Nhiều thương hiệu smartphone lớn một thời như Blackberry, HTC, Nokia và gần đây là LG đang gặp khó trước các hãng Trung Quốc. Tuy nhiên, Sony là một ngoại lệ. Theo Android Authority, Sony đang trở lại với những thành công trong mảng smartphone.
Vào cuối tháng 4, bộ phận phụ trách mảng di động của Sony công bố kết quả kinh doanh của quý I/2021. Đây là đầu tiên trong 5 năm mảng di động của Sony có lợi nhuận, dù con số đó chỉ là 254 triệu USD. Kết quả kinh doanh của hãng trong quý II, dự kiến được công bố trong tuần tới, nhiều khả năng sẽ tiếp tục khả quan.
Sony luôn cố gắng tạo ra các điện thoại giải trí tốt nhất bằng cách kết hợp các công nghệ sẵn có của mình. Ảnh: The Verge. |
Điều đặc biệt là doanh số của hãng cũng đang ở mức thấp nhất trong thập kỷ qua. Trong năm 2020, Sony chỉ bán được 2,9 triệu điện thoại. Ở thời kỳ đỉnh cao, con số này 39,1 triệu máy vào năm 2014. Tuy nhiên, việc mảng di động của hãng vẫn tồn tại và phát triển mới là điều quan trọng.
Thành công nhờ tập trung vào giá trị cốt lõi
Theo nhận định của Android Authority, việc Sony chọn phát triển những thiết bị thú vị, độc đáo và hướng tới thị trường ngách chính là lý do giúp hãng tồn tại.
“Sony đã khiến tôi tin tưởng vào việc có thể tạo ra những chiếc điện thoại tuyệt vời mà không cần thu hút mọi người”, Robert Triggs, tác giả bài viết chia sẻ.
LG và Sony đều là những thương hiệu công nghệ lớn nhưng gặp khó khăn trong thập kỷ vừa qua. Trong khi LG cuối cùng chấp nhận thất bại, Sony đã có lãi trở lại.
Sự khác biệt giữa LG và Sony là hãng điện thoại Hàn Quốc không thể đưa những mẫu smartphone phá cách của mình ra thị trường. Ảnh: The Verge. |
Công ty đã đạt được kết quả trên bằng cách cắt giảm chi phí sản xuất và tăng giá bán trung bình của mình. Flagship Xperia 1 III với mức giá lên đến 1.299 USD (khoảng gần 30 triệu đồng) là minh chứng rõ ràng cho chiến lược này.
LG chưa bao giờ tập trung hoàn toàn vào một thị trường mục tiêu. Hãng Hàn Quốc phát hành một loạt các thiết bị cầm tay khác nhau, một số thiết bị mang tính thử nghiệm nhằm thu hút số đông người tiêu dùng. Điện thoại của LG chưa bao giờ bán với giá cao như dòng Xperia.
Trong khi đó, Sony dành thời gian tìm ra một thị trường thích hợp. Hãng Nhật Bản tăng cường giá trị công nghệ và cố gắng làm hài lòng những khán giả trung thành của mình.
Sau khó khăn trong vài năm qua, Sony đã lật ngược tình thế bằng dòng Xperia 1 cải tiến, tập trung vào việc khắc phục những lời chỉ trích.
Với Xperia 1, Sony lần đầu tiên giới thiệu màn hình OLED 4K HDR 21:9, 3 camera, đưa trở lại giắc cắm tai nghe và giữ lại bộ nhớ có thể mở rộng, biến điện thoại của hãng thành thiết bị đa phương tiện tối ưu.
Không hướng đến số đông, smartphone của Sony dành cho những người dùng chuyên biệt. Ảnh: Sony. |
Dấu hiệu của sự khác biệt
Có lẽ phải mất một hoặc hai phiên bản nữa, những smartphone của Sony mới hoàn thiện. Dòng Xperia 1 và 5 đang nhận được nhiều đánh giá tích cực từ người dùng. Ngoài ra, flagship Xperia 1 III ra mắt đầu năm 2021 là một nỗ lực đáng ghi nhận của đội ngũ Sony.
Từ các số liệu kinh doanh của Sony, có thể thấy hãng không sản xuất điện thoại cho người tiêu dùng phổ thông, nhưng lợi nhuận thu được chứng minh họ không cần phải làm như vậy.
Bằng cách tận dụng màn hình OLED, máy ảnh chất lượng cao và công nghệ âm thanh tốt nhất của mình, Sony chứng tỏ rằng họ có thể tồn tại trong thị trường điện thoại khốc liệt bằng cách phục vụ cho những người dùng đam mê thật sự.
Sony cho thấy hãng vẫn có thể thành công dù không phục vụ người dùng phổ thông. Ảnh: The Verge. |
Thất bại của LG, Blackberry và các hãng khác đã chứng minh việc tạo ra một thị trường ngách bền vững không phải là chuyện dễ dàng, đặc biệt là khi các thương hiệu luôn phải chạy đua với điện thoại giá rẻ của Trung Quốc.
Sony làm chúng ta hi vọng rằng ngành công nghệ này rồi sẽ quay trở lại thời kỳ mà những thương hiệu nổi bật nhờ những điểm riêng biệt, và một hãng điện thoại có thể tạo ra những sản phẩm tốt mà không cần thu hút tất cả người dùng.