - phân khúc khu phức hợp, căn hộ cao cấp. Có thể kể đến một số dự án đang được Keppel đang triển khai như dự án Nam Rạch Chiếc, khu dân cư phức hợp quy mô hơn 6.000 căn hộ tại quận 2, TP.HCM, dự án Riviera Point ở quận 7 hay the Estella, quận 2.
Đây có thể xem là một chiến lược liều lĩnh của Keppel Land, nhất là khi lượng hàng tồn kho, ế thừa đang tập trung nhiều vào phân khúc mà tập đoàn này đang triển khai. Mặt khác, đây cũng có thể coi là cách nhìn dài hạn của tập đoàn Singapore về tương lai bất động sản Việt Nam.
Theo Tri Thức Trẻ