Giới công nghệ nhận được nhiều phản ứng khác nhau trước sự xuất hiện của iOS 8. Với iFan, họ đang hân hoan vì việc Apple có những bước tiến vững chắc khi bổ sung hàng loạt tính năng sáng giá cho hệ điều hành này. Trong khi đó, các fan Android lại đang bĩu môi dè bỉu và cho rằng, một nửa, thậm chí 2/3 trong số các tính năng đó đã có trên Android hoặc từ các ứng dụng của bên thứ 3.
Apple dành một nửa thời gian tại WWDC để chê Android phân mảnh, nhiều phần mềm độc hại, 2/3 thời gian tại tòa để chỉ trích Samsung sao chép ý tưởng của họ nhưng bản thân họ lại đang phát triển ngày một nhiều tính năng đã có từ lâu trên Android.
Đây là cách tiếp cận gì? Họ đang vận dụng nguyên lý của sự chậm chạp. Apple chậm chạp trong nâng cấp phần cứng sản phẩm, chậm chạp trong việc đưa ra các tính năng mới trên iOS nhưng vẫn biết cách làm cho sản phẩm của họ trở nên bóng bẩy trong mắt người dùng, hay ít nhất trong mắt các fan trung thành của họ.
Nghe ngóng, chờ đợi và chậm chạp di chuyển
Bạn nghĩ rằng, một sáng thức dậy và Apple bất ngờ công bố “chúng ta cần phải làm một chiếc máy MP3”? Chắc chắn không phải vậy. Apple không phải là người đầu tiên tung ra một chiếc máy MP3, nhưng họ là người đầu tiên tung ra một chiếc MP3 đáng sử dụng. Họ chưa bao giờ có chủ định làm ra một sản phẩm dạng "tôi-cũng-thế". Thay vào đó, họ thành lập riêng một đội kỹ sư, mua lại quyền sở hữu loại ổ cứng cho thiết bị di động của Toshiba rồi chậm chạp lắp ráp từng chi tiết của máy với một vẻ ngoài hào nhoáng nhất có thể.
Kết quả thì ai cũng thấy, iPod trở thành thiết bị lịch sử, bước đầu giúp Apple đặt chân vào thế giới di động. Nếu phải kể tên một vài chiếc máy nghe nhạc MP3, chắc chắn đa phần người dùng phổ thông sẽ nhắc đến iPod đầu tiên.
Từ phần cứng sang phần mềm là một câu chuyện khác nhưng chiến lược vẫn không thay đổi. Apple có thể vay mượn tính năng từ Android, Windows Phone hay BlackBerry nhưng iFan hoặc không biết, hoặc không cần quan tâm. Đó là vì Apple không đơn thuần copy nguyên bản, họ luôn thêm vào đó một vẻ ngoài hào nhoáng.
Về cơ bản, bằng cách chờ đợi và nghe ngóng, Apple có thể học được những sai lầm tiềm năng từ các đối thủ và cho ra mắt một sản phẩm hoàn thiện, vượt xa mọi thứ xuất hiện trước đó.
Hiểu số đông muốn gì
Cũng bằng sự chậm chạp nói trên, Apple phát hiện ra người dùng thực sự cần gì. Họ cho ra mắt các tính năng như HealthKit hay HomeKit trên iOS 8. Đây là những tính năng đang ngày càng phổ biến và cần thiết trong khi tiếp tục ngó lơ với NFC, một tính năng nhiều tiềm năng nhưng chưa đạt đến độ phổ biến đến mức buộc phải có.
Phủ nhận sự sáng tạo của đối thủ, cho đến khi tự mình tham chiến
Trong những ngày đầu máy tính bảng 7 inch ra mắt, Apple đã thể hiện thái độ ghét cay ghét đắng sản phẩm này. Những câu nói cay nghiệt của vị đồng sáng lập Apple có sức ảnh hưởng rất lớn đến các iFan, đến mức họ lập tức cho rằng, 10 inch mới là kích thước lý tưởng cho một chiếc máy tính bảng. Steve Jobs rõ ràng đã sai lầm nhưng điều đó đâu có quan trọng.
Apple tung ra iPad mini với màn hình 7,9 inch và không ngạc nhiên khi sản phẩm này tiếp tục trở thành hàng hot.
Chiến thuật tương tự đã được áp dụng cho smartphone. Mặc dù Apple không trực tiếp chỉ trích điện thoại Android màn hình lớn nhưng lại liên tục gây dựng một niềm tin với iFan rằng, kích thước 4 inch mới là lý tưởng nhất cho việc sử dụng điện thoại bằng một tay. Tuy nhiên, nếu tin đồn về việc Apple cho ra mắt 2 mẫu iPhone màn hình lớn (4,7 và 5,5 inch) là sự thật, nhiều người tin rằng, các iFan sẽ là người vui mừng nhất.
Để duy trì vị thế thống trị của mình như là một thương hiệu cao cấp, việc dìm hàng các đối thủ, làm cho người dùng cảm thấy rằng, sản phẩm/phần mềm của họ thực sự không cần thiết là điều tối quan trọng. Nói nôm na, Apple muốn người dùng tin rằng, các tính năng/sản phẩm nói trên chỉ có giá trị thực sự khi nó gắn với logo của Apple.