Ngày 3/9, một tuần sau vụ cháy, TP Hà Nội vẫn chưa có thông báo chính thức về tình hình môi trường ở khu vực xung quanh nhà máy Rạng Đông.
Một tuần sống trong hoang mang, lo lắng, người dân vẫn chưa nhận được câu trả lời về mức độ ô nhiễm không khí và nguồn nước sau khi hàng triệu bóng đèn có chứa hóa chất bị thiêu rụi.
Chưa thể khẳng định môi trường đã an toàn
Trước đó, Sở TN&MT Hà Nội đã cho kết quả test nhanh môi trường trong và ngoài khu vực xảy ra vụ cháy tại Cty CP Bóng đèn, phích nước Rạng Đông, đối với thông số thủy ngân lấy tại 5 vị trí cho thấy nồng độ thủy ngân tại các vị trí trên đều bằng 0 microgam/m3.
Tuy nhiên, theo TS Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, kết quả này chưa thực sự khách quan về bản chất khoa học và cũng khó chứng minh được môi trường xung quanh vụ cháy an toàn cho người dân.
Người dân xung quanh khu vực cháy vẫn hoang mang với các thông tin được đưa ra. Ảnh: Hồng Quang. |
"Trong đất, không khí, tất cả các thành phần môi trường đều có lượng thuỷ ngân nhất định, thường ở mức cho phép. Vì vậy theo tôi, các kết quả test nhanh cho chỉ số bằng 0 microgam/m3 là do máy không phát hiện được chứ không phải các thành phần môi trường không có thuỷ ngân", vị chuyên gia phân tích.
Theo ông Tùng, sau vụ cháy, Hà Nội nhận được nhiều trận mưa lớn, giúp nồng độ thuỷ ngân trong không khí bị loãng bớt, khiến cho các máy quan trắc khó phát hiện ra thuỷ ngân trong không khí hơn. Tuy nhiên, việc các kết quả test nhanh không phát hiện ra thuỷ ngân chưa thể khẳng định môi trường ở đây an toàn cho người dân.
"Các chỉ số của Sở Tài nguyên Hà Nội cho ra kết quả bằng 0 nhưng phải xem các máy đo, phân tích đấy cho ra kết quả nhưng ở ngưỡng bao nhiêu, có phải ngưỡng đủ an toàn hay chưa. Nếu máy không phát hiện được thuỷ ngân mà khẳng định môi trường an toàn thì chưa đủ cơ sở", ông Tùng cho hay.
Bên cạnh đó, TS Hồng Vũ , chuyên gia ngành Sinh học phân tử trong Y học, Viện Nghiên cứu Ung thư City of Hope (Mỹ), bày tỏ lo ngại đến các nguy cơ ô nhiễm lâu dài đến khu vực dân cư phường Hạ Đình và Thanh Xuân Trung.
"Bên cạnh các nguy cơ trực tiếp hiện hữu như không khí nhiễm thuỷ ngân vượt mức cho phép, nguồn đất và nước cũng có thể bị ảnh hưởng. Nước mưa có thể đưa thuỷ ngân ngấm xuống đất, ảnh hưởng đến các loại rau quả làm thực phẩm cho người, nhiễm vào nguồn nước của động vật như lợn, gà là có thể xảy ra", ông Vũ nhận định.
Ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Trung tâm quan trắc môi trường miền Bắc, cho biết đã lấy các mẫu đất, nước, không khí khu vực xung quanh nơi xảy ra đám cháy để đưa về phòng thí nghiệm phân tích. Dự kiến hôm nay (3/9), đơn vị sẽ thông kết quả phân tích.
Đáng lẽ hiện trường vụ cháy phải được phong tỏa ngay lập tức
Một ngày sau vụ cháy, phường Hạ Đình đã đưa ra khuyến cáo cho người dân do lo ngại tác hại của khói bụi, chất độc phát tán từ Công ty Rạng Đông.
Nhiều người đánh giá hành động này thể hiện ý thức, trách nhiệm của lãnh đạo phường Hạ Đình. Tuy nhiên, văn bản bị thu hồi sau đó một ngày.
Hàng triệu chiếc bóng đèn hư hỏng, nằm ngổn ngang tại hiện trường vụ cháy. Ảnh: Phạm Thắng. |
"Tôi bất ngờ và hụt hẫng với quyết định thu hồi khuyến cáo của phường Hạ Đình trong khi việc lấy mẫu để đo nồng độ ô nhiễm trong môi trường chỉ mới bắt đầu. Đây thực sự là hành động đi ngược lại với quy tắc thông thường của các nước trên thế giới khi xảy ra khủng hoảng môi trường", TS Hồng Vũ bày tỏ.
Theo vị chuyên gia, chỉ khi môi trường được kiểm tra và đảm bảo an toàn thì người ta mới thu hồi lại các khuyến cáo về sức khỏe cho dân chúng. Việc phường Hạ Đình vội vã thu hồi khuyến cáo với lý do "không đúng thẩm quyền và nội dung chưa đủ cơ sở” thực sự khó hiểu.
"Việc này có thể giải thích rằng chính quyền và các cơ quan chức năng lo ngại người dân hoang mang khi chưa có kết luận quan trắc chính thức. Nhưng người dân được phép hoang mang, vì đây là chất hóa học độc hại và họ hàng ngày, hàng giờ vẫn phải đối mặt với nguy cơ bị phơi nhiễm thủy ngân", ông Vũ nhận định.
Vị tiến sĩ nhấn mạnh hành động thu hồi văn bản thể hiện sự đánh giá không đúng mức độ nghiêm trọng của vụ việc và xem nhẹ sự an toàn của người dân.
UBND phường Hạ Đình rút lại khuyến cáo dù chưa biết mức độ nguy hại ra sao. Ảnh: Hồng Quang. |
Về các tác động lâu dài, TS Hồng Vũ cho rằng các cơ quan chức năng phải phong tỏa hiện trường vụ cháy của Công ty Rạng Đông ngay lập tức, ngăn chặn việc phát tán khói bụi có thể chứa chất hóa học nguy hại ra môi trường xung quanh.
"Đối với những vụ việc nghiêm trọng như vậy, thủy ngân bị đốt cháy trong nhiều giờ đồng hồ, có nguy cơ phát tán rất lớn. Nhưng tôi không thấy hiện trường bị phong tỏa, Công ty Rạng Đông đã vội vã yêu cầu công nhân dọn dẹp để tiến hành sản xuất lại dù chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường, tác động sức khỏe công nhân thật sự quá chủ quan và liều lĩnh", ông Vũ nhấn mạnh.