Trong cuộc phỏng vấn với South China Morning Post, Đại sứ Sri Lanka tại Trung Quốc Palitha Kohona cho biết nước này sẽ “không bao giờ làm tàu sân bay không thể chìm (ám chỉ làm căn cứ quân sự cho một nước khác) và gây ra mối đe dọa với bất kỳ bên nào”. Ông Kohona đang đề cập đến tình hình cạnh tranh giữa Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ.
Khi được hỏi về khả năng Tổng thống Sri Lanka gia hạn hợp đồng cho thuê cảng Hambantota với Trung Quốc, ông Kohona trả lời: “Nếu như có một thỏa thuận, họ sẽ bí mật tiến hành và không chia sẻ cho báo giới”.
Cảng Hambantota, nằm về phía nam của Sri Lanka, là cửa ngõ nhìn ra nhiều tuyến đường biển quan trọng. Ảnh: AFP. |
Đại sứ Kohona cũng bác bỏ thông tin cho rằng Sri Lanka đang rơi vào “bẫy nợ” của Trung Quốc. Ông khẳng định: “Khoản nợ với Trung Quốc chiếm dưới 10% tổng nợ của Sri Lanka nên chúng tôi không thể mắc bẫy. Số nợ còn lại là với phố Wall và các tổ chức đa phương”.
“Trong hầu hết mọi tình huống, Trung Quốc không đến đưa tiền cho Sri Lanka. Chúng tôi đến Trung Quốc và yêu cầu vay tiền”, ông Kohona nói. “Chúng tôi đánh giá cẩn thận tình hình. Chúng tôi đã hỏi những bên khác nhưng họ không sẵn sàng cho vay. Vì vậy, chúng tôi nhờ cậy Trung Quốc”.
Theo đại sứ Kohona, phía Bắc Kinh đã hỗ trợ tài chính và giúp đất nước của ông “vượt qua giai đoạn khó khăn này”.
Cảng Hambantota, nằm về phía nam của Sri Lanka, là cửa ngõ nhìn ra nhiều tuyến đường biển quan trọng. Do đó, cảng này là trung tâm hàng hải đầy tiềm năng tại khu vực Ấn Độ Dương.
Năm 2017, Sri Lanka đã ký hợp đồng trị giá 1,12 tỷ USD và đồng ý cho Trung Quốc thuê khu cảng Hambantota trong vòng 99 năm. Hợp đồng trước đó bị trì hoãn do nhiều bên lo ngại Trung Quốc dùng cảng biển với mục đích quân sự.
Hồi cuối tháng 2, Ngoại trưởng Sri Lanka Dinesh Gunawardena nói với Ceylon Today rằng "chính phủ tiền nhiệm đã mắc sai lầm trong thỏa thuận cảng Hambantota khi họ hủy bỏ hợp đồng thuê và cho thuê với thời hạn dài hơn là 99 năm, cộng thêm 99 năm nữa một khi giai đoạn đầu kết thúc".
Song ông không nói liệu Colombo có ý định thay đổi thỏa thuận hay không.
Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa, em trai của cựu Tổng thống Mahinda Rajapaksa, từng cho biết ông muốn đàm phán lại thỏa thuận với Trung Quốc, ngay sau khi ông nhậm chức vào cuối năm 2019. Song sau đó ông bác bỏ tuyên bố này.