Tháng 2/2019, Galaxy Fold chiếm trọn sự chú ý khi xuất hiện trong sự kiện cùng với Galaxy S10. Tuy nhiên, trái với sự kỳ vọng của giới công nghệ, Fold lại có khởi đầu khá lận đận.
Samsung gặp vấn đề với độ bền của dòng Galaxy Fold (hay về sau là Galaxy Z Fold). Hãng phải lùi ngày bán ra nhiều lần, và tới tháng 9/2019 mới chính thức giới thiệu trở lại Galaxy Fold phiên bản “đã gia cố”.
Đó là câu chuyện của 2 năm trước. Smartphone màn hình gập khi đó vẫn là một thiết bị tương lai, nên những người mua sản phẩm từ sớm sẵn sàng chấp nhận rủi ro nhất định và mức giá bán cao để đổi lấy trải nghiệm chưa từng có.
Trả lời Zing qua mail, các chuyên gia quốc tế cho rằng Galaxy Fold cũng có thể coi là sự mạo hiểm, dũng cảm của Samsung. Hãng có quyền hy vọng vào một bước ngoặt mới của ngành di động, như cách Apple từng làm với iPhone đời đầu.
Smartphone gập cần gì để thuyết phục người dùng?
Trong lĩnh vực công nghệ, danh tiếng ban đầu không đủ đảm bảo sự thành công. Nếu như iPhone không sớm có App Store, hay Samsung không đi theo chiến lược “luôn mạnh nhất” và liên tục bổ sung tính năng mới trên những dòng Galaxy S, thì chưa chắc họ đã đạt thành công lâu dài như vậy.
Galaxy Z Fold3 cần thuyết phục được người dùng về độ bền. Ảnh: Xuân Tiến. |
“Không phải sản phẩm nào cũng thành công ngay từ đầu, kể cả khi màn ra mắt rất đột phá. Chiếc iPhone đầu tiên chỉ bán được một triệu máy, và nói thật là sử dụng cũng không tốt lắm. Tuy nhiên 3 năm sau, chiếc iPhone 3GS đã bán được 40 triệu máy và dần biến thành thiết bị có tầm ảnh hưởng mà chúng ta biết hiện nay”, ông Bob O’Donnell, Chủ tịch kiêm nhà phân tích chính của công ty TECHnalysis nhận xét.
Không phải sản phẩm nào cũng thành công ngay từ đầu, kể cả khi màn ra mắt rất đột phá. iPhone đời đầu chỉ bán được 1 triệu chiếc và dùng cũng không tốt lắm
Bob O’Donnell, Chủ tịch kiêm nhà phân tích chính của công ty TECHnalysis
Chia sẻ với Zing, ông O’Donnell thừa nhận mình cũng là một “early adopter” (người mua ủng hộ) Galaxy Fold từ đời đầu. Ông biết rõ những hạn chế của thế hệ máy màn hình gập đầu tiên, nhưng vẫn chấp nhận bỏ ra gần 2.000 USD để có được trải nghiệm mới, chưa có trên những smartphone khác.
Tuy nhiên, sự kiên nhẫn của người dùng cũng có giới hạn. Samsung cần chứng minh được rằng những mẫu máy gập đắt tiền của họ đã cải thiện được độ bền, có nhiều tính năng để tận dụng được màn hình gập. Ông O’Donnell cho rằng những cải tiến ở Z Fold3 lẫn mẫu máy rẻ hơn là Z Flip3 đã làm được điều này.
“Tôi cho rằng Samsung đã cải thiện những vấn đề mà người dùng thực sự sẽ quan tâm, như độ bền, kích thước, cân nặng, và với Z Flip3 còn là kích thước màn hình nữa”, ông O’Donnell nhận định.
Galaxy Z Fold3 vẫn được trang bị chổi nylon ở phần bản lề để quét bụi ra. Ảnh: Samsung. |
Trong số những cải tiến mà Samsung mang lại, độ bền vẫn là vấn đề được quan tâm nhất. Samsung trang bị khả năng chống nước tốt hơn cho Z Fold3, đáp ứng tiêu chuẩn IPX8. Tuy nhiên, do tính chất gập mở liên tục của chiếc điện thoại, hãng chưa thể đạt được chứng nhận chống bụi.
Samsung sẽ mất rất lâu để thuyết phục người dùng tin tưởng vào độ bền của điện thoại gập
Ken Hyers, Giám đốc dịch vụ phân tích về thiết bị mới của Strategy Analytics
“Bụi vẫn sẽ lọt vào”, Drew Blackard, Phó chủ tịch sản phẩm của Samsung Electronics tại Mỹ thừa nhận với Cnet. Để đối phó với tình trạng này, Samsung tiếp tục sử dụng những chổi quét nylon bên trong cơ cấu gập. Phương án này tỏ ra khá ổn trên thế hệ Z Fold2.
“Tất nhiên, tôi nghĩ người dùng vẫn sẽ lo lắng. Samsung sẽ mất một khoảng thời gian dài mới có thể thuyết phục người dùng tin tưởng vào độ bền của điện thoại gập”, Ken Hyers, Giám đốc dịch vụ phân tích về thiết bị mới của Strategy Analytics chia sẻ.
Bước ngoặt của Samsung
Khi ra mắt Galaxy Fold với giá bán gần gấp đôi Galaxy S10 Plus, Samsung đã phân định rõ Fold là smartphone hướng tới người sẵn sàng trả nhiều tiền cho sự khác biệt, chứ không phải đối tượng người dùng phổ thông.
Tuy nhiên, khi giá thành sản xuất rẻ đi, màn hình gập cũng không còn mới như cách đây 2 năm, hãng điện tử Hàn Quốc đang đứng trước bài toán khó: có nên dùng chính dòng máy gập để thay thế cho Galaxy S và Note, những biểu tượng smartphone thời kỳ đầu.
Về giá bán, ít nhất thì Z Flip3 (999 USD) cũng tiệm cận mức giá của dòng Galaxy S. Z Fold3 (1.799 USD) tuy vẫn đắt hơn chiếc Note gần nhất, nhưng đã rẻ hơn thế hệ tiền nhiệm 200 USD.
Với mức giá từ 999 USD, Z Flip3 đã tiệm cận dòng Galaxy S. Ảnh: Xuân Tiến. |
Mặt khác, mọi yếu tố khiến chiếc Note nổi bật, từ màn hình lớn, tính năng dành cho công việc đến cả bút S Pen đều đã được đưa lên Z Fold3. Samsung cũng xác nhận họ sẽ không ra Note mới, ít nhất là trong năm nay.
“Điều này cho thấy Samsung tin tưởng đã đến lúc smartphone gập chuyển từ dòng sản phẩm đặc thù, hướng tới người hâm mộ sang đối tượng khách hàng rộng hơn”, Ben Wood, trưởng nhóm phân tích CCS Insight nhận định.
Mức giá và độ tin cậy là 2 rào cản lớn nhất để dòng sản phẩm Fold và Flip tiếp cận người dùng phổ thông, theo nhận định của bà Carolina Milanesi, trưởng nhóm phân tích của Creative Strategies.
Samsung tin tưởng đã đến lúc smartphone gập hướng tới đối tượng khách hàng rộng hơn
Ben Wood, trưởng nhóm phân tích CCS Insight.
“Mức giá thấp hơn, độ bền được cải thiện giúp dòng Z Fold mới đến gần hơn với những chiếc smartphone cao cấp trước đây. Người dùng thông thường sẽ dễ dàng lựa chọn những mẫu máy này hơn”, bà Carolina Milanesi chia sẻ với Zing.
Liệu Fold và Flip có thể thay thế hoàn toàn hai mẫu Galaxy S và Note trong tương lai? Nhìn từ con số, đây là một nhiệm vụ không hề đơn giản.
Theo số liệu của Canalys, Samsung bán ra 257.000 máy màn gập trong quý II, một phần rất nhỏ so với 58 triệu smartphone của hãng. Từ năm 2019 đến nay, tổng số máy gập hãng bán được khoảng 2 triệu đơn vị. Trong khi đó, Galaxy S21 dù gặp nhiều khó khăn và doanh số giảm so với đời trước vẫn bán được hơn 2 triệu máy/tháng, theo Counterpoint Research.
Thay thế dòng sản phẩm Galaxy S và Note là nhiệm vụ không dễ dàng. Ảnh: Cnet. |
Nhiều nhà phân tích cho rằng Samsung sẽ phải một lần nữa thuyết phục người dùng, giống như cách họ từng đạt thành công với Galaxy Note. Khi mà những đối thủ lớn như Apple chưa đi vào lĩnh vực smartphone gập, nhu cầu thị trường có lẽ vẫn chưa đủ để đổi lấy sự đầu tư của Samsung, theo nhận xét của ông Ben Wood.
“Máy gập vẫn sẽ là dòng sản phẩm ngách. Tuy nhiên, Samsung cho rằng đây là kiểu mẫu mới của ngành smartphone, và họ muốn trở thành trung tâm”, Ben Stanton, trưởng nhóm nghiên cứu tại Canalys có ý kiến tương tự.
Máy gập vẫn sẽ là dòng sản phẩm ngách. Tuy nhiên, Samsung cho rằng đây là kiểu mẫu mới của ngành smartphone, và họ muốn trở thành trung tâm
Ben Stanton, trưởng nhóm nghiên cứu tại Canalys
Ở chiều ngược lại, một số nhà phân tích rất lạc quan với triển vọng của dòng Fold. Jitesh Ubrani, trưởng nhóm nghiên cứu di động tại IDC cho rằng chiếc trong tương lai những mẫu máy như Fold có thể thay được chức năng máy tính và tablet trong một thiết bị nhỏ gọn.
“Phần lớn người dùng tin rằng bạn sẽ chỉ gắn bó nhiều nhất với một thiết bị. Smartphone màn gập có thể thúc đẩy công nghệ khi đóng vai trò của 3 thiết bị cùng lúc”, ông Urbani nhận định. IDC dự báo riêng năm nay các hãng sẽ bán được 7 triệu smartphone màn gập.
“Tôi tin vào câu ‘quá tam ba bận’. Những cải tiến của thế hệ máy gập thứ ba là rất quan trọng để dòng sản phẩm này trở nên phổ biến. Giống như mọi sáng tạo công nghệ khác, phải sau nhiều lần điều chỉnh chúng ta mới có thứ thực sự ấn tượng”, ông Bob O’Donnell chia sẻ.