Trong báo cáo cập nhật mới đây, Công ty Chứng khoán SSI dẫn thông tin từ ban lãnh đạo Digiworld cho biết các doanh nghiệp bán lẻ (như Thế Giới Di Động và FPT Shop) thường mua iPhone trực tiếp từ Apple đã chuyển sang mua của Digiworld trong quý II.
"Thông thường, các doanh nghiệp bán lẻ phải đợi 6 tuần mới nhận được sản phẩm nếu mua trực tiếp từ Apple. Còn khi mua qua Digiworld, họ có thể nhận được sản phẩm trong vòng 1 tuần", theo báo cáo.
Các chuyên gia phân tích tại SSI Research cho biết thêm do sức cầu tiêu thụ yếu nên việc dự báo trước nhu cầu iPhone là rất khó, Thế Giới Di Động và FPT Shop đã ưu tiên đặt hàng qua Digiworld. Như vậy, nhà phân phối này trở thành doanh nghiệp chịu rủi ro hàng tồn kho nhưng bù lại tăng được doanh thu.
Trong khi đó, doanh thu từ các ngành hàng khác như máy tính xách tay, thiết bị gia dụng và thiết bị văn phòng không phục hồi nhiều trong quý II.
Ban lãnh đạo Digiworld ước tính doanh thu thuần quý II đạt khoảng 4.100 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ nhưng tăng 4% so với quý liền trước. Thu nhập ròng khoảng 82 tỷ đồng, giảm 40% so với cùng kỳ và đi ngang so với quý trước. Các con số này đều vượt kỳ vọng của SSI Research.
Ở chiều ngược lại, chi phí vốn giảm nhẹ cùng với việc cắt giảm lãi suất giúp giảm bớt gánh nặng chi phí tài chính cho Digiworld. Hiện tại, công ty vay vốn với lãi suất dưới 6%/năm, thấp hơn nhiều so với mức đỉnh 7,5%/năm trong quý I.
Ban lãnh đạo cho rằng doanh thu trong nửa cuối năm có thể phục hồi nhờ sự kiện Apple ra mắt iPhone 15 vào tháng 10 và doanh thu máy tính xách tay cao hơn vào mùa tựu trường. Dù vậy, doanh số có thể vẫn thấp hơn nửa cuối năm 2022.
Cập nhật thêm về việc Apple ra mắt cửa hàng trực tuyến chính thức vào tháng 5, chuyên gia SSI diễn giải điều này cho phép người tiêu dùng mua sản phẩm trực tiếp từ Apple, đồng nghĩa với việc bỏ qua các đại lý phân phối (Digiworld, Petrosetco, FPT Synnex, Viettel) và các doanh nghiệp bán lẻ.
Hiện các sản phẩm của Apple chiếm khoảng 20% tổng doanh thu của Digiworld. Công ty tin rằng người tiêu dùng có thể mua được iPhone với mức giá rẻ hơn do các chuỗi bán lẻ thường có các chương trình giảm giá, trong khi cửa hàng trực tuyến chính thức của Apple thường bán với giá niêm yết (không giảm giá).
SSI Research cho rằng cơ sở hạ tầng logistics trong nước chưa phát triển, người tiêu dùng có thể vẫn lo ngại khi mua các mặt hàng giá cao trực tuyến và thay vào đó sẽ lựa chọn mua sản phẩm trực tiếp tại các cửa hàng.
Do đó, việc ra mắt cửa hàng trực tuyến chính thức của Apple không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của các đại lý phân phối hoặc doanh nghiệp bán lẻ, mà là để giới thiệu các sản phẩm hoặc dịch vụ đặc thù tới người tiêu dùng, như các dịch vụ Vision Pro và Apple Entertainment.
Còn "cuộc chiến đại hạ giá" chủ yếu ảnh hưởng đến các doanh nghiệp bán lẻ và các sản phẩm của Apple. Ban lãnh đạo Digiworld kỳ vọng các công ty bán lẻ sẽ hoàn tất việc thanh lý hàng tồn kho trước thời điểm ra mắt sản phẩm iPhone mới (dự kiến vào tháng 10 năm nay).
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...