Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sống trong khủng hoảng ở tâm bạo loạn tại Kazakhstan

Người dân ở hai thành phố lớn nhất Kazakhstan chia sẻ với Zing về những điều họ trải qua, khi quốc gia Trung Á này đắm chìm trong các cuộc biểu tình và bạo loạn.

Khi cuộc khủng hoảng ập đến, phản ứng đầu tiên của người Kazakhstan là bất ngờ. Họ vốn tin tưởng vào năng lực của chính quyền và quân đội, cũng như không hiểu nguyên nhân bạo lực lan rộng nhanh đến vậy.

Chia sẻ với Zing, hai người dân tại thủ đô Nur-Sultan và thành phố Almaty - tâm điểm của hai tuần bạo loạn - kể về cuộc sống của họ trong những ngày đỉnh điểm của phong trào biểu tình. Việc hàng hóa thiết yếu bị thiếu hụt và Internet bị cắt khiến nhiều hoạt động thường ngày bị đảo lộn. Nhiều người không thể làm việc, trong khi trường học chưa mở cửa lại.

Quan trọng hơn, các sự kiện vừa qua gây đau buồn, giận dữ và để lại vết thương tâm lý trong lòng nhiều người Kazakhstan.

“Kể cả khi bạn không bị đe dọa hay ảnh hưởng trực tiếp, việc không có khả năng liên lạc với mọi người và sự thiếu thông tin thực sự ngột ngạt”, Nazerke Mukhlissova, sinh viên ngành chính trị học, quan hệ quốc tế và lịch sử tại Đại học Nazarbayev, thủ đô Nur-Sultan, nói.

Chuyện không ai ngờ

Đối với Mukhlissova, cuộc khủng hoảng là một bất ngờ lớn.

“Tôi ngạc nhiên khi bạo lực nổ ra. Tuy nhiên, tôi không thể nghĩ đến khả năng tình hình trở nên trầm trọng một cách quá nhanh chóng và quá sớm như vậy”, cô nói với Zing. “Tôi chưa bao giờ nghi ngờ khả năng của giới chức Kazakhstan. Chính phủ Kazakhstan chi khá nhiều tiền hàng năm cho quân sự. Đất nước cũng luôn ổn định”.

khung hoang o kazakhstan anh 1

Các cuộc biểu tình biến thành bạo lực quá nhanh chóng khiến nhiều người Kazakhstan bất ngờ. Ảnh: AP.

“Do đó, khi bạo lực bùng phát và vượt quá giới hạn, cả gia đình tôi nghi ngờ có gì đó không ổn”, Mukhlissova chia sẻ tiếp. “Truyền thông đưa ra nhiều suy đoán, từ lính đánh thuê từ Trung Á, khủng bố nước ngoài đến một cuộc đảo chính không thành nhằm vào chính quyền Tokayev”.

“Thực tế là tôi không tin tưởng bất cứ giả thuyết nào trên đây. Quan trọng hơn, tôi không biết phải tin tưởng điều gì nữa”, cô chia sẻ.

Cách đó hơn 1.000 km, tại thành phố Almaty - tâm điểm của cuộc bạo loạn - Baimen Bibikhan cũng bất ngờ không kém.

“Ban đầu, bạo lực không xuất hiện. Mọi thứ bắt đầu bằng cuộc biểu tình hòa bình ở thành phố Zhanaozen ở miền Tây đất nước, do người dân không hài lòng khi giá nhiên liệu tăng nhanh”, Bibikhan kể lại. “Các thành phố khác bắt đầu tham gia biểu tình. Sau 1-2 ngày, biểu tình lan đến Almaty - thành phố lớn nhất Kazakhstan”.

Tại Almaty, những người tham gia bạo loạn có lúc chiếm sân bay quốc tế, chiếm giữ và phóng hỏa văn phòng thị trưởng thành phố và một số tòa nhà khác, cũng như đốt cháy nhiều xe cộ. Các cửa hàng bị cướp phá. Các cuộc đấu súng nổ ra ngay trên đường phố.

“Quân đội không đủ khả năng để ngăn ngừa bạo loạn. Trong khi đó, những người xấu bắt đầu phá hủy mọi thứ, phóng hỏa các tòa nhà và trộm cắp từ các cửa hàng”, Bibikhan hồi tưởng. “Đám ‘kẻ cướp’ không dừng lại ở đây mà còn gây hại cho dân thường”.

Theo số liệu của giới chức Kazakhstan, 103 trong số 164 trường hợp tử vong do các cuộc biểu tình, bạo loạn xảy ra ở Almaty. Một người họ hàng của Mukhlissova qua đời trong các cuộc bạo loạn trên đường phố Almaty, nhưng cô và gia đình không thể đến chia buồn.

