Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khởi nghiệp 35 triệu đồng của chàng trai Bến Tre

Từ bỏ công việc văn phòng với mức lương cao, Nguyễn Minh Tuấn cầm 35 triệu đồng trở về quê nhà bắt đầu tạo dựng sự nghiệp bằng mô hình sản xuất dầu dừa sạch.

Chàng trai sinh năm 1983 ở Bến Tre cười sảng khoái khi nhắc lại quyết định bỏ công việc văn phòng rập khuôn ở công ty cũ vào cuối năm 2013.

Khởi nghiệp với 35 triệu đồng

Trong một lần đi công tác xã hội, Nguyễn Minh Tuấn gặp người bạn đồng chí hướng Nguyễn Thái Bình. Sau vài buổi cà phê trình bày ý tưởng, cả hai quyết định xây dựng One4One, một mô hình doanh nghiệp xã hội kinh doanh dầu dừa tinh khiết. Nhân công chính là các hộ có hoàn cảnh khó khăn ở huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre.

Khoi nghiep bang dau dua sach Ben Tre anh 1

Nguyễn Minh Tuấn tại một trong những hộ gia đình sản xuất dầu dừa cho doanh doanh nghiệp mình. Ảnh: Huỳnh Duyên

Theo Tuấn, thời gian trước, việc sản xuất sản phẩm từ dừa ở Bến Tre thường loanh quanh với kẹo, hàng thủ công mỹ nghệ hoặc chỉ xơ dừa. Ý tưởng làm dầu dừa hình thành khi trên thị trường lúc bấy giờ không có nhiều thương hiệu dầu dừa được đầu tư bài bản, chủ yếu là hàng sản xuất thủ công. Hơn nữa, nhu cầu thị trường đang "khát" loại dầu này, bởi sản phẩm không chỉ dùng làm thực phẩm mà còn để làm đẹp, làm thuốc, chữa bệnh rất hiệu quả. 

"Xét về khía cạnh kinh tế, để chọn khởi nghiệp với một sản phẩm phải thực sự am hiểu nó và có bí quyết riêng để trụ vững trên thị trường đầy cạnh tranh. Mình thì không thể am hiểu cái gì hơn cây dừa", chàng trai Bến Tre nhớ lại xuất phát điểm khởi nghiệp.

Thế là Tuấn đột ngột bỏ phố về quê. Và anh gặp ngay khó khăn lớn khi bắt tay khởi nghiệp là vốn và nguồn nguyên liệu.

"Khởi đầu với số vốn 35 triệu đồng rất mạo hiểm. Số tiền đó chia thành nhiều đợt để góp vào, trong đó có 15 triệu cho cơ sở vật chất, 10 triệu cho đăng ký doanh nghiệp và 10 triệu cho vốn ban đầu. Các khoản như thiết kế website, thiết kế bao bì, in ấn... được bạn bè hỗ trợ", Tuấn chia sẻ. 

Đầu năm 2014, anh về những xã vùng sâu của huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre, một trong những vựa dừa lớn nhất tỉnh, để tìm những gia đình có trồng giống dừa tốt. Nguồn nguyên liệu chính là dừa thành phẩm được lựa chọn tại địa phương, nhằm giảm thiểu tối đa chi phí vận chuyển và giá thành qua đầu mối, cũng như kiểm soát được chất lượng nguyên liệu đầu vào. 

Gõ cửa từng hộ gia đình, miệt mài đi khảo sát ở từng xã, từng ấp, thử nghiệm trở đi trở lại hàng tháng trời Tuấn mới chọn được nơi sản xuất dầu dừa đúng yêu cầu, vừa đảm bảo tạo được kế sinh nhai cho người dân.

Nỗi vất vả khi chọn nguyên liệu, anh phân tích, phải lựa được nguyên liệu loại một, trái dừa chọn phải từ 1,3-1,8 kg, rám vàng, không mọc mầm. Cũng vì vậy mà giá nguyên liệu đội cao hơn bình quân thị trường thường 10.000 - 15.000/chục (12 trái). Nhưng dừa loại này sẽ cho ra chất lượng dầu tốt nhất với đủ hàm lượng dinh dưỡng theo chuẩn và chỉ số acid, peroxide (dầu bị oxy hoá) cũng thấp.

