Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sony WF-1000XM3 có phải lựa chọn true wireless tốt nhất giá 5 triệu?

Nếu bạn không dùng đồ Apple, hai chiếc tai nghe true wireless đến từ Sony và Jabra là những sản phẩm đáng cân nhắc nhất trong cùng tầm giá với AirPods.

AirPods của Apple ra mắt năm 2016 đã mở đầu cho trào lưu tai nghe không dây hoàn toàn (true wireless). Sự vượt trội của AirPods nằm ở khả năng kết nối quá dễ dàng với mọi sản phẩm của Apple, cùng với sự tiện lợi khi điều khiển và tích hợp sâu với trợ lý ảo Siri.

Tuy nhiên, với những người không dùng hệ sinh thái của Apple thì AirPods không thể phát huy hết khả năng. Người dùng điện thoại Android, máy tính chạy Windows, do đó, có những lựa chọn đáng tiền hơn từ những nhà sản xuất khác.

danh gia tai nghe Sony WF-1000XM3 anh 1
Đây là 2 chiếc tai nghe true wireless nổi bật nhất trong tầm giá 5 triệu, thay thế cho AirPods nếu bạn không dùng đồ Apple.

Trong tầm giá của Apple AirPods (4,9 triệu cho phiên bản sạc dây), Jabra Elite Active 65t (4,8 triệu) là lựa chọn rất đáng cân nhắc với nhiều kết nối thông minh, chất âm và nhất là khả năng đàm thoại tốt.

Bên cạnh đó, “tân binh” Sony WF-1000MX3 (5,5 triệu) vừa ra mắt vào tháng 7 cũng rất được quan tâm với khả năng chống ồn chủ động, tính năng thường được dành riêng cho những chiếc tai nghe đắt tiền.

Sony ghi điểm tiện dụng, Jabra đeo thoải mái hơn

Hai chiếc tai nghe này có thiết kế rất khác nhau. Sony WF-1000MX3 có kích thước lớn hơn, kiểu dáng hình “viên thuốc” gần giống chiếc WF-1000X thế hệ trước. Trong khi đó kích thước của tai nghe Jabra nhỏ hơn, thiết kế có nhiều đường cong theo hình dáng của tai nên khi đeo vào nhìn gọn, ôm tai hơn.

danh gia tai nghe Sony WF-1000XM3 anh 2danh gia tai nghe Sony WF-1000XM3 anh 3
Nhìn ngang mặt, tai nghe của Sony cho cảm giác lớn hơn và nổi bật hơn rõ rệt so với tai Jabra.

Nhìn ngang mặt, tai nghe của Sony cho cảm giác lớn hơn và nổi bật hơn rõ rệt so với tai Jabra.

Trọng lượng mỗi bên tai Jabra khoảng gần 6 gram, trong khi Sony là hơn 8 gram. Con số chênh lệch có thể không lớn, nhưng nếu đeo trong thời gian dài thì việc tai nghe của Jabra nhẹ hơn, ôm tai hơn có thể đem lại cảm giác thoải mái hơn cho người dùng.

Chiếc tai nghe Jabra sử dụng các nút bấm vật lý, nên cho cảm giác khá lỗi thời so với tai Sony. Bù lại, việc trang bị nhiều nút bấm cho phép Jabra tích hợp nhiều tính năng điều khiển ngay trên tai nghe hơn Sony.

Nhìn vào hộp đựng, cũng là bộ sạc của tai nghe, Sony có lợi thế hơn hẳn. Tuy to hơn một chút, hộp sạc của Sony đóng mở và cố định tai nghe đều bằng nam châm, không lo tai bị rơi ra khi lấy hoặc cất. Cả trên hộp lẫn bên trong đều có đèn LED thông báo để người dùng biết được tình trạng pin của tai nghe.

danh gia tai nghe Sony WF-1000XM3 anh 4danh gia tai nghe Sony WF-1000XM3 anh 5
Hộp đựng của WF-1000XM3 có nam châm, giúp mở và cất tai nghe dễ dàng hơn.

Trong khi đó, hộp tai nghe Jabra có lẫy đóng mở, tai nghe không có nam châm nên đôi khi vẫn gặp tình trạng cho tai nghe vào mà phần chấu sạc không tiếp xúc với hộp. Ngoài ra, tai nghe Jabra vẫn dùng chân sạc MicroUSB khá cũ, trong khi tai nghe Sony đã chuyển sang chân USB-C phổ biến trên smartphone Android tầm trung trở lên.

Tai nghe của Sony không được trang bị khả năng chống nước. Đây không hẳn là một điểm trừ, nhưng nó sẽ không phù hợp khi bạn cần tai nghe để chơi thể thao hoặc đi mưa. Chiếc tai nghe Jabra đáp ứng tiêu chuẩn chống nước IP55, đủ để hoạt động thể thao.

Một lưu ý nhỏ là hộp cả hai tai nghe đều sử dụng chất liệu nhựa mịn, dễ bám vết bẩn và vân tay. Do vậy, những lựa chọn tai nghe tối màu sẽ dễ giữ ngoại hình sạch sẽ hơn sau một thời gian sử dụng.

