Những năm Chiến tranh Lạnh, các tàu ngầm Liên Xô và NATO thường xuyên rình rập các tàu chiến mặt nước để thu thập thông tin tình báo, đồng thời thử nghiệm các chiến thuật đánh chìm tàu chiến đối phương trong tình huống xảy ra xung đột, tạp chí National Interest cho biết.
Hơn một lần trong trò chơi “mèo vờn chuột” đó đã xảy ra va chạm, gây hư hỏng cho tàu ngầm và tàu chiến mặt nước. Một trong những sự cố như thế xảy ra vào năm 1984, khi tàu ngầm tấn công hạt nhân K-314, lớp Victor I va chạm với tàu sân bay USS Kitty Hawk ở Biển Nhật Bản.
Vụ va chạm có thể trở thành thảm họa hạt nhân nếu lò phản ứng trên tàu phát nổ, kéo theo tác động nguy hiểm cho môi trường và nguy cơ dẫn đến cuộc xung đột vũ trang giữa hai nước.
Giám sát Mỹ tập trận
Tháng 3/1984, USS Kitty Hawk (CV-63) mang theo 80 máy bay, cùng đội hộ tống gồm 8 tàu chiến tiến vào Biển Nhật Bản để tham gia cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc mang mật danh Team Spirit-84.
Máy bay tuần tra hàng hải chống ngầm P-3 Orion của Mỹ bay phía trên tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Victor của Liên Xô. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
Sự xuất hiện của nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ ở vùng biển không xa vùng Viễn Đông của Liên Xô, đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của Hạm đội Thái Bình Dương. Tàu ngầm K-314 được lệnh ra khơi theo dõi quá trình tập trận của nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ.
Ngày 14/3, tàu ngầm K-314 đưa tàu sân bay CV-63 vào diện theo dõi đặc biệt. Người Mỹ bắt đầu phát hiện ra họ bị theo dõi bởi tàu ngầm Liên Xô và tìm cách cắt đuôi. Một sĩ quan trên tàu sân bay Kitty Hawk nhớ lại rằng họ chơi trò “mèo vờn chuột” với chúng tôi mọi lúc.
Một số người khác nói rằng tàu ngầm Liên Xô xuất hiện để thử nghiệm các thiết bị chống tàu ngầm của Mỹ. Cuộc rượt đuổi giữa tàu ngầm K-314 và nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ kéo dài trong vòng một tuần trước khi sự cố xảy ra.
Suýt trở thành thảm họa hạt nhân
Ngày 21/3/1984, do thời tiết xấu, tàu ngầm K-314 mất dấu vết của tàu sân bay Kitty Hawk. Thuyền trưởng Vladimir Evseenko ra lệnh cho tàu ngầm nổi lên ở độ sâu kính tiềm vọng để đánh giá tình hình.
Thông qua kính tiềm vọng, thuyền trưởng Evseenko rất ngạc nhiên khi nhận ra rằng toàn bộ các tàu hộ tống chỉ cách vị trí tàu ngầm 4-5 km, nhưng không thấy tàu sân bay Kitty Hawk ở đâu. Thủy thủ đoàn trên tàu ngầm không biết rằng tàu sân bay đang ở ngay phía trên đầu họ.
Tàu ngầm K-314 hỏng nặng sau vụ va chạm. Ảnh: Topwar. |
Khi thuyền trưởng nhận ra vấn đề và ra lệnh cho tàu lặn khẩn cấp thì đã quá muộn. Mũi tàu sân bay Kitty Hawk đâm trúng cánh buồm chính của K-314 khiến con tàu mất phương hướng dẫn đến vụ va chạm thứ 2 trúng vào chân vịt.
Vụ va chạm trúng vào một bể chứa nhiên liệu của tàu sân bay nằm dưới đường nước, gây rò rỉ một lượng lớn nhiên liệu ra biển, nhưng không đủ nghiêm trọng để gây ảnh hưởng đến hoạt động của tàu.
Thiệt hại với tàu K-314 nặng hơn và nó không thể tự di chuyển. Sau vụ va chạm, tàu ngầm K-314 không còn lựa chọn nào khác là nổi lên mặt nước giữa nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ.
David N. Rogers, thuyền trưởng tàu sân bay Kitty Hawk nhớ lại: “Chúng tôi ngay lập tức triển khai 2 trực thăng để xem liệu chúng tôi có thể cung cấp bất kỳ sự trợ giúp nào không, nhưng tàu ngầm Liên Xô dường như không bị thiệt hại quá nặng”.
Tàu chiến Mỹ cũng cố gắng sử dụng đèn hiệu để xem tàu ngầm K-314 cần trợ giúp gì không, nhưng phía tàu ngầm Liên Xô không phản hồi.
USS Kitty Hawk là tàu sân bay thông thường cuối cùng của Mỹ. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
Một số thủy thủ trên tàu sân bay nhớ lại rằng họ cảm thấy rùng mình khi một tàu ngầm Liên Xô nổi lên bên cạnh họ. Nếu điều này xảy ra trong thời chiến, tàu sân bay Mỹ có thể đã bị nhấn chìm.
Tại Washington, các quan chức Lầu Năm Góc cho biết các trực thăng săn ngầm và tàu hộ tống của Kitty Hawk đã ngừng theo dõi sonar với tàu ngầm 2 giờ trước khi xảy ra vụ va chạm, vì nhóm tác chiến đã được lệnh di chuyển đến Hoàng Hải.
Các quan chức nói rằng trong điều kiện thời bình, không nhất thiết phải duy trì theo dõi 24/24 với các tàu ngầm Liên Xô, ngay cả khi họ biết trước về sự xuất hiện của tàu ngầm Liên Xô trong vùng lân cận.
May mắn là vụ tai nạn không dẫn đến rò rỉ hạt nhân. Tàu ngầm K-314 được kéo về căn cứ hải quân gần nhất của Liên Xô và được hộ tống bởi một tàu khu trục Mỹ. Tàu sân bay Kitty Hawk di chuyển về quân cảng Yokosuka, Nhật Bản để sửa chữa.
Phía Mỹ đổ lỗi cho Liên Xô về vụ va chạm. Tàu ngầm K-314 đã không bật đèn điều hướng khi nổi lên, vi phạm quy tắc quốc tế về an toàn giao thông hàng hải. Một tàu ngầm phải nhường đường cho tàu mặt nước khi nổi lên và có nghĩa vụ tuân theo quy tắc đó khi ở trên mặt nước.
Đối với Liên Xô, việc một tàu ngầm va chạm với tàu chiến Mỹ là điều khó chấp nhận. Thuyền trưởng Evseenko bị cách chức và phục vụ trên đất liền. Tuy nhiên, vị thuyền trưởng đã không đồng tình với án kỷ luật.