Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Spider-Man' thay đổi Hollywood như thế nào?

“Spider-Man” của Sam Raimi đã ra mắt rất lâu trước Vũ trụ Điện ảnh Marvel và trở thành bộ phim mở đường cho dòng phim siêu anh hùng, thế lực thống trị phòng vé mỗi mùa phim hè.

Cuối tuần qua, Sony đã kỷ niệm 18 năm ngày bộ phim Spider-Man của đạo diễn Sam Raimi ra mắt trên màn ảnh rộng. Giờ đây, phiên bản Người Nhện của Tobey Maguire, cùng hai phiên bản của Andrew Garfield và Tom Holland đã cùng nhau chia sẻ tên gọi: Vũ trụ Sony Pictures dành cho những Siêu anh hùng Marvel.

Vũ trụ siêu anh hùng với cái tên dài dằng dặc này (nên chăng được viết tắt lại thành SPUMC?) nghe giống như một trò đùa lố bịch. Nhưng Spider-Man (2002) xứng đáng được các nhà phê bình điện ảnh ghi nhận công lao: Sau khi phim ra mắt, Hollywood đã thay đổi mãi mãi.

Chàng Peter Parker trên màn ảnh đã viết nên huyền thoại của riêng mình: Không chỉ báo trước sự phát triển như vũ bão của các bộ phim về siêu anh hùng bước ra từ truyện tranh của Marvel Comics, phiên bản Người Nhện 2002 còn mở màn truyền thống lấy tuần đầu tiên của tháng ăm làm mốc bắt đầu mùa phim hè.

Nét phác họa đầu tiên về dòng phim siêu anh hùng Marvel

Cho đến hiện tại, Spider-Man là bộ phim có doanh thu cao thứ 13 trong số các bộ phim chuyển thể từ truyện tranh siêu anh hùng của Marvel Comics. Spider-Man cũng là phim về nhân vật của Marvel Comics nhưng không do Disney phát hành có doanh thu phòng vé cao nhất.

Đầu tiên, cần làm rõ, Spider-Man không phải bộ phim mở đầu Vũ trụ Điện ảnh Marvel. Bộ phim đánh dấu sự khai sinh của kỷ nguyên rực rỡ ấy là Iron Man (2008). Spider-Man cũng không phải bộ phim điện ảnh người đóng đầu tiên về một siêu anh hùng Marvel.

Những nhân vật khác của Marvel Comics từng được chuyển thể thành phim điện ảnh trước đó gồm: Blade (Wesley Snipes) trong series cùng tên của New Line Cinema ra mắt phần đầu tiên năm 1998, nhóm dị nhân trong phần phim đầu tiên của thương hiệu X-Men ra mắt năm 2000 của 20th Century Fox.

Tuy vậy, Spider-Man vẫn là nét phác họa đầu tiên về những bộ phim Marvel như chúng ta đã biết ngày hôm nay. Blade được gắn nhãn R. X-Men tuy gắn nhãn PG-13 nhưng lại hướng tới những âm mưu đen tối và thế giới phức tạp của các dị nhân. Còn Spider-Man? Phim gắn mác PG-13, kể lại từ A tới Z hành trình cứu thế giới của một siêu anh hùng có khả năng bắn tơ và đu mình qua những tòa nhà.

Nguoi Nhen 2002 anh 1

Cốt truyện của Spider-Man không quá u tối, và có thể được thưởng thức bởi khán giả ở nhiều độ tuổi.

Spider-Man đã nắm bắt được tinh thần của những bộ phim về Superman do Richard Donner thực hiện những năm cuối thập niên 1970, đầu 1980. Phim tập trung xây dựng nhân vật siêu anh hùng ở khía cạnh con người, với một chút điểm nhấn của sự hài hước và yếu tố lãng mạn, tất cả đặt trong bối cảnh của trận chiến chống cái ác được hỗ trợ bằng kỹ xảo hình ảnh.

Bộ phim năm 2002 của đạo diễn Sam Raimi đã để lại những dấu ấn đậm nét trong lòng khán giả về nhân vật Người Nhện; cũng như vượt xa các phim siêu anh hùng trước đó về độ “chịu chơi”. Kinh phí 139 triệu USD vốn đầu tư ban đầu của Spider-Man lớn hơn rất nhiều dự án phim về hai nhân vật Superman và Batman từ DC Comics do Warner Bros. sản xuất.

Năm 1989, bộ phim Batman của Tim Burton chỉ tốn 35 triệu USD chi phí sản xuất (khoảng 73 triệu USD sau khi cộng thêm chi phí quảng bá, phát hành…), và thu về khoảng 411 triệu USD doanh thu toàn cầu. Trong khi đó, tổng chi phí làm phim Spider-Man rơi vào khoảng 200 triệu USD. Vào những năm đầu 2000, đây là một trong những bộ phim đắt đỏ, và nhiều rủi ro nhất từng được sản xuất.

