Chuỗi cà phê nổi tiếng nhất thế giới vừa thông báo sẽ thưởng 10 triệu USD cho ý tưởng tốt nhất thiết kế cốc cà phê dễ tái chế.
Cốc cà phê là một trong những nhân tố không nhỏ gây ô nhiễm môi trường. Phần lớn lượng cốc loại này thường được lót một lớp nhựa để giữ nhiệt cũng như giúp các thành phần bìa giấy của cốc vững hơn và không bị cà phê làm mềm.
Một chiếc cốc giấy pha nylon điển hình của Starbucks. Ảnh: CNN. |
Tuy nhiên, chính lớp nhựa này làm cốc cà phê trở nên khó phân hủy hơn khi tái chế. Mất tới 20 năm để một chiếc cốc cà phê phổ biến có thể phân hủy trong môi trường tự nhiên.
Mỗi năm có khoảng 600 tỷ cốc dạng này được phân phối trên phạm vi toàn cầu và Starbucks sử dụng khoảng 6 tỷ cốc trong số đó. Đây là lý do khiến Starbucks đã dành nhiều thời gian và nguồn lực để thiết kế dạng cốc mới, nhưng đến nay chưa đạt được cải thiện đáng kể có thể ứng dụng thực tiễn.
Năm 2008, hãng đã đưa ra một vài mục tiêu táo bạo nhằm giảm ảnh hưởng tới môi trường. Năm 2010, hãng đã tuyên bố sẽ sử dụng 100% cốc có thể tái sử dụng và tái chế vào năm 2015. Thực tế, các tuyên bố này đã không thể thực hiện được.
Loại cốc hiện tại của Starbucks chỉ chưa khoảng 10% sợi tái chế và chỉ có thể tái chế ở những thành phố hiện đại, có "cơ sở vật chất phù hợp".
"Chúng tôi không hài lòng với những tiến triển đạt được, quá trình nghiên cứu đang không đủ nhanh", ông Colleen Chapman, Phó chủ tịch Starbucks phụ trách ảnh hưởng xã hội và phát triển bền vững toàn cầu, cho hay.
Ngoài giải thưởng 10 triệu USD dành cho cuộc thi thiết kế cốc kể trên, công ty này còn tự thử nghiệm lần thứ 13 với một loại cốc làm từ sợi thân thiện với môi trường về khả năng chịu nhiệt và chống rò rỉ ở nhiệt độ cao.
Starbucks cùng nhiều công ty khác đang chịu nhiều áp lực từ các tổ chức hoạt động môi trường về vấn đề sử dụng cốc khó phân hủy.
Dunkin' Donuts khẳng định vào tháng trước rằng hãng sẽ loại bỏ hoàn toàn cốc xốp nhựa vào đầu năm 2018 và sẽ bỏ hoàn toàn cốc xốp vào năm 2020. Toàn bộ lượng cốc này sẽ được thay thế bằng cốc giấy có thể tái chế.
McDonald's cũng khẳng định vào đầu năm sẽ loại bỏ hoàn toàn cốc xốp và thay thế toàn bộ bao bì, cốc giấy bằng những vật liệu thân thiện với môi trường vào năm 2025.