Đó là khi mọi giá trị đời sống đều xoay quanh những màn hình ti vi, những hội thoại ảo, những khung cảnh ảo. Con người nhốt mình trong một chiếc lồng sắt, phơi bày trần trụi những bất hạnh của mình và cho rằng đấy là nền văn mình tuyệt đỉnh.
Xã hội trong 451 độ F, những người lính cứu hóa lại trở thành những người đốt lửa. Sách được xem là kho báu tri thức của nhân loại lại trở thành món đồ cần xóa bỏ hoàn toàn.
Montag là một người lính cứu hỏa được giao nhiệm vụ tìm kiếm và đốt sách. Hàng ngày anh vẫn làm công việc ấy một cách đều đặn và không hề ý thức về việc đó. Cho đến khi anh tình cờ gặp Clarisse, một cô gái sinh ra trong một gia đình trí thức cũ còn sót lại nhờ giấu giếm đọc sách. Và chính cô đã khiến con người nhân bản trong anh thức giấc.
Anh nhận ra sự vô nghĩa trong cuộc sống của mình, và vì thế mà anh hiểu mình không hạnh phúc, không có tình yêu với người vợ đã 10 năm chung sống theo một thói quen vô nghĩa.
Sự ý thức của Montag dễ khiến nhiều người đọc liên tưởng đến ý của nhà văn Albert Camus trong cuốn tiểu luận thần thoại Sisyphus, khi ông nói về việc con người hàng ngày vẫn làm những việc rất vô nghĩa, nhưng họ không hề cảm thấy bất hạnh, cho đến một ngày, có điều gì đó tác động, khiến họ cảm thấy những việc mình đang làm trong đời sống hàng ngày thật vô nghĩa. Và khi họ tri nhận được điều đó, chính là khi họ cảm thấy nỗi bất hạnh dâng trào, và họ bắt đầu tìm kiếm.
451 độ F (tương đương với gần 233 độ Celsius) theo ghi chú của bản dịch là “nhiệt độ giấy in sách bắt lửa và bốc cháy”, thiết nghĩ cần nói rõ hơn một chút, thực chất 451 độ F là nhiệt độ tự bốc cháy của giấy.
Rồi anh tìm kiếm thêm những người cùng chí hướng. Bọn họ chờ đợi thêm một cú hých của lịch sử, khi thành phố bị bom phá huỷ trong cuộc chiến tranh, để tận dụng cơ hội đó làm tái sinh một thành phố khác giàu có gốc rễ bắt nguồn từ tính nhân văn.
Từ đầu đến cuối 451 độ F, mạch truyện chính xoay quanh hành động đốt sách, giải cứu sách, trăn trở về sách. Song đây hoàn toàn không chỉ là câu chuyện về sách.
Tác phẩm 451 độ F của Ray Bradbury. |
Dù vậy, tận cùng của câu chuyện xoay quanh những vấn đề về sách, ngọn lửa, những người lính phóng hoả, đều là chuyện xoay quanh con người, với đầy những ẩn dụ ngầm truyền tải sự bất hạnh, nỗi đau đớn, sự trừng phạt, trả giá. Một cuốn sách nhỏ, nhưng nén chặt những trăn trở, bởi vậy, luôn kích thích sự khám phá tìm tòi của nhiều thế hệ độc giả suốt bao nhiêu năm qua.
Với mạch truyện nhanh, sắc, Ray Bradruby đã cuốn người đọc vào những trạng thái ngạt thở của hoạt động, của suy tư, đến tận những trang cuối cùng. Dĩ nhiên, giữa đầy những ngột ngạt ấy, lối viết của Ray Bradruby vẫn tỏ ra vô cùng dịu dàng, và tinh tế khi nhìn ra những ấm áp mà con người có thể tạo nên.
Đọc 451 độ F hẳn không ít người cảm động khi trông thấy Clarisse “nhỏ nhắn và trắng như sữa”, đi lích rích trong đêm khuya, thích ngửi mùi và nhìn ngắm các thứ, đôi khi cô gái ấy đi suốt đêm, “cứ đi hoài và ngắm mặt trời mọc”. Đó chẳng phải là điều đẹp đẽ của một đời sống cách xa truyền hình, smartphone hay sao. Cũng vì những điều ấy, cuốn sách vẫn có thể níu độc giả vào những ánh sáng xanh đầy hoài vọng, đầy hi vọng.
Ray Bradbury Dougla là một nhà văn chuyên về sáng tác các tác phẩm kinh dị, khoa học viễn tưởng, và bí ẩn người Mỹ. Nổi tiếng với cuốn tiểu thuyết Fahrenheit 451 (1953) và tập hợp những câu chuyện khoa học viễn tưởng như The Martian Chronicles (1950) và The Illustrated Man (1951), Ray Bradbury là một trong những nhà văn nổi tiếng nhất thế kỷ 20 và 21 của nước Mỹ. Nhiều tác phẩm của ông đã được chuyển thể thành phim và chương trình truyền hình.