- Người ta gọi anh là "gã khùng", đó có phải là tố chất để gây dựng một startup, tạo sự khác biệt?
- Thực ra mình thấy mình không khùng và cũng không khác biệt. Mình chỉ cố tìm cách giải quyết những vấn đề trong sản phẩm yêu thích, ở đây là tai nghe. Mình thấy khó chịu khi đeo những sản phẩm không đẹp lên người, và độ vừa vặn của những chiếc tai nghe khác nhau.
Mình nghĩ chúng ta đừng cố khác biệt. Việc của chúng ta là tìm ra và giải quyết những vấn đề của người dùng.
Anh Trần Mạnh Hùng (thứ 2 từ trái sang) và những nhân sự chủ chốt của Joinhanmade. Nhóm của anh hiện có 15 người, chuyên sản xuất tai nghe thủ công. Ảnh: NVCC. |
- Kinh nghiệp 4 năm làm startup của anh là gì?
- Đó là không được bỏ cuộc. Một khi bỏ cuộc, bạn sẽ mất tất cả.
Lúc nào mình cũng nghĩ đến điều đó. Mình phải làm mọi thứ tốt nhất có thể trong thời gian ngắn nhất, phải thật gấp rút.
Thứ 2 đó là việc truyền được văn hoá làm việc của bản thân lên các đồng nghiệp, bởi thiếu họ, chắc chắn bạn thất bại. Mình có đọc ở đâu đó một câu rất hay: "Người ta rời bỏ công ty vì người lãnh đạo, không phải bất cứ lý do nào khác".
- Từng có doanh nghiệp khẳng định, Tim Cook có sang Việt Nam chưa chắc đã thành công? Có phải các công ty khởi nghiệp trong nước gặp khó trên sân nhà?
- Mình hoàn toàn đồng ý với việc startup ở Việt Nam có khó khăn. Tuy nhiên, phần lớn nằm ở việc chúng ta chưa nhận thức rõ về khởi nghiệp. Nó không phải phong trào, mà là một cuộc chơi. Trong một cuộc chơi, nếu bạn là người hiểu rõ luật nhất, là người chơi giỏi nhất, bạn sẽ chiến thắng.
Startup ở Mỹ hay Việt Nam mình nghĩ đều có những vấn đề riêng. Sau vài năm khởi nghiệp, mình nhận ra nơi nào cũng sẽ có người thành công.
Việc Tim Cook qua Việt Nam có thành công hay không thì mình tin rằng ông ấy sẽ thành công. Mình hâm mộ Apple. Họ thành công được như hôm nay không phải công lao của Steve Jobs hay Tim Cook, mà là của tập thể. Nhiều người khác tạo nên những mắt xích cho sự thành công của họ. Mỗi người trong họ đều rất giỏi và tầm nhìn khác hẳn chúng ta.
Theo anh Hùng, lượng startup đầu tư nghiêm chỉnh vào sản phẩm tại Việt Nam còn ít, dịch vụ sau bán hàng kém. Một số ít trang bị đầy đủ công nghệ nhưng giá thành sản phẩm lại cao. Ảnh: Duy Tín. |
- Một vài thương hiệu nội có xu hướng kêu gọi "người Việt ủng hộ hàng Việt", anh thấy sao?
- Mình nghĩ bắt người Việt ủng hộ hàng Việt là điều hết sức vô lý. Tiền trong túi họ, họ sử dụng vào việc gì là chuyện cuả họ. Tôi muốn ủng hộ hàng Việt hay không là việc của tôi. Người dùng rất thông minh. Họ lựa chọn sản phẩm phù hợp nhất với mình.
Mình mong muốn nếu khách hàng có mua những sản phẩm của mình, là bởi vì họ tự hào Việt Nam chúng ta có thể sản xuất ra những sản phẩm đáng mua, chứ không phải vì chúng là hàng Việt nên phải mua.
- Đặc thù của người tiêu dùng tại Việt Nam là gì, thưa anh?
- Có một tiêu chí mình nghĩ là người dùng Việt Nam rất thích là “ngon, bổ, rẻ”.
Riêng mình cảm thấy đã ngon mà rẻ thì không bổ, còn ngon và bổ chắc chắn không rẻ.
Chúng ta nên quan tâm nhiều hơn đến chất lượng sản phẩm, đến chất liệu và những yếu tố về môi trường và sức khoẻ hơn. Những sản phẩm chất lượng kém từ Trung Quốc luôn chứa đựng nhiều chất độc hại, ảnh hưởng đến sức khoẻ của bạn.
Jelly Doux - mẫu tai nghe nhiều màu sắc sắp ra mắt của Hùng và nhóm Joinhandmade. |
- Nếu có thể giải quyết một vấn đề gì đó ở sân chơi dành cho startup Việt Nam, anh muốn điều gì đầu tiên?
- Mình mong muốn có những lớp đào tạo về tư duy khởi nghiệp, cung cấp những chuỗi kiến thức và nhân sự cần thiết về sản phẩm cũng như luật. Kiến thức về sản phẩm thôi là không đủ.
- Nhân vật nào ảnh hưởng đến anh?
- Nếu có thích bất kỳ một ai đó, thì chỉ có Steven Jobs và Châu Tinh Trì. Đó là 2 người mình hâm mộ. Họ cố gắng tới cùng và đầu tư toàn bộ nguồn lực cho sản phẩm. Họ tạo ra những sản phẩm thực sự tốt chứ không phải làm cho có, làm kiếm lời, chạy theo thị trường.