Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Startup Việt đang thừa ý tưởng nhưng thiếu tiền

Khác với thế giới, hầu hết người Việt khởi nghiệp khi không còn trẻ, và phải hy sinh quá nhiều thứ.

Hiểu thị trường và có ý tưởng tốt vẫn chưa phải là điều kiện đủ cho người Việt khởi nghiệp. Theo ông Don Lam, Tổng giám đốc VinaCapital, Việt Nam đang có thừa ý tưởng, nhưng rất khó làm Startup bởi yếu thế nhất là thiếu tiền, thiếu một hệ sinh thái bền vững hỗ trợ người trẻ khởi nghiệp.

“Startup là bạn bắt đầu từ số 0, làm sao vay vốn ngân hàng, chỉ trông chờ vào các quỹ đầu tư chuyên nghiệp, hoặc trông chờ nguồn vốn tư nhân thông qua quen biết… Nhưng nếu không có hệ sinh thái bài bản thì rất khó gọi vốn đầu tư. Mấy năm nay, VinaCapital cũng có một quỹ đầu tư mạo hiểm dành cho starup và đã đầu tư vào 4-5 dự án, nhưng so với thị trường hiện nay thì quá ít”, ông Don Lam nói.

Câu chuyện thiếu vốn khiến ý tưởng bị “đông cứng” là chủ đề nhiều bạn trẻ đề cập tại diễn đàn Thế hệ trẻ lần II, tổ chức tại TP HCM ngày 12/5.

Nhiều doanh nhân tham gia cùng chung quan điểm, chuyện khởi nghiệp của người trẻ Việt đang gặp quá nhiều khó khăn. Và quy trình ngược với các nước, thường thì người Việt Nam khởi nghiệp chậm hơn.

Kho khan cua Starup Viet Nam anh 1
Là điển hình thành công của mô hình starup,

CEO Anthony Tan của Grap cho rằng, việc tự tin để vượt qua mọi rào cản và xóa bỏ tư tưởng bị lệ thuộc là điều giúp người làm startup thành công.

 “Ở các nước phát triển, để khởi nghiệp người ta có cả một hệ sinh thái. Từ khi có ý tưởng sẽ có người giúp bạn phát triển ý tưởng lên, hỗ trợ bạn biến ý tưởng thành những vấn đề có thể thực hiện được. Tiếp đến những người khởi nghiệp sẽ được tập hợp lại thành nhóm, để hiện thực hóa ý tưởng.

Ở Việt Nam, nếu để khởi nghiệp bạn phải hy sinh quá nhiều. Vì bạn còn phải kiếm tiền lo cho cuộc sống, lo cho người thân, và kiếm tiền để khởi nghiệp. Cũng vì vậy mà nhiều người khi kiếm đủ tiền mới đi khởi nghiệp thì đã trễ, cơ hội không còn. Hoặc nhiều người phải bán nhà cửa để khởi nghiệp, nên nếu thất bại là mất tất cả”, ông Nguyễn Thế Tân, CEO VCCrop chia sẻ.

Nhưng cũng vì thiếu vốn, thiếu hệ sinh thái bài bản đã tạo một môi trường với nhiều lợi thế riêng cho startup Việt. Đó là có ít người khởi nghiệp, không phải vất vả cạnh tranh, không phải “show” ra những ý tưởng thật xuất sắc, thật nhanh để giành cơ hội.

Nhiều bạn trẻ đang làm startup chia sẻ, họ không phải đưa ra những mô hình, sản phẩm quá hoàn hảo, mà đôi khi chỉ cần có tác phẩm tốt và dám theo đuổi là đã chiến thắng.

“Điều kiện để người làm Starup thành công tôi thấy đầu tiên và quan trọng nhất đó là sức chịu đựng. Anh có thể chịu đói được bao lâu, và anh có thể rủ thêm được bao nhiêu người cùng chịu đói.

Cái cần tiếp theo là nên có lối sống tiết kiệm, xác định tiết kiệm từ thời gian đến tài sản. Người ta viết một tờ giấy chừa lề, anh khởi nghiệp, khó khăn anh phải viết tràn ra lề, cố gắng viết kín mặt thứ nhất, sau đó lật sang mặt thứ 2 viết tiếp, thậm chí dùng viết chì, viết xong xóa rồi viết tiếp…

Phải tiết kiệm hơn người, vì khi đi khởi nghiệp là mình biết mình không có tiền rồi”, ông Tân chia sẻ bí quyết.

Với ông Đinh Anh Huân, người sáng lập Seedcom, bí quyết để mạnh dạn làm starup là phải nhìn vào những điều tích cực của thị trường, và tin mình sẽ thành công. Cựu thành viên sáng lập Thế Giới Di Động cho rằng, chấp nhận thua và mất cũng là một cách giúp người trẻ khởi nghiệp thành công.

"Doanh thu không nên coi là điều quan trọng nhất mà lớn nhất là giá trị mang lại. Mình sẽ làm được những gì mình thích, mình muốn. Và cuối ngày, sau khi đã làm hết sức thì chúng ta sẽ thấy thỏa mãn", ông Huân nói.

Với nhiều điểm hạn chế hiện tại, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam nếu muốn xây dựng một quốc gia khởi nghiệp thì phải xây dựng được một hệ sinh thái khởi nghiệp, phải kêu gọi được những nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường. Bởi người Việt Nam không có thói quen mạo hiểm, nên rất khó để họ bỏ vốn đầu tư lĩnh vực này. Phải có các nhà đầu tư nước ngoài tham gia, họ sẽ xác lập cuộc chơi trước, sau đó nhiều nhà đầu tư trong nước mới mạnh dạn tham gia.

Riêng với đa số người trẻ muốn khởi nghiệp thành công, lời khuyên là hãy đầu tư vào những gì mình muốn làm. Bởi nền kinh tế của chúng ta đang phát triển, người trẻ có cơ hội ở tất cả các lĩnh vực. Họ có thể chọn lĩnh vực nào mình có thế mạnh và làm tốt nhất cái gì mình lợi thế.

Với chủ đề "Sức Mạnh Tuổi Trẻ", Under 30 Summit - Diễn đàn Thế hệ trẻ lần thứ hai do Forbes tổ chức năm nay có khoảng 1.500 người tham dự, với thông điệp mang tới nguồn cảm hứng, sức mạnh cho những người trẻ. Under 30 Summit tập hợp những người thành công của thế hệ trẻ, là nơi để họ chia sẻ ý kiến, suy nghĩ và học hỏi lẫn nhau. Chương trình còn vinh danh 30 gương mặt trẻ xuất sắc năm 2016 và vòng chung kết cuộc thi ý tưởng “Một triệu đô la thay đổi thế giới”.

H.Linh

Clip: Trương Khởi

Bạn có thể quan tâm