Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nga và CSTO ‘dội gáo nước lạnh’ lên tham vọng của Thổ Nhĩ Kỳ

Tham vọng tăng cường vị thế tại Trung Á của Thổ Nhĩ Kỳ đứng trước thử thách lớn khi Kazakhstan - giữa cơn khủng hoảng - đã gọi sự giúp đỡ của CSTO.

Khi gặp khủng hoảng, chính quyền Kazakhstan hướng đến Moscow để nhờ giúp đỡ, chứ không phải là Ankara. Và chiến dịch của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) góp phần không nhỏ giúp Kazakhstan ổn định tình hình.

“Tôi tự tin rằng nỗ lực chung của chúng ta có thể giúp thiết lập toàn quyền kiểm soát và ổn định tình hình trên khắp đất nước”, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói với các nhà lãnh đạo CSTO.

Giáo sư Michael Tanchum, chuyên gia phân tích địa chính trị tại Viện Trung Đông, Washington, cho biết sự can thiệp của CSTO là “tín hiệu cảnh báo quan trọng” đối với Thổ Nhĩ Kỳ và Tổ chức Các nước Dân tộc Turk - tổ chức quốc tế gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Kazakhstan, Azerbaijan, Uzbekistan và Kyrgyzstan.

“Tham vọng của họ không nên vượt quá những gì họ có thể làm”, ông Tanchum nhận định, theo Nikkei Asia.

Tham vọng to lớn

Sau chiến thắng của Azerbaijan (với sự hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ) trước Armenia năm 2020, vị thế của Ankara gia tăng trong cộng đồng các nước dân tộc Turk.

Tận dụng lợi thế này, Ankara đề xuất đổi tên Tổ chức Hợp tác Các nước nói tiếng Turk thành Tổ chức Các nước Dân tộc Turk. Tổ chức này khánh thành trụ sở mới ở thành phố Istanbul, cũng như ban hành bản kế hoạch đầy tham vọng có tên “Tầm nhìn Thế giới Turk đến năm 2040”.

quan he tho nhi ky kazakhstan anh 1

Tổ chức Các nước Dân tộc Turk được coi là một kênh để Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường ảnh hưởng ở Trung Á. Ảnh: Daily Sabah.

“Thế giới Turk” là thuật ngữ chỉ các nước Tổ chức Các nước Dân tộc Turk, nhưng cũng có thể dùng để chỉ khu vực mà các dân tộc Turk sinh sống tại Tây Á hay Trung Á. Một số bản đồ lan truyền trên mạng xã hội về “thế giới Turk” bao gồm cả các khu vực của Nga và Trung Quốc, gây nên sự quan ngại từ hai cường quốc này.

“Nga phải đối mặt với thực tế địa chính trị mới: Thổ Nhĩ Kỳ trở thành quốc gia có ảnh hưởng gia tăng tại không gian hậu Xô Viết, cũng như có khả năng hướng sự liên kết tới khu vực biển Caspi và Trung Á”, ông Tachum nhận định. “Nga quan sát tiến triển trên với sự quan ngại. Trung Quốc cũng vậy”.

Ông Rich Outzen, cựu nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ, cho rằng cả Nga và Trung Quốc đều có lợi ích tại Trung Á và muốn định hình khu vực này theo mong muốn của mình.

“Đây là bài kiểm tra thực tế cho tham vọng của Thổ Nhĩ Kỳ”, ông Outzen nói. “Mỹ ít quan tâm tới khu vực hơn sau khi rút quân khỏi Afghanistan. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa các cường quốc khác như Nga và Trung Quốc cũng vậy”.

Theo ông Outzen, Tổ chức Các nước Dân tộc Turk đã chậm chân trong vấn đề Kazakhstan. Khác với Azerbaijan, quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các thành viên khác trong khối tiến triển không quá nhanh chóng.

Dù không phải một tổ chức an ninh như CSTO, Tổ chức Các nước Dân tộc Turk có mục tiêu tăng cường hội nhập giữa các quốc gia nói tiếng Turk trên nhiều lĩnh vực từ văn hóa tới cơ sở hạ tầng.

Khi cuộc khủng hoảng tại Kazakhstan bùng phát, khối này - và Thổ Nhĩ Kỳ - cũng không ngồi yên.

