Máy BTS giả giấu trong ba lô để phát tán tin nhắn lừa đảo. Ảnh: Cục Tần số vô tuyến điện. |
Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ TT&TT) cho biết, trong tuần đầu tháng 12/2023, Trung tâm Tần số khu vực vô tuyến điện II đã phối hợp với các đơn vị chức năng trên địa bàn TP.HCM phát hiện, bắt quả tang một đối tượng sử dụng xe máy chở thiết bị giả lập trạm thu phát sóng di động (BTS giả) phát tán tin nhắn lừa đảo.
Khác với các vụ việc gần đây, phương tiện được các đối tượng dùng chở thiết bị BTS giả đi phát tán tín nhắn lừa đảo thường là xe ô tô; lần này, nhằm thuận tiện len lỏi khi phát tán tin nhắn lừa đảo trên cả những địa bàn nhỏ hẹp, đối tượng đã dùng xe máy để thực hiện hành vi trái pháp luật của mình.
Thiết bị BTS giả bị lực lượng chức năng thu giữ trong vụ việc ngày 6/12/2023. Ảnh: Cục Tần số và vô tuyến điện. |
Cụ thể, theo lời kể của cán bộ Trung tâm Tần số khu vực vô tuyến điện II (Cục Tần số vô tuyến điện), sáng 6/12, nhà mạng đã thông tin tới Trung tâm về việc có dấu hiệu thiết bị BTS đang được sử dụng để phát tán tin nhắn lừa đảo trên địa bàn TP.HCM.
Ngay sau đó, Trung tâm đã tổ chức đoàn công tác, tiến hành truy vết nguồn tín hiệu phát tán tin nhắn lừa đảo. Quá trình theo dõi, đối tượng đã sử dụng xe máy, giấu thiết bị phát sóng BTS giả trong ba lô và liên tục di chuyển nhanh trên nhiều địa bàn, tuyến đường đông đúc để phát tán tin nhắn lừa đảo.
Đến 11h20 ngày 6/12, đoàn công tác Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực II, các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an (A06) cùng Công an TP.HCM (Công an thành phố Thủ Đức) đã phát hiện và bắt quả tang đối tượng đang sử dụng BTS giả phát tán tin nhắn lừa đảo.
Đối tượng này sau đó được đưa về trụ sở công an để tiếp tục mở rộng điều tra vụ việc, củng cố hồ sơ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Từ vụ việc nêu trên, Cục Tần số vô tuyến điện nhận định, sự phối hợp nhịp nhàng 3 bên giữa nhà mạng, Cục Tần số vô tuyến điện và lực lượng Công an là yếu tố quan trọng, giúp phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp.
Trong đó, nhà mạng phát hiện, khoanh vùng ban đầu sự xuất hiện và hoạt động của thiết bị BTS giả; Cục Tần số vô tuyến điện truy vết, xác định chính xác đối tượng; và lực lượng Công an xuất hiện kịp thời tại hiện trường theo thông báo của Cục Tần số vô tuyến điện để thực hiện bắt giữ đối tượng.
Hồi cuối tháng 10/2023, Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực II thuộc Cục Tần số vô tuyến điện cũng đã cùng các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an ở khu vực phía Nam và Công an TP.HCM bắt giữ 3 đối tượng liên quan đến hoạt động sử dụng trạm BTS giả để xâm nhập mạng viễn thông công cộng, phát tán tin nhắn lừa đảo.
Thời gian qua, tình trạng một số đối tượng sử dụng các thiết bị BTS giả để mạo danh tin nhắn tổ chức tài chính, ngân hàng lừa đảo người dùng đã liên tục tái diễn.
Nhiều biện pháp đã được đưa ra để giải quyết trình trạng này. Đặc biệt, theo Cục Tần số vô tuyến điện, trong năm nay, Cục đã chủ động tham gia, phối hợp một cách bài bản hơn với cơ quan công an và các nhà mạng trong việc phát hiện, xác định và xử lý các vụ sử dụng thiết bị giả mạo trạm gốc di động để nhắn tin rác và tin nhắn lừa đảo.
Tính từ đầu năm đến nay, số vụ việc các đối tượng sử dụng trạm BTS giả phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo đã được Cục Tần số vô tuyến điện và các lực lượng chức năng phát hiện, xử lý là 19 vụ (với 20 thiết bị), tăng hơn gần 4 lần so với 2022.
Nhóm người săn lùng loại mã độc nguy hiểm nhất thế giới công nghệ
Trong quyển sách mới, Renee Dudley và Daniel Golden đưa độc giả đến gần hơn với cuộc chiến thầm lặng của những chuyên gia công nghệ toàn cầu, chống lại kẻ đứng sau ransomware.