Vụ hỏa hoạn tại Công ty bóng đèn, phích nước Rạng Đông xảy ra đêm 28/8 đã khiến 2.000 m2 nhà xưởng bị thiêu rụi, kèm theo khoảng 4 triệu bóng đèn bị hư hỏng. Trong đó, hơn 2 triệu bóng đèn compact và huỳnh quang chứa thủy ngân dạng hỗn hợp amalgam.
Sau khi sự cố xảy ra, mặc dù không có thiệt hại về người, nhiều chuyên gia môi trường đã ngay lập tức bày tỏ lo ngại về các nguy cơ rò rỉ thủy ngân ra không khí, đất và nước mặt. Người dân hoang mang còn chính quyền đưa ra nhiều thông báo bất nhất về môi trường.
Phát hành và thu hồi khuyến cáo trong vòng 24 giờ
Chiều 29/8, một ngày sau vụ hỏa hoạn, UBND phường Hạ Đình có thông báo tới người dân sống quanh Công ty Rạng Đông, khuyến cáo người dân bảo vệ sức khỏe trước nguy cơ ảnh hưởng từ khói bụi của vụ cháy.
Đặc biệt, trong văn bản của phường Hạ Đình có yêu cầu người dân không sử dụng rau, hoa quả, gia cầm, cá, lợn được nuôi trồng, sử dụng nước từ các bể hở trong bán kính 1 km từ tâm đám cháy trong 21 ngày.
Xưởng sản xuất bóng đèn của Công ty Rạng Đông nằm giữa khu dân cư đông đúc bậc nhất Hà Nội. Ảnh: Việt Linh. |
Các gia đình cần sơ tán trẻ em, người già, ốm bệnh ra khỏi khu vực chịu ảnh hưởng của khói bụi từ 1 đến 10 ngày để hạn chế các nguy hại. Các hộ dân theo dõi sức khỏe của các thành viên, nếu thấy có biểu hiện bất thường cần đưa ngay đến các cơ sở y tế để khám, chữa bệnh kịp thời.
Văn bản này của phường Hạ Đình được đánh giá là thể hiện ý thức trách nhiệm của lãnh đạo địa phương, sớm đưa ra các cảnh báo về sức khỏe cho người dân khi lường trước được các tác hại sau sự cố cháy nổ liên quan đến hóa chất.
Tuy nhiên, đến chiều 30/8, UBND phường Hạ Đình ký Quyết định thu hồi văn bản với lý do “không đúng thẩm quyền và nội dung chưa đủ cơ sở”. Quyết định vội vã này khiến nhiều người hụt hẫng, bất ngờ.
Theo các chuyên gia, cho dù quận, phường đã có trong tay các kết quả quan trắc và chắc chắn rằng môi trường không nguy hại thì họ cũng chưa nên vội vàng thu hồi cảnh báo. Nhưng lãnh đạo địa phương lại đang làm ngược, thu hồi cảnh báo khi chưa biết môi trường có an toàn hay không.
TS Nguyễn Hồng Vũ , chuyên gia ngành Sinh học phân tử trong Y học tại Mỹ, cho rằng hành động thu hồi văn bản thể hiện sự đánh giá không đúng mức độ nghiêm trọng của vụ việc và xem nhẹ sự an toàn của người dân.
"Tôi bất ngờ và hụt hẫng với quyết định thu hồi khuyến cáo của phường Hạ Đình trong khi việc lấy mẫu để đo nồng độ ô nhiễm trong môi trường chỉ mới bắt đầu. Đây thực sự là hành động đi ngược lại với quy tắc thông thường của các nước trên thế giới khi xảy ra khủng hoảng môi trường", TS Hồng Vũ bày tỏ.
Các kết quả quan trắc vội vàng
Sáng 30/8, UBND quận Thanh Xuân cho biết các đơn vị quan trắc thuộc Bộ Tài nguyên Môi trường (TNMT) và Sở TNMT Hà Nội đã đến hiện trường vụ cháy Công ty Rạng Đông kiểm tra, ghi nhận số liệu về chất lượng không khí.
Khoảng 4 triệu chiếc bóng đèn bị hư hỏng sau vụ cháy. Ảnh: Phạm Thắng. |
Kết quả phân tích nhanh các mẫu nước thải, nước sinh hoạt, không khí xung quanh, bụi, đất cho thấy các thông số như vi khí hậu, nhiệt độ, bụi... đều ở mức độ bình thường.
Tuy nhiên, các kết quả phân tích nhanh này nhận sự phản bác của các chuyên gia về môi trường, hóa học. Họ cho rằng những kết quả này không chính xác bởi để xác định được lượng thủy ngân trong không khí cần những quan trắc, phân tích rất phức tạp, tốn kém. Không có chuyện quan trắc vài giờ là có kết quả.
Đến chiều cùng ngày, Công ty Rạng Đông có văn bản chính thức thông tin về vụ cháy trong đó có liệt kê về thiệt hại tài sản, số lượng bóng đèn hư hại. Đáng chú ý, Rạng Đông có thông tin về việc sử dụng hỗn hợp amalgam để thay cho thủy ngân lỏng trong sản xuất từ năm 2016.
Về việc này, PGS.TS Trần Chương Huyến, nguyên giảng viên khoa Hóa học (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN), cho biết amalgam vẫn là một hợp kim của thủy ngân khi hòa tan với một kim loại khác. Chất này còn được gọi là "hỗn hống".
Amalgam bị đốt nóng trong vụ cháy nhiều giờ đồng hồ vẫn phát tán ra lượng thủy ngân như bình thường, không phải dùng amalgam mà an toàn hơn.