Cả hai đều thông minh, nhưng Google Assistant của Sony tiện hơn

Hai tai nghe đều được tích hợp kết nối Bluetooth 5.0, đem lại khả năng kết nối ổn định và không có độ trễ khi xem phim, chơi game. Thao tác kết nối với thiết bị trên cả hai sản phẩm đều khá đơn giản, nhanh gọn. Tuy nhiên, tai nghe Jabra có một điểm nổi trội là có thể kết nối cùng lúc với 2 thiết bị, nghe liên tục giữa 2 máy mà không cần ngắt kết nối.

Với Sony, điểm trội nhất trên chiếc tai nghe của họ là được tích hợp Google Assistant. Trợ lý ảo này có thể đọc thông báo trên điện thoại, cho phép bạn trả lời mà không cần mở màn hình. Bên cạnh đó, trợ lý ảo cũng cho phép điều khiển chiếc điện thoại Android cơ bản, điều chỉnh âm lượng hay qua bài thông qua giọng nói.

danh gia tai nghe Sony WF-1000XM3 anh 6
Phần hộp đựng của tai nghe Sony có nhiều đèn để thông báo trạng thái sạc, pin. Phím cảm ứng lớn, dễ bấm và có thể gán chức năng.

Nếu không có Google Assistant, thao tác điều khiển trên chiếc tai nghe Sony sẽ hơi thiếu, bởi tai chỉ có 2 nút cảm ứng. Ứng dụng của Sony cho phép tùy biến chức năng, nhưng thường thì 1 bên đã dành cho Google Assistant, và 1 có thể phải nhường cho chức năng chống ồn. Vì vậy, bạn sẽ buộc phải thao tác điều chỉnh trên điện thoại nếu không dùng Google Assistant.

Chiếc tai nghe Jabra được tích hợp Alexa, nhưng chức năng và cách sử dụng của trợ lý ảo Amazon không thân thiện bằng Google. Bù lại, khi kết nối với điện thoại, Jabra Elite Active 65t cho phép người dùng lựa chọn trợ lý ảo có sẵn trên máy, dù là Google Assistant, Bixby trên điện thoại Samsung, hay Siri trên iPhone.

Tuy không thể đọc tin nhắn và thao tác nhiều như Sony WF-1000MX3, Elite Active 65t vẫn cho phép ra lệnh bằng các trợ lý ảo, và nhỉnh hơn khi muốn dùng với iPhone.

danh gia tai nghe Sony WF-1000XM3 anh 7
Tuy tương thích với thiết bị iOS tốt hơn, tai nghe Jabra Elite Active 65t vẫn điều khiển bằng nút bấm, đem lại cảm giác hơi cũ kỹ so với điều khiển cảm ứng trên tai nghe Sony.

Mặc dù cùng là tai nghe “không dây hoàn toàn”, nhưng chỉ có tai nghe của Sony mới có thể hoạt động độc lập. Điều này có nghĩa bạn có thể nghe bằng chỉ tai trái hoặc tai phải.

Đối với tai nghe Jabra, tai chính là tai phải, âm thanh thực tế được truyền từ tai phải sang tai trái. Do đó, bạn không thể nghe riêng bằng tai trái.

Chống ồn - đặc sản của Sony WF-1000MX3

Chống ồn chủ động (ANC) là tính năng được chú ý nhất của chiếc tai nghe Sony. Nguyên lý hoạt động của chống ồn chủ động là trang bị nhiều micro để thu âm thanh bên ngoài, sau đó phát âm thanh ngược pha để giảm cường độ tiếng ồn xuống.

Đầu tiên, cần khẳng định là khả năng chống ồn của WF-1000MX3 chưa bằng các mẫu tai nghe lớn hơn như WH-1000MX3. Khi ngồi ở những không gian ồn như quán cafe hay đi ngoài đường, bật cả ANC và tai nghe thật khít, bạn vẫn sẽ cảm nhận được âm thanh bên ngoài nếu bật âm lượng thấp và chú ý lắng nghe. Khi bật mức âm lượng khoảng 50% trở lên, âm thanh từ tai nghe sẽ lấn át tiếng ồn.

danh gia tai nghe Sony WF-1000XM3 anh 8
Những micro trên thân tai, kết hợp cùng micro ở mặt dưới giúp thu tiếng ồn xung quanh, ứng dụng cho phương pháp chống ồn chủ động (ANC) trên Sony WF-1000XM3.

So với phương pháp chống ồn thụ động, tức là dùng chính nút khít tai để chống ồn, thì chế độ chống ồn chủ động phát huy tác dụng rõ hơn khi ở những chỗ rất ồn, còn khi ngồi trong văn phòng, trong nhà yên tĩnh thì sự khác biệt không quá lớn. Chiếc Jabra khi đeo khít cũng có thể chống ồn thụ động tương đương tai nghe Sony.

