Sau nhiều năm xây dựng, mới đây Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị định 10/2020 thay thế Nghị định 86/2014 về kinh doanh vận tải và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô. Quy định mới này có tác động đến cả ngành vận tải nói chung và các doanh nghiệp xe hợp đồng điện tử nói riêng.
Grab hiện là một trong những doanh nghiệp lớn triển khai hợp đồng điện tử trong vận tải. Tuy nhiên, việc áp dụng quy định mới được dự báo sẽ không làm thay đổi quá lớn hoạt động của hãng trong thời gian qua.
Theo Nghị định mới, GrabCar đang hoạt động dưới dạng ôtô chở khách dưới 9 chỗ ngồi sử dụng hợp đồng điện tử không theo tuyến cố định. Do đó, xe hợp đồng dạng này sẽ phải dán 3 tem: Phù hiệu xe hợp đồng (thường gắn ở kính trước xe), logo hợp tác xã (gắn ở cửa xe), tem GrabCar (dán ở kính lái bên trong xe).
Như vậy, gần như hoạt động của GrabCar không bị xáo trộn khi áp dụng quy định mới. Hồ sơ để được cấp tem dán sẽ thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và chỉ mất khoảng 2 ngày.
Hoạt động của GrabCar không có gì xáo trộn khi áp dụng quy định mới. |
Theo một số chuyên gia vận tải, khi áp dụng các quy định mới, hoạt động của Grab có thể không bị ảnh hưởng tại Việt Nam, thậm chí ngày càng minh bạch, bình đẳng trên thị trường, qua đó dường như cũng có nhiều cơ hội hơn. Các doanh nghiệp ứng dụng hợp đồng điện tử trong vận tải, không chỉ riêng Grab, cũng sẽ có cơ hội cạnh tranh bình đẳng với các loại hình dịch vụ khác.
Việc dán phù hiệu cũng giúp khách hàng dễ dàng nhận diện thương hiệu, thuận lợi trong quá trình sử dụng dịch vụ hàng ngày. Đây là cơ hội để Grab nâng cao chất lượng phục vụ. Tình trạng tài xế sử dụng xe chạy “chui” ứng dụng được kỳ vọng sẽ giảm đáng kể, từ đó, nâng cao an toàn cho khách hàng và chính tài xế.
Theo quy định, Nghị định 10/2020 sẽ có hiệu lực từ 1/4/2020. Các hãng có khoảng vài tháng để hoàn thành việc dán phù hiệu xe ứng dụng hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ ngồi chạy không theo tuyến cố định. Do đó, các tài xế và hãng có khá nhiều thời gian để chuẩn bị cho việc này.
Trong khoảng thời gian này, Bộ GTVT đã quyết định dừng thí điểm xe hợp đồng điện tử trong vận tải. Quyết định thí điểm được tiến hành bắt đầu từ đầu năm 2016 và dự kiến kéo dài trong khoảng 2 năm. Tuy nhiên, thời điểm đáng lẽ kết thúc thí điểm vào đầu năm 2018, cơ quan chức năng đã quyết định kéo dài đến khi có Nghị định 86 mới.
Các chuyên gia cũng nhận định, khi Nghị định 10/2020 được ban hành, Nghị định 86/2014 được thay thế, cơ quan chức năng dừng thí điểm xe hợp đồng điện tử là chuyện bình thường, đã nằm trong lộ trình, kế hoạch. Điều này cũng không phải là chấm dứt hoạt động của Grab trên thị trường như nhiều lời đồn đoán.
Ngược lại, quyết định dừng thí điểm và chuyển sang công nhận chính thức trong Nghị định khiến Grab ngày càng “chính danh” hơn. “Điều này hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến hoạt động của Grab tại Việt Nam. Hành khách vẫn có thể duy trì việc đặt xe, gọi đồ ăn, giao hàng bình thường… Các tài xế đối tác vẫn có công việc ổn định, có cơ hội tăng thêm thu nhập từ nền tảng Grab”, đại diện Grab cho biết. Grab cũng đã công bố tiếp tục đầu tư thêm 500 triệu USD vào thị trường Việt Nam để tiếp tục phát triển các sản phẩm, dịch vụ.
Vị đại diện này cũng cho biết, sau khi Nghị định 10/2020 có hiệu lực, hãng sẽ chấp hành đúng theo các quy định của Chính phủ. Grab đã và đang tích cực làm việc với các cơ quan chức năng để tìm hiểu kỹ hơn về các quy định của pháp luật dành cho mô hình hoạt động được lựa chọn, đồng thời bày tỏ lạc quan về việc Grab và các mô hình tương tự có thể chính thức hoạt động trên phạm vi toàn quốc kể từ ngày 1/4 thay vì chỉ được hoạt động trong khuôn khổ một đề án thí điểm.
“Tuân thủ pháp luật và đảm bảo tối đa quyền lợi của khách hàng, đối tác tài xế, hướng đến sự phát triển của cộng đồng luôn là tôn chỉ hoạt động mà Grab hướng đến”, Grab khẳng định.
Bình luận