Một tàu ngầm hạt nhân của Liên Xô cũ gặp nạn và chìm dưới đáy biển 3 thập niên trước đang rò rỉ phóng xạ vượt mức cho phép, CNN dẫn thông tin từ Viện Nghiên cứu Hàng hải (IMR) Na Uy cho biết. Tuy nhiên, IMR cho biết việc rò rỉ phóng xạ không ảnh hưởng đến an toàn đối với người và cá.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng tàu thăm dò để lấy mẫu nước biển trong ống thông hơi trên xác tàu ngầm Liên Xô, chìm ở vùng biển gần Na Uy. Theo các nhà nghiên cứu, mẫu nước ở lỗ thông hơi chứa nguyên tố Caesium vượt 800.000 lần so với bình thường, đây là một nguyên tố có tính phóng xạ.
“Mức độ Caesium mà chúng tôi phát hiện được cao hơn bình thường so với các khu vực khác, nhưng vấn đề không đáng báo động”, Hilde Elise Heldal, trưởng nhóm nghiên cứu, nói trong thông cáo.
Các nhà khoa học đang theo dõi "đám mây" màu sữa bốc lên từ ống thông gió của xác tàu ngầm Liên Xô. video IMR. |
Các nhà khoa học sử dụng tàu thăm dò điều khiển từ xa có tên Ægir 6000 để khảo sát xác tàu ngầm và thu thập mẫu nước biển gần đó.
Tàu ngầm hạt nhân K-278 Komsomolets bị cháy khoang động cơ và chìm vào tháng 4/1989, cách khoảng 217 km về phía tây nam đảo Gấu, Na Uy. Tàu chìm cùng lò phản ứng hạt nhân và 2 đầu đạn ngư lôi hạt nhân. Các nhà nghiên cứu đã theo dõi xác tàu ngầm từ những năm 1990 và đã ghi nhận rò rỉ phóng xạ từ ống thông gió của tàu.
“Trong vài ngày qua, chúng tôi đã lấy mẫu nước cách ống thông gió tàu ngầm khoảng vài mét. Chúng tôi không tìm thấy bất kỳ nguyên tố phóng xạ nào như ở sát ống thông gió”, Justin Gwynn, nhà nghiên cứu tại Cơ quan An toàn Bức xạ hạt nhân Na Uy, nói.
Tuy vậy, các nhà khoa học đang theo dõi một đám mây màu sữa thoát ra từ ống thông gió của tàu ngầm, nơi họ ghi nhận mức độ phóng xạ cao gấp nhiều lần bình thường. Họ đang tìm hiểu sự liên quan giữa đám mây màu sữa và chỉ số phóng xạ cao bất thường.
Các nhà khoa học sẽ tiếp tục theo dõi xác tàu ngầm Komsomolets, nhưng cho biết không có nguy hiểm nào ở thời điểm hiện tại. Lượng phóng xạ rò rỉ nhanh chóng bị pha loãng trong nước biển và không có nhiều cá trong khu vực để ngư dân đánh bắt.