Sony còn trang bị thêm chế độ chống ồn thích nghi. Về cơ bản, máy sẽ sử dụng GPS để xác định bạn đang ngồi làm việc, di chuyển hay hoạt động thể thao để điều chỉnh mức chống ồn phù hợp. Đây cũng là chế độ khá tiện nếu người dùng thường xuyên thay đổi môi trường.

Ngoài ra, cả 2 tai nghe đều có chế độ khuếch đại âm thanh bên ngoài, để sử dụng khi cần nghe âm thanh xung quanh như đang ngồi làm việc, đi bộ trên đường.

Chất âm không mấy khác biệt

WF-1000XM3, xét riêng tới chất lượng âm thanh, vẫn đem lại cảm giác ấm áp đặc trưng không lẫn vào đâu được, thứ mà các fan nói riêng hay những người đã quen với những tai nghe tầm trung của Sony. Chất âm của chiếc tai nghe này mang tới những bản ballad khá ngọt, bù lại nghe rock lại thiếu đi bầu không gian cần có để những bản nhạc bất hủ có thể tỏa sáng.

Trong khi đó, chất lượng âm thanh của Elite Active 65t không khác nhiều so với Sony, vẫn đánh mạnh vào dải âm trung và mid bass rền ấm. Do vậy, chiếc tai nghe của Jabra cũng phù hợp với những người có sở thích nghe “tạp”, nhiều thể loại. Cả 2 chiếc tai nghe đều đem lại âm thanh với độ chi tiết vừa phải, âm trường không mấy ấn tượng.

Về chất lượng đàm thoại, Jabra vẫn nhỉnh hơn. Âm thanh đàm thoại, ghi âm từ chiếc tai nghe Jabra được tái tạo trong, rõ hơn. Nếu thường xuyên phải nghe điện thoại hoặc thu âm, đây cũng là một thứ bạn nên cân nhắc.

Thời lượng pin của Sony WF-1000MX3 vượt trội

Theo thông số, chiếc tai nghe Sony có thể hoạt động liên tục 8 giờ, và hộp sạc được 3 lần, nâng tổng thời gian sử dụng lên 32 giờ khi không chống ồn. Nếu bật chống ồn, thời gian giảm xuống 24 giờ. Trong thực tế sử dụng, không phải lúc nào tôi cũng bật chống ồn, nên tổng thời gian cũng đạt gần 30 giờ.

Trong khi đó, Elite Active 65t có thể nghe được 5 giờ, tổng thời gian 15 giờ. Đây vẫn là một mức tốt, với tôi có thể dùng được cả tuần mới phải sạc. Tuy nhiên, thời gian sử dụng pin của Sony vẫn vượt trội, thêm vào đó kết nối USB-C giúp việc sạc thuận tiện hơn nhiều.

Vậy rốt cục, ai hơn ai?

Qua những trải nghiệm phía trên, có thể thấy Sony WF-1000XM3 là tai nghe “hiện đại” hơn, mang những tính năng như chống ồn, trợ lý ảo hay pin tốt hơn hẳn. Về chất lượng âm thanh thì chiếc tai nghe Sony không nhỉnh hơn, nhưng những điểm cộng phía trên có thể đáng giá so với mức chênh lệch khoảng 700.000 đồng.

danh gia tai nghe Sony WF-1000XM3 anh 9
Ra đời sau, Sony WF-1000XM3 nhỉnh hơn về những tính năng và thời lượng pin, trong khi Jabra Elite Active 65t vẫn ghi điểm về khả năng đàm thoại và chống nước.

Trong khi đó, tai nghe Jabra Elite Active 65t cũng có những điểm mạnh như khả năng đàm thoại, tương thích với thiết bị iOS tốt hơn, chống nước và đeo thoải mái. Dù sao thì đây cũng là mẫu tai nghe ra đời từ năm 2018. Tuy vẫn là một chiếc tai nghe chất lượng, có lẽ chúng ta sẽ phải chờ Jabra ra mắt tai nghe true wireless 2019 để đối đầu cân bằng hơn với chiếc WF-1000XM3.

Trải nghiệm nhanh Sony WF-1000XM3 - chống ồn tốt, pin dung lượng cao Sony WF-1000XM3 là phiên bản kế nhiệm của chiếc WF-1000X ra mắt năm 2017 với một số cải tiến về kết nối, chất lượng âm thanh cùng khả năng chống ồn.

Có 5 triệu nên mua tai nghe True Wireless nào tốt ở Việt Nam?

Mình đang định mua tai nghe True Wireless trong tầm giá khoảng 5 triệu đồng nhưng không biết mẫu nào tốt. Anh, chị nào gợi ý cho em với ạ, em cám ơn.



'Noi so' moi cua nuoc My hinh anh

'Nỗi sợ' mới của nước Mỹ

0

Với việc khoa học và công nghệ nổi lên như một tiền tuyến mới trong căng thẳng Mỹ - Trung, các nhà khoa học đang bắt đầu lo lắng tính tự do trong học thuật có thể bị ảnh hưởng.

Hà My

Bạn có thể quan tâm