Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bức thư của cô bé muốn viết truyện thay vì trở thành bác sĩ

Cuốn sách "Cánh thư xanh nâng những giấc mơ hồng" tập hợp những bức thư đoạt giải Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 45.

“Hãy viết một bức thư cho chính mình năm 45 tuổi” là chủ đề mang tính nhân văn sâu sắc, đã thu hút hàng triệu các em học sinh Việt Nam và trên toàn thế giới nhiệt tình tham gia trong Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 45 do Liên minh Bưu chính thế giới tổ chức. 

Zing.vn xin được giới thiệu tới bạn đọc 4 bức thư thú vị của các bạn nhỏ đã được trao những giải thưởng cao nhất của cuộc thi năm nay. 

Bức thư đoạt giải Nhì của bạn Nguyễn Thị Ngọc Anh, lớp 9A1, trường THCS Nguyễn Đăng Đạo, TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh:

Gửi tôi năm 45 tuổi!

Xin chào, tôi chính là cậu của 30 năm trước, là cô trò nhỏ 15 tuổi với bao ước mơ hồn nhiên và bay bổng. Chắc hẳn cậu sẽ chẳng dấu nổi ngạc nhiên khi nhận được lá thư đặc biệt này vào đúng dịp sinh nhật 45 tuổi.

Chả là sáng nay, tôi vô tình biết tới Cuộc thi Viết thư UPU với chủ đề vô cùng thú vị: “Viết một bức thư cho chính mình năm 45 tuổi”. Tôi liền cầm bút viết thư với sự hứng khởi tràn đầy.

Tuổi của 30 năm sau thân mến!

Hiện tại cuộc sống của tôi không được khả quan cho lắm. Đầu óc tôi rất mệt mỏi mà viết thư cho cậu chính là cách để tôi thả lỏng tinh thần. Học tập sa sút, không bạn bè, không dự định, tôi là cô bé chỉ biết mơ mộng được làm tác giả truyện ngắn thay vì đêm ngày dùi mài kinh sử để trở thành bác sĩ tương lai như bố mẹ mong muốn. Tôi của hiện tại chông chênh và bất định quá!

Tôi tự hỏi khi tôi đã 45, thế giới sẽ như thế nào nhỉ? Hẳn khi ấy những con rô-bốt sẽ làm bạn của mọi nhà, công nghệ sinh học đạt tới mức tuyệt diệu và nền y học có thể giúp con người chiến thắng bệnh ung thư.

Các quốc gia thức tỉnh khỏi những cuộc chạy đua vũ trang vô nghĩa, họng súng ngừng thét vang, thế giới không có những rào cản xã hội, không có sự kỳ thị về màu da, mọi đứa trẻ đều được đến trường được hưởng thụ một nền giáo dục tuyệt vời, những vấn đề về môi trường đã được giải quyết ổn thỏa nhờ những nỗ lực thực sự của toàn nhân loại.

Nhưng phải chăng trong chính thế giới tưởng chừng hoàn hảo ấy, con người đang dần xa cách? Khi đó, liệu ước mơ trở thành nhà văn của tôi luôn đau đáu trong tim có thể giúp ích gì cho xã hội hiện đại bây giờ? Phải rồi, tôi khao khát sẽ dùng chính tác phẩm của mình lay động trái tim mọi người.

thu gui toi nam 45 tuoi anh 1
Cuốn sách Cánh thư xanh nâng những ước mơ hồng tập hợp những bức thư đoạt giải UPU lần thứ 45.

Mơ mộng vậy thôi chứ với một nữ sinh như tôi bây giờ thì đạt được điều đó là một chặng đường gian lao. Bây giờ tôi đã bắt đầu cầm bút viết, và rồi lại bị ba mẹ rầy, bởi với gia đình tôi, trở thành một nhà văn là điều thật nực cười.

Họ thường thuyết giảng cho tôi về một tương lai xán lạn của một bác sĩ và ngày mai mù mịt, luẩn quẩn trong cái nghèo đói cơ cực của một văn sĩ mơ mộng viển vông. Và tôi lại phải bịt tai, sập cửa phòng và khóc.

Vậy nhưng bản tính ương ngạnh của tôi đâu cho phép bản thân mình bỏ cuộc dễ dàng. Tôi căn ke những lúc rảnh rỗi là miệt mài viết. Tôi thường tới chơi với những đứa trẻ đen nhẻm, còi cọc, nhếch nhác trong những căn nhà nổi tồi tàn ở ven sông Hồng. Cha mẹ chúng quá nghèo. Họ cũng không biết bao giờ có thể mang bọn trẻ lên bờ để đi học.

Chúng đợi tôi với những chiếc bánh mì, có khi cả những viên thuốc sốt, mấy đứa con gái tranh nhau những con gấu bông sờn lông, cũ kỹ mà tôi mang đến, Chúng tôi chơi với nhau, lũ trẻ kể cho tôi về những điều mà chúng mơ ước, về cuộc đời buồn bã của những gia đình trên thuyền khi mùa mưa đến, về những trận cãi vã, chửi rủa của ba mẹ chúng mỗi ngày.

Trở về nhà, tôi bắt tay vào viết, và viết về những giấc mơ dang dở ấy, viết về lũ trẻ đã chán ngán cuộc sống lênh đênh… Tới ngày tác phẩm hoàn thiện, tôi hăm hở gõ cửa từng nhà sản xuất và giới thiệu tập truyện. Tám, chín, rồi mười cái lắc đầu dành cho tôi. Trong lúc tưởng chừng như vô vọng, có một nhà xuất bản gật đầu. Khỏi nói tôi sung sướng tới mức nào, mất ăn mất ngủ đợi ngày truyện của mình lên kệ. Thế rồi, ngày ấy đến, truyện của tôi ế chỏng chơ, bán được 10 cuốn thì 9 cuốn bị chê bai tơi tả.