2 ngày sau vụ cháy, người dân khu vực phường Hạ Đình và quận Thanh Xuân vẫn lo lắng, hoang mang với các thông tin được đưa ra. Theo ghi nhận của Zing.vn, nhiều người sống sát với nhà máy phải chuyển đi nơi khác do lo ngại hơi thủy ngân. Số còn lại vẫn sinh hoạt bình thường quanh khu vực cháy, trong đó có cả những nhà buôn bán rau quả, thực phẩm.
Bộ TNMT có văn bản khuyến cáo người dân
Ngày 31/8, Bộ TNMT phát đi thông cáo về tình hình xử lý sự cố sau vụ cháy ở Công ty Rạng Đông, cảnh báo đây là sự cố cháy nổ có liên quan đến hoá chất tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Võ Tuấn Nhân trả lời tại buổi họp báo. Ảnh: Sơn Hà. |
Bộ khuyến cáo người dân ở khu vực xung quanh vụ cháy cần tắm bằng xà phòng và nước ấm, tẩy rửa tường, sàn nhà và các đồ dùng trong gia đình.
"Người dân không sử dụng nước từ các bể chứa nước hở; thau rửa các bể chứa nước hở; tạm thời không sử dụng các sản phẩm nông sản và gia súc, gia cầm có nguồn gốc từ khu vực xung quanh", thông cáo nêu rõ.
Đến tối cùng ngày, UBND quận Thanh Xuân có văn bản thông tin về kết quả quan trắc mà các đơn vị của Bộ Tài nguyên Môi trường (TNMT) và Sở TNMT Hà Nội tiến hành hôm 30-31/8.
Kết quả kiểm tra nhanh ban đầu đối với thông số thủy ngân (Hg) lấy tại 5 vị trí quanh khu vực nhà máy cho thấy nồng độ thủy ngân đều bằng 0 microgram/ m3.
Theo kết quả phân tích môi trường không khí của Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tại 5 vị trí quanh Công ty Rạng Đông, các thông số vi khí hậu, NO2, Pb, Cd, Hg (trung bình 24 giờ), As, Zn và Hg bụi tổng nằm trong giới hạn cho phép.
Ngoài ra, đoàn kiểm tra đã kiểm tra bên trong kho chứa hóa chất amalgam dùng để sản xuất bóng đèn. Kết quả cho thấy hóa chất amalgam được chứa trong 3 tủ lạnh, các tủ lạnh này còn nguyên vẹn, khu vực chứa 3 tủ lạnh được phun nhiều bọt chữa cháy, không phát hiện hiện tượng cháy.
Nhận xét về các kết quả này, TS Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho rằng kết quả này chưa thực sự khách quan về bản chất khoa học và cũng khó chứng minh được môi trường xung quanh vụ cháy an toàn cho người dân.
"Theo tôi, các kết quả test nhanh cho chỉ số bằng 0 microgam/m3 là do máy không phát hiện được chứ không phải các thành phần môi trường không có thuỷ ngân. Và cũng không chắc môi trường đã an toàn với mức đo đó chưa", ông Tùng phân tích.
27 kg thủy ngân phát tán ra môi trường
Chiều 4/9, tại buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường (TNMT) Võ Tuấn Nhân đã công bố kết quả quan trắc, phân tích các mẫu đất, không khí sau vụ hỏa hoạn xảy ra Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông.
Theo ông Nhân, số lượng thủy ngân phát tán ra môi trường sau vụ cháy có thể lên tới 27,2 kg. Các hóa chất gây ô nhiễm chủ yếu là thủy ngân và một số kim loại nặng. Các chất này phát tán vào không khí và môi trường xung quanh.
Hàng triệu bóng đèn đã thành tro bụi sau vụ cháy làm phát tán một lượng lớn thủy ngân vào không khí. Ảnh: Việt Linh. |
"Các điểm quan trắc không khí trong công viên của công ty phía trước khu vực cháy và trong nhà kho cháy có giá trị thuỷ ngân cao vượt ngưỡng khuyến cáo của WHO từ 10 đến 30 lần. Ngưỡng ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ con người”, đại diện Bộ Tài nguyên Môi trường cho biết thêm
Một phần thủy ngân đã hòa vào nước, chảy vào sông Tô Lịch, tích tụ trầm tích ở bùn đáy.
Từ các khuyến cáo của WHO, cho thấy vùng có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ con người là trong bán kính 500 m từ vụ cháy.
Cũng tại buổi họp báo, ông thông tin và cho biết bộ đã kiến nghị TP Hà Nội di dời Công ty Rạng Đông ra khỏi khu dân cư vì tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn do sử dụng các chất độc hại trong sản xuất.
"Tôi được biết TP đã có kế hoạch này và đang có lộ trình. Tôi mong sau dịp này, các công ty có nguy cơ, có nguồn hoá chất gây ô nhiễm được di dời ra khỏi khu dân cư”, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nói.
Kết luận về vụ việc, ông Nhân cho rằng vụ hỏa hoạn ở Công ty Rạng Đông là một sự cố nghiêm trọng liên quan đến hoá chất, ảnh hưởng đến môi trường, gây ô nhiễm về không khí và nước mặt.
Ông đề nghị UBND Hà Nội xây dựng chương trình theo dõi sức khỏe thường xuyên định kỳ với người dân sống trong khu vực này. Công ty Rạng Đông khẩn trương thực hiện các biện pháp cô lập khu vực bị cháy, che chắn bằng mái tôn, phủ bạt tại khu vực bị cháy để tránh nước mưa và không để hơi thủy ngân tiếp tục phát tán ra môi trường.