Ông Phạm Trung Tuyến - Phó giám đốc kênh VOV Giao thông Quốc gia chia sẻ với Zing.vn quanh vụ "tè bậy" giữa đường gây xôn xao gần đây.
Mấy ngày nay hình ảnh người đàn ông dừng ôtô giữa phố đông, bước xuống đường để tiểu tiện vào giải phân cách trở thành một sự kiện được lan truyền không kém gì những câu chuyện tình ái của Hồ Ngọc Hà.
Hình ảnh đó đúng là rất sốc, bởi nó như một vòi nước 37 độ xối thẳng vào truyền thống thanh lịch của người thủ đô dẫu đã nhiều tha hóa.
Tiểu tiện vô lối dù không phải chuyện lạ ở Hà Nội, nhưng người này lại mặc complet, đi ôtô, những thứ được mặc nhiên chứng nhận thuộc về người có tiền, nên dù ít dù nhiều cũng có chút thể diện.
Thế mà anh ta điềm nhiên đứng làm việc đó giữa thanh thiên bạch nhật, giữa hàng trăm con mắt. Vậy là tội vô liêm sỉ lại còn có yếu tố tăng nặng. Thật là đáng lên án quá đi!
Ông Phạm Trung Tuyến |
Hành động vô lối của người đàn ông đó, có tờ báo đưa tin là công an đã vào cuộc để điều tra. Đúng thế! Cộng đồng văn minh cần phải lên án, ném đá, trừng trị anh ta một cách thích đáng! Không thể tha thứ cho một hành vi như thế, nhất là khi bàng quang của chúng ta đang ở trong trạng thái an toàn.
Nhưng khi bàng quang của chúng ta đang ở trong trạng thái không an toàn thì sao?
Thử đặt mình vào hoàn cảnh của người đàn ông đó, khi đang lái xe trên đường phố Hà Nội mà bàng quang đau tức, chúng ta có những lựa chọn gì?
Câu trả lời dĩ nhiên sẽ không ai giống ai, phụ thuộc vào nhận thức văn hóa của mỗi người. Song, văn hóa là gì? Theo định nghĩa của Henry Bergson, tác giả cuốn sách “Chất liệu của trí nhớ” thì văn hóa là thói quen được hình thành bởi hai yếu tố gồm cơ chế thúc đẩy và các kỷ niệm độc lập.
Cơ chế thúc đẩy trong chuyện này dĩ nhiên là cái bàng quang đang đòi được giải phóng, là cơn đau tức đến mức không thể chịu đựng nổi ở bụng dưới, thậm chí có thể ngất lịm đi vì ngộ độc bàng quang. Kỷ niệm độc lập về việc này hẳn ai cũng đã có. Và đây sẽ là yếu tố quyết định lựa chọn của bạn.
Bức ảnh tè bậy giữa đường gây xôn xao cộng đồng. |
Nếu bạn thông thuộc đường phố và may mắn biết rằng gần đó có nhà vệ sinh công cộng thì bạn sẽ cố gắng chịu đựng đến đúng chỗ cứu nạn. Lựa chọn này rất khó khả thi đối với một thành phố như Hà Nội, bởi không có bất cứ nguyên tắc quy hoạch nào cho vị trí các điểm vệ sinh công cộng.
Hà Nội không sẵn nhà vệ sinh công cộng, nhưng may mắn có nhiều quán café. Đa số sẽ chọn giải pháp uống café khi tức bụng. Đây cũng là lý do vì sao người Hà Nội dễ dàng chấp nhận uống thứ café như nước gạo rang với hương liệu.
Nhưng lựa chọn này đối với người đi ôtô cũng khá khó khăn bởi thực tế hạ tầng giao thông Hà Nội không dễ cho bạn đỗ xe uống café ở bất cứ tuyến phố nào. Hoặc có khoảng trống để đỗ được thì khả năng bị phạt cũng rất cao. Trong khi chưa có ai bị phạt vì tiểu tiện ngoài đường.
Lựa chọn tiếp theo là chấp nhận giải phóng tại chỗ, hy sinh bộ quần áo, cái thảm xe. Ít người lựa chọn phương án này, tôi mới chỉ nghe thấy có những phụ nữ, do vấn đề phẩm hạnh mà chấp nhận hy sinh một cái áo để chầm chậm ướt mình.
Đa số đàn ông sẽ cố sống cố chết để lái xe đến khi nào có thể. Dù chưa ai thống kê, song đây chắc chắn cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến va chạm giao thông. Và nếu đã có kỷ niệm về va chạm giao thông bởi việc này, tôi tin người ta sẽ chọn giải pháp tè bậy, bờ tường, gốc cây nếu có thể.
Tuy nhiên, người đàn ông trong bức ảnh đó, ở thời điểm đó, có lẽ không thể tìm được chỗ nào kín đáo hơn cái giải phân cách, anh ta đã nghĩ rằng không ai biết anh ta là ai. Anh ta đã phải trả giá vì chưa có những kỷ niệm độc lập về điện thoại thông minh và mạng xã hội.
Tôi không định bào chữa cho người đàn ông này, bởi dẫu sao đó cũng là một hành vi không thể chấp nhận. Song, tôi buộc phải nghĩ tới sự khốn cùng của những chiếc bàng quang của người Hà Nội hiện nay. Hà Nội là một thành phố mà sự an toàn bàng quang bị đe dọa nghiêm trọng.
Khi nhìn tấm ảnh người đàn ông đó, đọc những lời lên án dữ dội của công dân thủ đô, và đồng thời nhớ lại cảm giác đau buốt của bản thân, tôi thực sự đồng cảm với câu nói nổi tiếng của Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải “Thà nghèo mà yên bình còn hơn giàu có mà không an toàn.” Lúc đó, đúng là thà nghèo còn hơn.