Cuối cùng, người Đức sau 24 năm ròng chờ đợi chức vô địch thế giới thứ 4 đã được toại nguyện. Thành công này đến không bất ngờ trong bối cảnh Brazil không có ai là ngôi sao thực sự lớn ngoài Neymar, Argentina không có gì hơn ngoài việc trông chờ những khoảnh khắc xuất thần từ Messi. Người ta gọi đó là chiến thắng của tinh thần Đức. Nhưng tinh thần Đức là gì? Phải chăng đến tận cùng, đấy là sự kiên nhẫn?
Nước mắt của quá khứ
Cái giá phải trả cho cho vinh quang ngọt ngào tại Maracana của người Đức là 24 năm ròng chờ đợi, là thất bại, là danh hiệu “vua về nhì” chẳng ai muốn nhận. Trong những thước phim ta về các vòng World Cup, người ta hay chiếu về Hà Lan như một minh chứng cho những “cái chết bất tử”, là thế hệ vàng của Van Basten mãi không bao giờ chạm đến đỉnh của thế giới. Nhưng thật ra, Hà Lan hãy còn mong manh lắm. Nói đúng hơn là họ chưa đủ chất và lì lợm để xứng đáng là vua của vua.
Người Đức thì khác, bước ra thế chiến thứ hai với muôn vàn khó khăn nhưng Tây Đức trước đây hay Cộng hòa liên bang Đức từ năm 1990 là một thế lực đáng gờm. Nhưng không ai ngờ rằng, Đức kiêu hãnh là thế, tự tin là thế cũng có lúc gục ngã, không phải một lần mà là nhiều lần trong một thời gian dài.
Đội tuyển Đức đã gắn ngôi sao thứ 4 lên ngực. |
Kể từ mùa hè Italia 1990 nóng bỏng, nơi nước Đức mới thống nhất lên đỉnh thế giới thì đã 24 năm trôi qua, cúp vàng là thứ quá xa xỉ với người Đức dẫu có lúc nó đã đến rất gần như trận chung kết trên đất Hàn Quốc - Nhật Bản năm 2002. Để rồi, thất bại ê chề hai năm sau đó tại Bồ Đào Nha trong chiến dịch Euro 2004, bộ phận đầu não của bóng đá Đức quyết tâm đổi mới.
Song, càng thay đổi, người ta lại dè bỉu, bởi thước đo của người hâm mộ là những chiếc cúp, là tinh thần Đức vốn là đặc sản bất di bất dịch. Thế mà, tuyển Đức từ sau khi Klismann sau này là Lower lên nắm quyền, liên tục thất bại ở những thời điểm không tưởng. Ba lần liên tiếp luôn vào được bán kết nhưng không lần nào chạm tay vào cúp vàng rõ ràng khiến những người yêu mến tuyển Đức tốn quá nhiều nước mắt. Nếu nói 24 năm qua, người Đức sống trong những giọt nước mắt cũng không có gì quá.
Quả ngọt và mô hình cho những nền bóng đá khácVà rồi, phút giây xuất thần của Mario Gotze - sản phẩm của sự đổi mới, đã làm thay đổi tất cả. Nó chấm dứt âm mưu kéo trận đấu vào loạt luân lưu của Argentina, chấm dứt luôn cái mác “vua về nhì” tồn tại bao nhiêu năm nay của người Đức. Sau bao nhiêu khổ đau của một cuộc lột xác, người Đức giờ đây có thể tự hào với thế giới rằng họ không chỉ có một tinh thần Đức, mà ẩn sâu bên trong đó là sự kiên nhẫn mà họ dám đi theo một lối đi riêng dù có trắc trở, chông gai.
Nhìn lại trận đội hình vào chung kết của Đức năm nay, quả thật, gần như hoàn toàn là lứa cầu thủ trưởng thành từ cuộc cách mạng của Klismann. Đó là Đức của sức trẻ dào dạt (Klose là cầu thủ duy nhất sót lại từ kì World Cup 2002), là Đức của một tập thể gắn kết, chơi đồng đội, không có ngôi sao nào lớn hơn huấn luyện viên.
Bỏ qua, việc vô địch sau quá nhiều năm chờ đợi, riêng việc Đức hoàn thiện lối đá đẹp mắt của mình thì đã giành một chức vô địch trong lòng người hâm mộ. Họ từ việc đá đẹp mắt đơn thuần đã biến nó thành hiệu quả và đỉnh cao là có điều khiển nhịp độ, điều tiết trận đấu theo ý mình. Đây có lẽ thành công lớn nhất của Đức mà công đầu thuộc về Lower.
Cuối cùng, thành công của Đức cũng là một bài học quý giá cho những nền bóng đá khác. Họ dám thử những bước đi mới, dám chịu những thất bại, dám chịu những chỉ trích và cuối cùng cũng thu về trái ngọt. Tận cùng của thành công này chính là sự nhẫn nại. Không nhẫn nại, Lower không tại vị, không nhẫn nại, Gotze không được trưởng thành để rồi trở thành người hùng của cả đất nước và không nhẫn nại, cuộc cách mạng của Klismann sẽ chết từ khi còn trong trứng nước.
Độc giả bình chọn cho bài viết vui lòng bấm Like và Share trên Facebook Fanpage Zing.vn: