Zing lược dịch bài viết của tác giả Robert Triggs, trang Android Authority.
Tôi đã sử dụng chiếc Xperia 1 II của Sony được vài ngày. So với những smartphone Android khác, Xperia 1 II vẫn mang trong mình cái "chất" riêng của Sony.
Trước hết, máy có thiết kế tối giản, vuông vức với tỉ lệ màn hình dài 21:9 rất vừa để cầm bằng một tay.
Thứ hai, cấu hình sản phẩm thuộc dạng cao cấp nhất hiện nay với chip xử lý Snapdragon 865, RAM 8 GB, bộ nhớ trong 256 GB, màn hình hỗ trợ chuẩn dải màu rộng HDR BT.2020, loa stereo với pin dung lượng 4.000 mAh.
Tuy nhiên, Xperia 1 II vẫn mắc một chứng bệnh "kinh niên" của smartphone Sony, nằm ở bộ phận lẽ ra phải là tốt nhất: camera.
Tôi không bàn đến phần cứng bởi Sony từ lâu đã nổi tiếng trong lĩnh vực cảm biến ảnh. Xperia 1 II trang bị 4 camera sau với camera chính, camera telephoto hỗ trợ zoom quang học, camera góc siêu rộng và cảm biến chiều sâu 3D ToF.
Tất cả sử dụng ống kính Zeiss, với những công nghệ, tính năng độc quyền của Sony vốn trước đây chỉ xuất hiện trên dòng máy ảnh Alpha.
Dù trang bị phần cứng tốt, vấn đề lớn nhất nằm ở phần mềm camera kém trực quan, cũng như thuật toán khó hiểu. Với một chiếc smartphone giá nghìn USD, Sony hoàn toàn có thể làm tốt hơn, nhưng có vẻ công ty Nhật Bản vẫn chưa rút ra bài học gì sau những thất bại trong các năm qua.
Cụm camera sau của Xperia 1 II. Ảnh: Android Authority. |
Tại sao cần đến 3 ứng dụng camera khác nhau?
Trước hết, Xperia 1 II được Sony cài sẵn đến 3 ứng dụng camera phục vụ chụp ảnh và quay video. Chúng bao gồm ứng dụng camera mặc định, tiếp theo là Camera Pro cung cấp một số tùy chỉnh nâng cao như ISO, EV, lấy nét, cân bằng trắng, cuối cùng là Cinema Pro với những thiết lập quay phim như ISO, tốc độ màn trập, cân bằng trắng, lấy nét...
Điều khiến tôi khó chịu nhất chính là mỗi ứng dụng phục vụ mục đích riêng, nhưng chúng lại thiếu đi những tính năng quan trọng mà muốn sử dụng thì phải chuyển qua ứng dụng khác. Có lẽ không ai muốn thành thạo đến 3 ứng dụng camera chỉ để phục vụ các nhu cầu cơ bản.
Ba ứng dụng camera mặc định trên Xperia 1 II, lần lượt là app camera mặc định, Camera Pro và Cinema Pro. Ảnh: Android Authority. |
Hầu hết nhà sản xuất khác đều tích hợp mọi công cụ vào một ứng dụng duy nhất. Các thiết lập nâng cao được sử dụng phổ biến, song chưa đến mức cần ứng dụng riêng. Dường như Sony đang đề cao nhu cầu chụp chuyên nghiệp một cách quá mức.
Sẽ tốt hơn nếu Sony kết hợp 3 ứng dụng trên thành một, với những tùy chọn chụp chuyên nghiệp có thể tắt bật cho những ai cần sử dụng.
Khả năng xử lý HDR chưa tốt
Điều khó chịu khác trên camera Xperia 1 II là khả năng phơi sáng và xử lý HDR. Các vùng sáng thường bị cháy sáng, trong khi vùng tối thì lại quá đen và thiếu chi tiết.
Thật khó chịu khi tùy chọn kích hoạt tự động HDR không có trong ứng dụng camera mặc định mà bạn phải chuyển sang Camera Pro. Trong Camera Pro, phần thiết lập HDR tự động cũng được giấu khá kỹ, phải qua 2-3 trang màn hình mới đến nút kích hoạt.
Ảnh chụp từ 3 chế độ: bình thường (app camera mặc định), D-Range Optimiser tự điều chỉnh phơi sáng, tone màu (Camera Pro) và HDR tự động (Camera Pro). Ảnh: Android Authority. |
Dù không quá hoàn hảo, rõ ràng HDR cho khả năng phơi sáng tốt hơn. Nếu đang sở hữu Xperia 1 II, đừng vội chê camera chụp xấu bởi có thể bạn đang sử dụng app camera mặc định không có tùy chọn bật HDR tự động.
Chuyển giữa các camera quá phức tạp
Một vấn đề lớn mà camera Xperia 1 II gặp phải là cách kích hoạt camera góc rộng và camera telephoto không đơn giản như những smartphone khác.
Trên Xperia 1 II, thao tác búng ngón tay sẽ kích hoạt zoom điện tử thay vì zoom quang bằng camera telephoto. Để kích hoạt camera telephoto, bạn phải nhấn vào biểu tượng trên màn hình (camera góc rộng cũng tương tự). Nếu quên nhấn vào biểu tượng kích hoạt camera telephoto, bạn sẽ chụp một bức ảnh zoom rất thiếu chi tiết.
Sự khác biệt rõ rệt giữa zoom điện tử và zoom quang bằng camera telephoto (ảnh mờ hơn, nhợt nhạt hơn là sử dụng zoom điện tử). Ảnh: Android Authority. |
Việc chuyển giữa các camera thậm chí còn khó hơn trong Camera Pro khi phải chỉnh tiêu cự bằng tay. Tuy nhiên, sử dụng bánh xe trên màn hình để chỉnh tiêu cự về 70 mm cũng không kích hoạt camera zoom mà bạn phải nhấn vào menu "ống kính" (Lenses), chọn 70 mm để kích hoạt camera zoom.
Điều đó cũng tương tự với camera góc rộng khi bạn phải chọn tiêu cự 16 mm trong menu để kích hoạt. Một giao diện không trực quan và rất khó sử dụng.
So với việc thu phóng bằng ngón tay để tự động chuyển giữa các camera, thao tác chọn biểu tượng hoặc vào menu của Xperia 1 II cho thấy trải nghiệm người dùng kém cỏi như thế nào.
Tính năng quay phim cũng chẳng khá gì hơn. Bạn không thể zoom khi đang quay phim bằng Cinema Pro, nhưng chuyển sang app camera mặc định thì lại làm được. Ngoài ra, tùy chọn nén x264 hoặc x265 cho video 4K được tích hợp trong app mặc định, nhưng với Cinema Pro thì chỉ có một tùy chọn là x265.
Thậm chí, Cinema Pro có tùy chọn quay phim 4K ở 60 fps, trong khi với ứng dụng mặc định thì nó hoàn toàn "mất tích".
Phần mềm camera kém trực quan của Xperia 1 II gây mất cảm tình. Ảnh: Android Authority. |
"Hãy làm mọi thứ thật đơn giản, Sony"
Sau một thời gian sử dụng Xperia 1 II, có thể nói rằng nếu muốn chụp ảnh, quay phim đẹp thì bạn cần thành thạo cả 3 ứng dụng cài sẵn.
Các quyết định phần mềm khó hiểu của Sony đã khiến một chiếc smartphone với phần cứng camera đến từ nhà sản xuất hàng đầu trở thành một thứ quá "cao siêu" với người dùng.
Trải nghiệm phần mềm camera tệ hại trên Xperia 1 II cho thấy đã nhiều năm trôi qua, ra mắt biết bao đời smartphone nhưng Sony dường như chưa rút ra bài học cho mình.
Tất nhiên, đây không phải trường hợp duy nhất của Sony. Tìm kiếm trên Play Store, bạn sẽ thấy họ phát hành đến 7 ứng dụng PlayStaton cho từng chức năng: Remote Play, kết bạn, nhắn tin...
Phần mềm vẫn là một trong những yếu tố khiến người dùng e dè khi mua smartphone Sony. Nếu không cải thiện sớm, smartphone Sony vẫn sẽ nằm mãi dưới vực thẳm như hiện nay.