Bộ phim xác định lại thời điểm bắt đầu mùa phim bom tấn hè

Giống như bất kỳ bom tấn đắt đỏ nào, Spider-Man cần được ra mắt vào mùa hè. Từ sau Jaws (1975), mùa hè đã trở thành thời điểm vàng để ra mắt những bộ phim kinh phí lớn. Thời điểm vàng của mùa phim sẽ rơi vào đầu tháng 6, hoặc muộn hơn, khi học sinh trên toàn nước Mỹ đã được nghỉ hè.

Những năm giữa thập niên 1990, việc ra mắt các bộ “phim hè” như Mission: Impossible (1996) hay The Lost World: Jurassic Park (1997) vào tuần cuối cùng của tháng 5 đã bị coi là liều lĩnh; hiếm có như trường hợp của Star War: Episode I - The Phantom Menace ra mắt vào 19/5/1999 - phim sẽ được phát hành vào giữa tháng. Tuy nhiên, khoảng thời gian đầu tháng 5 chưa bao giờ được ưa chuộng, vì nó nằm quá xa khoảng thời gian vàng của mùa hè.

Nguoi Nhen 2002 anh 2

Sau Spider-Man, tuần đầu tiên của tháng Năm trở thành thời điểm vàng để các hãng phim tung ra bom tấn của mình.

Spider-Man cũng không phải bộ phim đầu tiên thử nghiệm việc phát hành vào tuần đầu tiên của tháng Năm. Hãng Universal từng phát hành The Mummy vào 7/5/1999 và phần hậu truyện The Mummy Returns vào 4/5/2001. Năm 2000, Hãng Dreamworks đã ra mắt The Gladiator vào 5/5 và đã thắng đậm khi thu về hơn 34,2 triệu USD trong tuần đầu tiên.

Các bộ phim kể trên đều là dự án lớn, và gặt hái thành công vang dội. Nhưng với Sony, Spider-Man là bộ phim lớn nhất năm, cũng đồng thời là thương vụ đầu tư liều lĩnh nhất của hãng từ trước đến nay. Tuy nhiên, vì muốn vượt mặt bộ phim được trông đợi là bom tấn lớn nhất năm 2002, Star Wars: Episode II – Attack of the Clones ra mắt vào 16/5, Sony đã ấn định ngày ra mắt của Spider-Man vào 2/5/2002, sớm hai tuần so với bộ phim đến từ 20th Century Fox.

Trong những năm tiếp theo, các phần hậu truyện của X-MenMission: Impossible cũng được đặt lịch ra mắt vào tuần đầu tiên của tháng 5. Hãng Paramount cũng công chiếu phần đầu tiên của Iron Man vào 30/4/2008 tại Mỹ.

Từ đó tới 2017, mỗi năm, Marvel Studios đều ra mắt phim mới vào tuần đầu tiên của tháng 5. Sau 2017, Disney nhận ra họ có thể phát hành phim sớm từ cuối tháng tư mà vẫn lôi kéo được một lượng lớn khán giả ra rạp. Kết quả, Avengers: Infinity War ra mắt vào 25/4/2018 và Avengers: Endgame ra mắt vào 26/4/2019 .

Khi Disney khởi động lại thương hiệu Star Wars trên màn ảnh rộng sau 13 năm với Star Wars: Episode VII - The Force Awakens (2015), khán giả và người hâm mộ lâu năm đều kỳ vọng bộ phim sẽ tạo ra doanh thu cao chưa từng thấy kể từ Titanic (1997).

Từ 2015, phim về các siêu anh hùng Marvel đã thống trị phòng vé mùa phim hè, do đó phần phim thứ VII của Star Wars được đặt lịch công chiếu vào 14/12/2015 tại Mỹ và thu về hơn 2 tỷ USD toàn cầu.

Sau 18 năm nhìn lại, kỳ tích từ năm 2002 của Spider-Man giờ đây giống như một lời tiên tri cho tương lai của cuộc cạnh tranh giữa các thương hiệu điện ảnh.

Ryan Reynolds băn khoăn về tương lai ‘Deadpool’ trong tay Disney

Bạo lực và đùa bậy là bản sắc của loạt phim về Deadpool. Do đó, dưới sự can thiệp của Disney tới đây, bản thân Ryan Reynolds cũng cảm thấy mông lung.

Không còn Tony Stark, ai sẽ cứu giúp Người Nhện khi vướng vào lao lý?

Daredevil tỏ ra “kém duyên” với Vũ trụ Điện ảnh Marvel (MCU). Nhưng trong phần phim riêng sắp tới về Người Nhện, anh có thể trở thành vị cứu tinh của Peter Parker.

Anh Phan

Bạn có thể quan tâm