Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sự khác thường của Trung Quốc trong tuyên bố tăng chi quốc phòng

Trung Quốc vừa tuyên bố tuyên bố “tăng chi tiêu quốc phòng” và “tăng hỗ trợ cho quân đội” trong năm 2017 mà không công bố con số cụ thể. Dư luận xem đây là “động thái bất thường”.

Khu vực và cả Washington theo dõi sát sao mức ngân sách quốc phòng Trung Quốc công bố cho năm 2017 trong phiên họp Quốc hội thường niên vừa khai mạc, để phân tích các mục tiêu của cường quốc đang nổi này.

Động thái của Trung Quốc càng được chú ý khi chỉ vài ngày trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố tăng chi tiêu quốc phòng 10% trong năm 2017 – mức tăng lớn nhất trong lịch sử Mỹ.

Khác năm ngoái

Ngày 5/3, trước Quốc hội, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường khẳng định sẽ hỗ trợ nhiều hơn nữa cho quân đội, trong đó có việc tăng cường năng lực phòng thủ trên không và trên biển “nhằm bảo vệ chủ quyền”.

Tuy nhiên, lãnh đạo Trung Quốc không nhắc đến những con số cũng như mục tiêu chi tiêu quốc phòng thực tế.

Một ngày trước đó, người phát ngôn Quốc hội Trung Quốc Phó Oánh loan báo chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc trong năm 2017 sẽ tăng khoảng 7%, tương đương khoảng 1,3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) – mức tăng thấp nhất kể từ năm 2010.

Quan chức này không đưa ra con số về quốc phòng. Giới chức Trung Quốc cũng từ chối bình luận về sự “bất thường” này.

ngan sach quoc phong Trung Quoc anh 1
Thiết bị quân sự Trung Quốc diễu hành năm 2009, nhân kỷ niệm 60 năm quốc khánh nước này. Ảnh: AP .

Báo chí Trung Quốc dẫn lời một số quan chức và các nhà chiến lược nước này khẳng định rằng ngân sách quốc phòng của Trung Quốc “luôn được xây dựng phù hợp với tình hình phát triển kinh tế của Trung Quốc cũng như nhu cầu về quốc phòng và quân sự” và "không bao giờ gây hại cho các quốc gia khác".

Năm ngoái, Trung Quốc đã khiến dư luận ngạc nhiên khi lần đầu kể từ năm 2010, chi tiêu quốc phòng của nước này chỉ tăng 1 con số và là mức tăng thấp nhất trong 6 năm trở lại đây: chỉ 7,6%, lên mức 954 tỷ nhân dân tệ (khoảng 138 tỷ USD).

Những lo ngại

Theo hãng tin AP, trước việc chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump có kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng 10% trong năm 2017 và những lo ngại về xung đột tiềm năng với Mỹ tại Biển Đông cũng như vấn đề Đài Loan, một số ý kiến ở Trung Quốc cho rằng mức tăng này là “không đủ”.

Trong khi đó, BBC cho rằng tỷ lệ ngân sách quốc phòng được công bố của Trung Quốc vẫn nhỏ hơn của Mỹ, nhưng con số thực tế có thể cao hơn nhiều.

Telegraph dẫn lời chuyên gia quân sự cho rằng có lẽ Trung Quốc đang phải kiềm chế một phần các tham vọng của mình, nhất là tham vọng hiện đại hóa quân đội, ít nhất là trong lúc này, khi Trung Quốc phải chịu áp lực từ nền kinh tế trì trệ.

RocketNews dẫn lời dẫn lời nhà nghiên cứu Graham Ong Webb, Trường Nghiên cứu Quốc tế Rajaratman (Singapore), chú ý đến mục đích chính của ngân sách quốc phòng năm nay: “Khoản tăng không lớn, nhưng Trung Quốc có xu hướng tập trung số tiền này cho việc mua sắm các trang thiết bị và hiện đại hóa vũ khí của mình, trong đó có phục vụ kế hoạch trên Biển Đông.”

ngan sach quoc phong Trung Quoc anh 2
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc. Ảnh: USNI .

Theo giới phân tích, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng ngân sách quốc phòng đầu tư cho lực lượng hải quân, trong bối cảnh tìm cách cạnh tranh với ảnh hưởng của Mỹ ở các vùng biển trọng yếu và đẩy mạnh mục tiêu gia tăng vị thế trên toàn cầu.

Tuy nhiên, Bắc Kinh không công bố rõ mức đầu tư cho lực lượng trên biển.

Một quan chức chính quyền Mỹ, đề nghị giấu tên, nói: “Với ngân sách quốc phòng năm ngoái và ngân sách quốc phòng năm nay, tôi cho rằng họ đang tiến tới mục tiêu ngắn hạn là trở thành lực lượng hải quân dẫn đầu tại Biển Đông và Biển Hoa Đông, với mục tiêu trung hạn là mở rộng tầm ảnh hưởng tới cả Ấn Độ Dương”.

Theo báo cáo của Lầu Năm Góc trình Quốc hội Mỹ, Trung Quốc đã đưa vào biên chế 4 tàu ngầm lớp Tấn. Tuy nhiên, cũng có thông tin nói rằng chiếc đầu tiên mới đi vào hoạt động từ năm 2016.

Còn theo báo cáo thường niên mà Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS - trụ sở tại Anh) vừa công bố, Trung Quốc đã triển khai cải tổ sâu rộng đối với Quân Giải phóng Nhân dân (PLA), tập trung vào tăng cường năng lực tác chiến hơn là quản lý hành chính.

“Năm 2016, ngân sách quốc phòng thực sự của Trung Quốc có thể cao gấp 1,8 lần so với Hàn Quốc, Nhật Bản cộng lại và chiếm hơn 1/3 tổng chi tiêu quốc phòng của cả châu Á. Nếu như Trung Quốc trước đây chủ yếu dựa vào vũ khí của Nga, thì nay đã chuyển sang tự nghiên cứu và phát triển”, báo cáo viết.

Những tin tức về chi tiêu quốc phòng được Trung Quốc công bố trong bối cảnh Hải quân Mỹ, trong đó hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson, bắt đầu hoạt động thường lệ ở Biển Đông. Đây là lần đầu tiên Mỹ thực hiện các cuộc tuần tra tự do hàng hải ở vùng biển tranh chấp này kể từ khi ông Trump lên nắm quyền cuối tháng 1/2017.

Tân Tổng thống Mỹ từng cam kết sẽ tăng số lượng tàu biển mà Mỹ sở hữu từ 290 chiếc như hiện nay lên 350 chiếc, biến đây trở thành một “hoạt động tăng cường trang bị quân sự lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ”.

Trung Quốc tăng ngân sách quốc phòng khoảng 7% cho 2017

Mặc dù đứng trước áp lực tăng mạnh chi tiêu quân sự, Trung Quốc sẽ chỉ tăng ngân sách quốc phòng năm 2017 thêm khoảng 7%, mức thấp nhất kể từ năm 2010.

Nhật Mai (tổng hợp)

Bạn có thể quan tâm