“Giống như thời kỳ Covid-19, chúng tôi không thể đến an ủi gia đình của anh ấy. Do vấn đề an ninh, không thể tới Almaty được”, Mukhlissova nói. “Một lần nữa, chúng tôi bị giam cầm trong bốn bức tường của căn nhà. Điều này đáng lẽ không nên xảy ra”.

khung hoang o kazakhstan anh 2

Văn phòng thị trưởng Almaty bị người biểu tình phóng hỏa. Ảnh: Reuters.


Cuộc sống trong khủng hoảng

Theo Mukhlissova, thủ đô Nur-Sultan (người dân địa phương thường gọi với cái tên Astana) là nơi an toàn nhất trong khủng hoảng.

Nur-Sultan không ghi nhận các cuộc biểu tình lớn như Almaty. Tuy vậy, an ninh cũng được tăng cường, đặc biệt ở các địa điểm quan trọng như phủ tổng thống.

“Mọi thứ rất tĩnh lặng, cả ngày lẫn đêm”, Mukhlissova nói. “Không ai ra đường vì ai cũng cảm thấy sợ hãi. Chúng tôi vẫn được khuyến cáo không ra khỏi nhà trừ khi có công việc thực sự cần thiết”.

Bibikhan cho biết Tổng thống Tokayev đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn đất nước. Tại Almaty, lệnh giới nghiêm được áp đặt từ 23h đến 7h ngày hôm sau.

“Nhiều người không thể đi làm. Giao thông bị ngưng trệ. Tuy vậy, điều quan trọng nhất là an toàn”, cô nói.

Cuộc khủng hoảng cũng gây tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng tại nhiều thành phố Kazakhstan. Bibikhan cho biết các cửa hàng tại Almaty thiếu một số mặt hàng thiết yếu như bánh mì, sữa hay bột. Trong khi đó, theo Mukhlissova, người dân Nur-Sultan cũng đổ xô tới các cửa hàng và siêu thị trong những ngày đầu.

Các nhân chứng cho biết nguồn cung điện, nước không bị ảnh hưởng. “Gia đình tôi chuẩn bị trước một chút nước dự trữ, nhưng điều này là không cần thiết”, Mukhlissova nói.

Tuy vậy, khả năng truy cập Internet rất không ổn định. Có những lúc mạng bị cắt hoàn toàn.

“Anh chị em của tôi, những người đang học tập ở nước ngoài, không thể liên lạc với gia đình. Giao dịch thanh toán điện tử cũng không thể thực hiện được”, Bibikhan kể lại.

khung hoang o kazakhstan anh 3

Bên trong một siêu thị tại Nur-Sultan hôm 7/1. Ảnh: Eurasianet.

“Khi có Internet, tôi đọc nhiều thông tin nhất có thể và thường xuyên kiểm tra điện thoại. Ngày bắt đầu học kỳ mới của tôi ở trường đại học bị lùi xuống ngày 24/1 (trong khi đáng ra chúng tôi bắt đầu đi học từ ngày 10/1). Tôi nghĩ nhiều người không thể đi làm vì không có Internet”, Mukhlissova nói.

Giờ đây, theo Bibikhan và Mukhlissova, mọi thứ đã dần trở lại bình thường. Bibikhan tin tưởng tình hình bạo loạn sẽ không lặp lại trên đất nước mình.

“Tôi tin tưởng chính phủ. Tôi nghĩ họ sẽ không để điều này xảy ra lần nữa”, cô nói.

Trong khi đó, Mukhlissova ít lạc quan hơn. Trong khi lo lắng về khả năng bạo lực tái bùng phát, cô cũng quan ngại về các vấn đề khác mà Kazakhstan có thể phải đối mặt trong tương lai, từ sự gia tăng kiểm soát của nhà nước tới sự hiện diện của quân đội nước ngoài tại quốc gia Trung Á này.

“Bất chấp tất cả những đau buồn, tôi vẫn hy vọng những điều tốt nhất cho đất nước”, cô chia sẻ.

Nga và CSTO ‘dội gáo nước lạnh’ lên tham vọng của Thổ Nhĩ Kỳ

Tham vọng tăng cường vị thế tại Trung Á của Thổ Nhĩ Kỳ đứng trước thử thách lớn khi Kazakhstan - giữa cơn khủng hoảng - đã gọi sự giúp đỡ của CSTO.

Vì sao 'con hổ giấy’ CSTO bất ngờ can thiệp vào Kazakhstan?

Sau 30 năm thành lập, CSTO lần đầu gửi quân can thiệp vào cuộc khủng hoảng của một quốc gia thành viên, hành động có thể khiến thế giới thay đổi quan điểm về tổ chức này.

Việt Hà

Bạn có thể quan tâm