Quỹ đầu tư mạo hiểm Gobi Partners là một trong những đối tác chiến lược của Grab trong chương trình Grab Ventures Ignite, chương trình tăng tốc khởi nghiệp dành cho các startup giai đoạn đầu (early stage) tại Việt Nam.
Ông Kenneth Tan, Phó chủ tịch phụ trách Đầu tư Gobi Partners đã đưa ra nhiều nhận định về thị trường startup Việt Nam trong bối cảnh hiện tại, đặc biệt là thời điểm nền kinh tế trong nước và thế giới đang chịu các tác động lớn từ dịch Covid-19.
Cần điều chỉnh kế hoạch kinh doanh để vượt qua giai đoạn khó khăn
- Là một quỹ đầu tư mạo hiểm có nhiều kinh nghiệm hoạt động với các startup tại Đông Nam Á, đặc biệt là startup công nghệ, ông đánh giá như thế nào sự thay đổi của thị trường trong 5 năm qua?
- Có nhiều thay đổi lớn mà chúng tôi nhận thấy trong 5 năm qua.
Thứ nhất là hệ sinh thái khởi nghiệp trong khu vực đang ngày càng trưởng thành hơn, cho phép các doanh nghiệp có thể thực sự phát triển ở thị trường nội địa.
Thứ hai, các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng quan tâm về hệ sinh thái công nghệ. Nhìn lại 5-6 năm trước, nguồn vốn đầu tư vào các công ty công nghệ chỉ khoảng 20-30 triệu USD. Tuy nhiên, năm 2019, con số này đã lên đến khoảng 900 triệu - 1 tỷ USD.
Bên cạnh đó, ngày càng nhiều nhân tài sẵn sàng tham gia vào các công ty khởi nghiệp. Họ được đào tạo tốt, có nhiều kinh nghiệm trong quản lý, marketing, bán hàng, quản trị, kêu gọi vốn và mở rộng quy mô kinh doanh.
Các Chính phủ cũng đang đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và cởi mở hơn với nhà đầu tư nước ngoài. Các tập đoàn lớn tham gia vào thị trường cũng như nhiều tổ chức, chương trình ra đời để hỗ trợ các startup.
Riêng tại Việt Nam, cơ sở hạ tầng trong nước ngày càng được cải thiện, tạo môi trường hoàn thiện cho các startup. Do đó, chúng tôi đánh giá Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng và sẽ phát triển nhanh chóng trong những năm tới đây.
Ông Kenneth Tan, Phó chủ tịch phụ trách Đầu tư Gobi Partners (trái) và ông Chris Yeo, Giám đốc Grab Ventures. |
- Bên cạnh những dấu hiệu tích cực, ông có cho rằng thị trường ngày càng cạnh tranh gay gắt?
- Chắc chắn là vậy, nhưng đây thật sự là một dấu hiệu tốt của hệ sinh thái.
Thị trường ngày càng lớn, các startup đang cạnh tranh gắt gao hơn để huy động vốn từ các nhà đầu tư cũng như tập trung đầu tư vào những sản phẩm trọng tâm hơn.
Trong khi đó, người dùng có tâm lý hướng đến những sản phẩm đáng đồng tiền bát gạo. Và một cách tự nhiên, các nhà đầu tư sẽ hướng đến những startup có khả năng thu hút người dùng. Chính vì vậy, đội ngũ lãnh đạo, đặc biệt là các startup trong giai đoạn đầu, cần tập trung xây dựng sản phẩm và mô hình kinh doanh để tạo nền tảng vững chắc.
Trong giai đoạn đầu, có rất nhiều thách thức cả chủ quan và khách quan mà startup phải vượt qua như thiếu vốn, tìm kiếm và giữ chân nhân lực, cạnh tranh thị trường, văn hóa và thói quen tiêu dùng của thị trường…
Tuy nhiên, với kinh nghiệp 17 năm làm việc với các startup, chúng tôi nhận thấy thách thức lớn nhất của các startup là tìm kiếm sản phẩm phù hợp với thị trường.
- Dịch Covid-19 đã và đang gây ra những áp lực lên nền kinh tế toàn khu vực Đông Nam Á. Nhiều người cho rằng đây là “mùa đông” của các startup, ông có suy nghĩ gì về nhận định này?