Ngày 6/1, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan điện đàm với lãnh đạo nhiều nước Trung Á, bao gồm Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev. Ông Erdogan khẳng định Ankara quan tâm đến tình hình tại đất nước Kazakhstan “hữu nghị và anh em”.

quan he tho nhi ky kazakhstan anh 2

Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ "sự đoàn kết" với Kazakhstan, nhưng không có các hành động trên thực địa như Nga và CSTO. Ảnh: AFP.

Hôm 11/1, các ngoại trưởng của khối tổ chức nhóm họp trực tuyến dưới sự tổ chức của Thổ Nhĩ Kỳ. Đại sứ Kazakhstan tại Ankara Abzal Saparbekuly cho biết nước này không đưa ra lời đề nghị nào đến khối, “nhưng giải thích cặn kẽ tình hình cho các nước thành viên”.

“Đây là điều họ muốn nghe một cách trực tiếp”, ông Saparbekuly nói.

Thách thức đặt ra

Trong khi chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tỏ ra cẩn trọng trước chiến dịch của CSTO và Nga tại Kazakhstan, phe “diều hâu” tại Ankara kêu gọi thành lập một “đội quân tương tự của các nước dân tộc Turk” để phản ứng trước những sự việc như vậy.

Chuẩn đô đốc Cihat Yayci, cựu tham mưu trưởng Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ, công khai bày tỏ mong muốn này với báo giới. Theo ông, việc các lực lượng Armenia đặt chân tới Kazakhstan với danh nghĩa gìn giữ hòa bình là điều “không thể chấp nhận”.

Khi được hỏi về khả năng trên, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar tuyên bố: “Đây đều là các khả năng có thể xảy ra và đều được xem xét. Khi tình hình tiến triển, các biện pháp như vậy có thể được triển khai”.

Ông Akar cũng khẳng định Tổng thống Erdogan chỉ thị lực lượng này chia sẻ mọi thông tin và kinh nghiệm với Kazakhstan.

“Khi có bất cứ đề nghị, nhu cầu và chỉ thị nào như vậy, chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ những người anh em Kazakhstan trên mọi mặt”, ông nói.

Dù Thổ Nhĩ Kỳ đang tăng cường hợp tác an ninh với Kazakhstan qua xuất khẩu trang thiết bị quốc phòng, đào tạo nhân lực và tập trận chung, quy mô hợp tác vẫn là rất nhỏ so với quan hệ giữa Kazakhstan và Nga.

quan he tho nhi ky kazakhstan anh 3

Binh lính Nga tại thành phố Almaty, Kazakhstan hôm 11/1. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga.

Hôm 11/1, Tổng thống Kazakhstan Tokayev tuyên bố các binh sĩ CSTO chuẩn bị rời quốc gia này khi “nhiệm vụ đã hoàn thành”. Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu chuẩn bị lên đường thăm Trung Quốc.

Bà Ogul Tuna, nhà nghiên cứu về không gian hậu Xô Viết tại Đại học California, Irvine, nhận định chuyến thăm của ông Cavusoglu tới Trung Quốc là nỗ lực để cân bằng với Nga, cũng như đảm bảo Ankara không hướng đến việc “hợp nhất các quốc gia của người Turk”.

Ông Outzen cũng có chung nhận định trên. Theo nhà nghiên cứu này, ông Cavusoglu sẽ khẳng định các cuộc bạo loạn tại Kazakhstan không được gây ra bởi các phần tử thân Thổ Nhĩ Kỳ.

“Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ giải thích cho Bắc Kinh rằng Tổ chức Các nước Dân tộc Turk không gây hại tới lợi ích của Trung Quốc”, ông Outzen nói.

Tại sao Trung Quốc 'đứng ngồi không yên' trước tình hình Kazakhstan?

Với ý nghĩa địa chính trị và kinh tế quan trọng của Kazakhstan, chuyên gia nhận định rằng "mất đi tầm ảnh hưởng ở nước này có thể khiến sáng kiến BRI của Trung Quốc thất bại".

Cuộc 'chuyển giao quyền lực' đằng sau khủng hoảng Kazakhstan

Bất ổn nhiều ngày qua phơi bày phần nào căng thẳng chính trị âm ỉ trong lòng Kazakhstan: Làm sụp đổ di sản của ông Nazarbayev và tạo cơ hội nắm thực quyền cho Tổng thống Tokayev.

Việt Hà

Theo Nikkei Asia

Bạn có thể quan tâm