Cùng dân nghèolàm dầu dừa sạch

Tuấn nói, mô hình của anh tạo được việc làm cho người dân ở quê theo hướng "tự cung tự cấp": Tìm nguồn hàng tại chỗ và khoán cho dân địa phương trực tiếp sản xuất, sau đó mang đi phân phối ở các tỉnh thành lớn.

Khoi nghiep bang dau dua sach Ben Tre anh 2

Tuấn cùng cộng sự Nguyễn Thái Bình (đứng) trong một hội chợ những ngày đầu khởi nghiệp. Ảnh: Huỳnh Duyên

Hiện tại, có 5 gia đình ở huyện Mỏ Cày Bắc sản xuất chính cho mô hình này. Mỗi ngày, một gia đình cho ra 15 lít dầu dừa nguyên chất, với mức giá nhân công 130.000-140.000 đồng mỗi người, cùng khoản tiền tiết kiệm và tiền thưởng riêng.

Chi phí cho một lít dầu khoảng 45.000 đồng. Thành phẩm sau khi đã qua các khâu đóng gói có 4 loại dung tích 100-500 ml với giá 60.000-185.000 đồng, chủ yếu nhắm vào giới văn phòng, người có nhu cầu chăm sóc bản thân.

Gia đình bà Nguyễn Thị Năm và gia đình ông Nguyễn Văn Oắn ở ấp Ông Thung, xã Thạnh Ngãi, huyện Mỏ Cày Bắc là hai trong số các gia đình thoát nghèo, cải thiện được một phần đời sống khi sản xuất cho mô hình từ năm 2014. Riêng bà Năm đã cất được nhà mới từ căn nhà lợp lá cũ.

Tham gia mô hình sản xuất này hơn 2 năm, bà Nguyễn Thị Năm (ấp Ông Thung, xã Thạnh Ngãi, huyện Mỏ Cày Bắc) chia sẻ, gia đình bà kiếm được trên dưới 4 triệu mỗi tháng từ sản xuất dầu dừa, góp phân nửa thu nhập hàng tháng của gia đình.

"Với phụ nữ ở xã nghèo như chúng tôi, tìm được việc làm kiếm một khoản cố định hàng tháng như thế này không dễ. Với số tiền này, cộng với tích góp và chi tiêu hợp lý, đầu năm nay, gia đình tôi đã cất được nhà mới khang trang từ căn nhà lợp lá cũ", bà Năm nói.

Còn ông Nguyễn Văn Oắn cũng cho biết, dầu dừa sạch đã giúp bớt gánh nặng cho gia đình 5 người không có khả năng lao động của ông. “Trước đây thu nhập gia đình chỉ trông vào việc đan rổ của vợ, tôi đi móc mương, cấy mướn, kinh tế kiệt quệ. Được Tuấn giới thiệu việc làm, giờ chúng tôi tập trung sản xuất dầu dừa tại nhà. Mỗi tháng tôi kiếm được hơn 3 triệu”, ông chia sẻ.

Ban đầu, khi chưa đăng ký thương hiệu, Tuấn cùng cộng sự cần mẫn giới thiệu sản phẩm của mình ở những hội chợ cuối tuần, hội chợ nông nghiệp nhỏ, và tận dụng bán hàng trên các kênh mua bán trực tuyến. Các đơn hàng lúc sơ khởi chỉ là sự ủng hộ nhỏ lẻ của người thân, bạn bè, các mối quan hệ. Dần dà, khi sản phẩm đã hoàn thiện các khâu nhận diện thương hiệu và tạo hiệu ứng, dầu dừa sạch đã len vào các nhà hàng, đại lý phân phối sản phẩm nông nghiệp và tiêu dùng trải dài từ Bến Tre, TP HCM, Đà Nẵng đến Hà Nội. 

"Mô hình kinh doanh này kiểu xoay vòng, bỏ ra đầu tư và thu về, sau đó quay tiếp vòng thứ hai. Thời gian đầu thì phải bốn tháng đồng vốn mới quay về một lần. Thời điểm này, doanh thu mỗi tháng khoảng 60 triệu. Chưa dám nói là nhiều, nhưng đủ để mình an tâm đầu tư thêm các mặt hàng khác ngoài dầu dừa", anh nhẩm tính.

Những sản phẩm độc của người dân xứ dừa

Người dân Bến Tre đã mang nhiều sản phẩm độc đáo tới lễ hội dừa năm nay. Lá và rễ của loại cây này cũng được tận dụng làm thành các món đồ thủ công mỹ nghệ lạ mắt.


Huỳnh Duyên

Bạn có thể quan tâm