Tôi dường như lâm vào tuyệt vọng và bế tắc cùng cực. Lúc ấy, tôi lại nghĩ đến những đứa trẻ đói khát, chân trần dưới những trận mưa tuyết ở Sa Pa, những đứa trẻ ốm yếu, bị suy dinh dưỡng nặng ở một xóm trọ sình lầy, đầy muỗi, trên những dòng sông đen ngòm, cả những đứa bạn gái ở cái tuổi 15 như tôi, chưa một lần bước đến trường, quanh quẩn với một lũ em ngơ ngác, những khuôn mặt già hơn tuổi rất nhiều vì sớm phải lo toan. Những đôi mắt ngây thơ ấy khiến tim tôi thắt lại. Không biết sau này, tương lai của các em sẽ đi về đâu, hay là một màu xám ngắt như những đám mây trên trời lúc chạng vạng tối.

Không! Tôi phải làm một cái gì đó thật lớn lao cho những đứa trẻ tội nghiệp ấy. Tôi phải làm gì đó để những con người vô tội ấy có thể thoát khỏi cuộc sống tối tăm này. Quệt vội nước mắt, tôi bắt đầu lại từ đầu. Nỗ lực ròng rã suốt một năm, tập luyện cách viết, cuối cùng tập truyện của tôi cũng được xuất bản và bất ngờ làm sao, tôi là tác giả của tập truyện bán chạy nhất. Tôi cứ thế lao về phía trước, cố gắng không mệt mỏi và trở thành nữ văn sĩ nổi tiếng.

Tôi trở lại cái xóm nghèo bên bờ sông Hồng, trở lại với những người bạn đã cho tôi niềm tin. Hôm nay, chúng bắt đầu đi học, những lớp học tình nguyện trên thuyền do một nhóm các bạn sinh viên tổ chức.

Tôi mang đến cho chúng sách vở, vài bộ quần áo mới và hi vọng một ngày gần nhất lũ trẻ có thể đọc cuốn sách mà tôi từng viết, chúng sẽ có một mái nhà thực sự, một cuộc sống đủ đầy. Giữa những nụ cười ấm áp, những ánh mắt rực sáng, những vòng tay mà chúng dành cho tôi, tôi thấy lòng ngập tràn hạnh phúc.

Điều tôi làm được cho những đứa trẻ mà tôi yêu thương dù còn ít ỏi, nhưng tôi biết qua những trang sách nhỏ này, tôi đã từng bước thay đổi, từng ngày đưa cuộc sống và những ước mơ chính đáng trở thành hiện thực. Dù mục tiêu ấy thật khó đạt được nhưng tôi sẽ tiếp tục cuộc hành trình của yêu thương trong chính trái tim mình.

Ngày còn đi học, tôi đã phát mê ca khúc I của Taeyeon và nhẩm theo giai điệu ấy mỗi ngày. Thế nhưng mãi đến khi phải vật lộn với những khó khăn, gian khổ để chạm tới thành công, tôi mới thấu hiểu những ca từ sâu sắc ấy.

Tôi đã học được rằng mình chỉ thực sự thất bại khi không còn cố gắng nữa, rằng tất cả những ước mơ và dự định sẽ trở nên vô nghĩa nếu chúng ta không có lòng dũng cảm đấu tranh vì những ước mơ ấy, kể cả phải mạo hiểm cả mạng sống của chính mình như chính lời tâm sự của cô gái Taeyeon kiên cường ấy.

Tôi của 30 năm sau biết không, khi mới cầm bút viết thư, tâm trạng tôi tồi tệ và kinh khủng lắm. Nhưng đến khi đưa bút viết nên tương lai của mình, khi tâm sự với cậu như một người bạn quen thân, tôi bỗng cảm thấy nhẹ nhõm lạ thường.

Dường như có gì đó vừa nảy nở và sáng dần lên trong lòng tôi, và tôi bỗng thấy thật yêu cuộc sống, tôi bỗng muốn bật tung cửa sổ cho ánh sáng tràn ngập căn phòng tăm tối, tràn ngập tâm hồn u ám của tôi, tôi bỗng thấy cuộc sống đẹp hơn trước vạn phần.

Thật bất ngờ nhỉ, chỉ là một cuộc thi làm tôi hứng thú, một phút ngẫu hứng cầm bút viết mà tôi cảm giác như sợi dây xích trói buộc tâm hồn mình được cởi bỏ. Tôi thầm cảm ơn những con người tài năng đã tổ chức cuộc thi viết thư UPU thật tuyệt vời truyền cho tôi cảm hứng, cảm ơn biết mấy những cô chú ngành Bưu chính vượt cả thời gian cách trở giúp tôi đưa tận tay lá thư cho bạn. Chúc tôi năm 45 tuổi tận hưởng nhiều hạnh phúc!

Gửi tôi 30 năm sau tất cả hi vọng và ước mơ tuổi trẻ!

Tôi của hiện tại

Đọc bức thư đoạt giải nhất cuộc thi viết thư quốc tế

Cuốn sách "Cánh thư xanh nâng những giấc mơ hồng" tập hợp những bức thư đoạt giải Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 45.


Trích sách "Cánh thư xanh nâng những giấc mơ hồng"

Bạn có thể quan tâm