Những nhóm thanh niên đeo kính râm chụp ảnh, tay cầm bánh pizza và nước ngọt. Một cô gái mặc áo khoác bóng chày, ngồi trong xe đẩy chở hàng siêu thị. Một cô gái khác đội mũ lưỡi trai, tạo dáng chụp ảnh bên bãi cỏ lúc chiều tà, CNN mô tả lại những bức ảnh được chụp gần đây bên ngoài siêu thị Costco ở thành phố Thượng Hải.
Đây là những bức hình đang nổi như cồn trên mạng xã hội Trung Quốc. Tất cả có một điểm chung, đằng sau nhân vật chính của bức ảnh là logo "Costco Wholesale" của hãng bán buôn toàn cầu Mỹ Costco, theo CNN.
"Cảm hứng California"
Gã khổng lồ ngành bán hàng Mỹ mở cửa hàng đầu tiên ở Trung Quốc năm 2019 tại Thượng Hải. Nhưng đến lúc này, những trung tâm bán hàng của Costco lúc này bỗng trở thành địa điểm thu hút người nổi tiếng Trung Quốc.
Nguyên nhân không phải bởi bất cứ chương trình giảm giá nào. Thay vào đó, giới KOL Trung Quốc đang đến với Costco để tìm được điều mà họ gọi là "cảm hứng California".
Trong gần 2 năm, đa phần người Trung Quốc không thể đi ra nước ngoài bởi chính sách kiểm soát chặt chẽ biên giới nhằm ngăn ngừa Covid-19.
Các chuyến bay từ Trung Quốc ra nước ngoài rất hạn chế. Người trở về từ nước ngoài phải cách ly trong khoảng thời gian dài. Nhà chức trách Trung Quốc cũng dừng cấp mới hoặc cấp lại hộ chiếu cho gần như mọi đối tượng.
Một người nổi tiếng Trung Quốc chụp hình bên ngoài cửa hàng Costco ở Thượng Hải. Ảnh: Xiaohongshu. |
Trong hoàn cảnh bí bách ấy, một số người nổi tiếng Trung Quốc đã nảy ra ý tưởng chụp ảnh ở những nơi như cửa hàng Costco, một đặc trưng vốn của nước Mỹ.
Trên Xiaohongshu, ứng dụng thời trang và phong cách được mệnh danh là Instagram của Trung Quốc, người sử dụng chia sẻ nhau cách chụp ảnh trước những cửa hàng lớn, trông như thể họ đang ở Los Angeles.
Bí quyết là mặc quần áo phổ thông sáng màu, tay cầm pizza, uống CocaCola, chụp hình vào lúc chiều muộn, khi đó màu sắc trở nên ấm áp và "đồng quê" hơn.
Hầu hết người đăng tải những hình ảnh như thế đều nói thẳng họ không thực sự ở Mỹ, việc chụp hình và đăng lên mạng xã hội thuần túy chỉ để cho vui. "Vờ như đang ở Los Angeles" là một trong những chia sẻ nổi tiếng đi kèm các bức ảnh.
Những hashtag phổ biến khác gồm "Vờ như đang ở Paris", "Vờ như đang ở Tokyo", đi kèm hình ảnh những bạn trẻ có mặt ở các con phố mua sắm, quán cà phê, quán trà phong cách nước ngoài.
Với nhiều KOL, hình ảnh vờ như đang ở nước ngoài là cách để họ giữ cho tương tác trên mạng xã hội của bản thân luôn thu hút, mới mẻ. Nhưng những hình ảnh "vờ như" cũng là lời nhắc nhở cay đắng rằng Trung Quốc đã bị cô lập với thế giới trong gần 2 năm.
Cô lập với thế giới bên ngoài
Trước đại dịch, du lịch nước ngoài là một phần rất quen thuộc trong đời sống của tầng lớp trung lưu ngày càng đông đảo của Trung Quốc.
Năm 2019, du khách Trung Quốc đại lục thực hiện 155 triệu chuyến du lịch nước ngoài. Macau, Hong Kong, Việt Nam, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Myanmar và Mỹ đứng đầu danh sách lựa chọn của du khách đại lục.
Trung Quốc cũng là nước chi tiêu nhiều nhất cho du lịch nước ngoài. Theo thống kê của Tổ chức Du lịch Thế giới, du khách Trung Quốc chi 254 tỷ USD năm 2019, chiếm gần 20% tổng chi tiêu du lịch toàn cầu.
Khi đại dịch ập đến, các quốc gia đóng cửa biên giới, hạn chế bay quốc tế, khiến hoạt động du lịch đình trệ.
Lúc này, ngày càng nhiều quốc gia quyết định mở cửa, học cách chung sống với virus SARS-CoV-2 sau khi tiêm chủng vaccine Covid-19 trên diện rộng.
Trung Quốc vẫn quyết tâm theo đuổi chiến lược Zero Covid. Ảnh: Reuters. |
Trung Quốc là một trong những nước có tỷ lệ tiêm chủng hàng đầu thế giới. Tới cuối tháng 9, Trung Quốc đã hoàn thành tiêm 2 mũi vaccine cho 1,05 tỷ người, tương đương khoảng 75% dân số.
Nhưng đến nay, nhà chức trách Trung Quốc vẫn phong tỏa chặt biên giới, kiên quyết theo đuổi chiến lược Zero Covid-19, với mục tiêu xóa sổ virus SARS-CoV-2 triệt để trên cả nước.
Khi du lịch nước ngoài là điều không thể, nhà chức trách Trung Quốc đang quảng bá mạnh mẽ du lịch nội địa như là một lựa chọn thay thế cho người dân.
Diện tích rộng lớn, cảnh quan phong phú là một lợi thế của Trung Quốc. Nhưng điều này không thể khiến người dân Trung Quốc vơi đi nỗi nhớ các chuyến du lịch nước ngoài, những điểm đến như Los Angeles, Paris hay Tokyo.
Với sự xuất hiện của biến chủng siêu lây nhiễm Delta, ngay cả du lịch nội địa giờ cũng tiềm ẩn rủi ro và bắt đầu bị siết chặt trở lại.
Đợt bùng phát dịch bệnh mới nhất ở Trung Quốc hiện đã ghi nhận hơn 300 ca bệnh ở 12 tỉnh. Chuỗi lây nhiễm này có liên quan tới 4 nhóm du lịch, nhà chức trách y tế Trung Quốc cho biết.
Các công ty lữ hành Trung Quốc hiện đã bị cấm tổ chức các nhóm du lịch liên tỉnh ở những vùng có nhiều ca mắc Covid-19.
Trong khi đó, hàng trăm du khách nội địa đã mắc kẹt ở Nội Mông và Cam Túc suốt nhiều ngày sau khi nhà chức trách áp đặt biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt
Ở Ejin Banner, một khu vực thuộc Nội Mông, cơ quan quản lý du lịch địa phương đã xin lỗi các du khách mắc kẹt, đền bù họ bằng vé tham quan 3 địa điểm du lịch nổi tiếng miễn phí, vé này có thể đổi trong 3 năm.
Nhưng liệu các du khách còn hứng thú quay lại Nội Mông sau trải nghiệm mắc kẹt vừa qua hay không lại là câu chuyện khác, hãng tin Mỹ CNN nhận định.