Trong năm nay, Thổ tinh và Mộc tinh dần tiến lại gần nhau hơn. Đến ngày Đông chí 21/12, hai hành tinh này sẽ tiến sát đến nỗi trông như ngôi sao đôi. Sự kiện hiếm thấy này được gọi là đại trùng tụ (conjunction), một trong những hiện tượng thiên văn thú vị diễn ra vào cuối năm 2020.
“Những lần giao nhau giữa hai hành tinh này khá hiếm, xảy ra 20 năm một lần. Lần trùng tụ này đặc biệt hiếm gặp vì khoảng cách giữa chúng rất gần nhau”, Patrick Hartigan, Giáo sư vật lý và thiên văn học Đại học Rice, Mỹ giải thích.
Người dân Việt Nam có thể quan sát hiện tượng thiên văn đại trùng tụ hiếm có trong khoảng thời gian 17h30-19h30. Ảnh: Earthsky. |
Vào đêm 21/12, với góc lệch chỉ 0,1 độ, khoảng cách hai hành tinh bằng 1/5 đường kính Mặt Trăng, khá giống hành tinh kép. Hành tinh kép là hệ hai hành tinh gắn bó do tác động lực hấp dẫn xoay quanh trọng tâm chung. Trong dải Ngân Hà, giới nghiên cứu chỉ mới tìm thấy một hành tinh kép lùn là Diêm Vương tinh và Mặt Trăng Charon.
Khi nhìn từ Trái Đất, Mộc tinh thường là vì sao sáng nhất trên bầu trời đêm. Thổ tinh có độ sáng kém Mộc tinh 12 lần và hai hành tinh này rất hiếm khi “gặp nhau”. Lần gần đây nhất xảy ra đại trùng tụ là vào năm 1623, gần 400 năm trước. Phải 60 năm sau, đại trùng tụ mới xuất hiện lần nữa. Xa hơn là vào năm 2400.
Theo In The Sky, ngày 21/12, tại Việt Nam, người dân có thể quan sát hiện tượng thiên văn hiếm có này trong khoảng thời gian 17h30-19h30. Để quan sát rõ nhất, bạn nên dõi mắt về hướng tây bầu trời, với điều kiện thời tiết quang đãng.
Vì góc biểu kiến khá gần Mặt Trời, thời gian quan sát hiện tượng này tương đối ngắn. Nếu nhìn bằng mắt thường, người quan sát chỉ thấy một chấm sáng duy nhất trên bầu trời vì khoảng cách khá gần của hai hành tinh. Trên thực tế, Mộc tinh và Thổ tinh vẫn cách nhau hàng trăm triệu km.
Nếu quan sát bằng kính thiên văn với độ phóng đại lớn, có thể thấy được vành đai Thổ tinh, thậm chí cả mặt trăng của hai thiên thể này. Đây là lần quan sát hiếm có của những người yêu thiên văn, vì khoảng cách Mộc tinh và Thổ tinh trong lần đại trùng tụ này khá nhỏ, không bị ảnh hưởng bởi ánh sáng Mặt Trời.