- Đây là thời điểm khó khăn của nền kinh tế Đông Nam Á, có thể nói phần lớn doanh nghiệp đều chịu ảnh hưởng từ Covid-19, bao gồm cả các doanh nghiệp kinh doanh truyền thống, cửa hàng bán lẻ, TTTM, các tập đoàn… chứ không riêng gì startup.
Điều các startup cần làm lúc này là ngồi lại, điều chỉnh kế hoạch kinh doanh để vượt qua giai đoạn khó khăn thay vì mở rộng quy mô như dự định bởi không ai biết tình hình này sẽ kéo dài bao lâu, ảnh hưởng như thế nào.
Đây là thời điểm các startup phải đưa ra những quyết định khó khăn như điều chỉnh ngân sách, thu hẹp quy mô, điều chỉnh dự báo doanh thu, hoãn kế hoạch ra mắt sản phẩm, việc gây quỹ cũng chậm lại, tập trung hơn vào quản lý khủng hoảng và các chính sách về khủng hoảng vào thời điểm này.
Thứ hai, tất cả đều phải giữ một tâm thế vững vàng. Đồng thời cũng nên tận dụng giai đoạn này để tinh chỉnh, phát triển sản phẩm và dịch vụ, cải thiện quản trị và giải quyết các nhược điểm của doanh nghiệp.
Nhân lực tài năng là lợi thế lớn nhất của startup Việt
- Theo ông đâu là những điểm sáng của các startup Việt Nam so với các thị trường khác?
- Rất nhiều sản phẩm và giải pháp chất lượng được tạo ra ở thị trường Việt Nam. Điều này đã giúp nhấn mạnh một điều rằng nguồn nhân lực tài năng là một trong những lợi thế lớn nhất của startup Việt. Họ thật sự đưa ra được những sản phẩm chất lượng giải quyết được vấn đề của người dùng, thấu hiểu thị trường trong nước.
Tuy nhiên, so với các thị trường lân cận, các startup Việt vẫn đang tập trung vào thị trường nội địa. Điều này không sai, nhưng tại sao chúng ta không nghĩ rộng hơn?
Trong thập kỷ này và lâu hơn nữa, cần xác định phải chiến thắng ở thị trường nội địa và sau đó hướng đến thị trường quốc tế.
- Tại sao Gobi Partners quyết định đồng hành cùng Grab trong chương trình Grab Ventures Ignite tại Việt Nam?
- Chúng tôi đã trao đổi các ý tưởng với Grab về việc làm thế nào để cải thiện hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam và nhận thấy rằng Gobi Partners thật sự phù hợp với chương trình. Grab có thế mạnh về phát triển công nghệ, còn chúng tôi có thế mạnh về phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp.
Trong chương trình, Gobi Partners sẽ đóng vai trò tích cực trong giai đoạn lựa chọn startup và giai đoạn đầu tư. Đồng thời, chúng tôi cũng sẽ tham gia vào các chủ đề như gây quỹ, phát triển mô hình kinh doanh…
- Ông mong đợi gì ở những startup tham gia Grab Ventures Ignite trong thời gian sắp tới?
- Chúng tôi hướng đến các doanh nghiệp có định hướng phát triển công nghệ hoặc hoạt động trong lĩnh vực logistic, thương mại điện tử, fintech, AI… Nhưng quan trọng vẫn là những startup có đội ngũ quản lý mạnh.
Chương trình này là cơ hội cho các startup mới được làm việc với Grab, Gobi Partners cũng như các đối tác khác trong chương trình.
Chúng tôi cũng may mắn khi tích lũy được nhiều mối quan hệ với cả khối nhà nước và khối tư nhân của nhiều quốc gia trên thế giới. Chính vì vậy, chúng tôi mong muốn có thể tạo điều kiện giúp các startup Việt có được những mối hợp tác xuyên biên giới và kết nối họ với những đơn vị phù hợp.
Chương trình tăng tốc khởi nghiệp Grab Ventures Ignite đồng hành cùng đối tác chiến lược là Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư), các đối tác khác bao gồm Cơ quan Phát triển Truyền thông Thông tin Singapore (IMDA), Quỹ đầu tư mạo hiểm Gobi Partners, nhà phát triển không gian làm việc Toong, Công ty Luật YKVN và Amazon Web Services.
Grab Ventures Ignite đang nhận hồ sơ đăng ký từ các startup đến hết ngày 10/4. Các startup quan tâm đến chương trình có thể đăng ký tại đây.
Để biết thêm thông tin về Grab Ventures Ignite, độc giả truy cập tại đây.
Bình luận