Chiều thứ tư hàng tuần, Hải Đăng cùng nhóm bạn lại rủ nhau trèo lên những ống cống bằng bê tông chất đầy ven con đường trục chính dẫn vào thôn Ải. Quá trình đô thị hóa lan dần đến Hoài Đức, một huyện được Hà Nội quy hoạch trở thành quận trước năm 2025. Nhà cửa, hạ tầng đô thị mọc san sát khiến lũ trẻ mất dần khoảng không gian chơi đùa.
“Chiều thứ tư được nghỉ học là bọn em lại ra đây chơi, mấy năm nay đều như vậy, cũng không nhớ rõ những ống bê tông này có từ bao giờ”, Hải Đăng cùng gần chục người bạn cố gắng leo lên đỉnh những ống cống cao chừng 2 mét bám đầy rêu. Hàng chục ống cống đúc sẵn được xếp liền nhau tạo thành một mặt phẳng, vừa đủ không gian cho chúng chạy nhảy.
Vừa nói, cậu vừa chỉ tay về phía xa, nơi có nhóm trẻ lớn hơn 2 tuổi đang đá bóng trên bãi tập kết cát để thi công tuyến đường vành đai 3,5.
Chính tại con đường thi công dang dở đã 5 năm này, một cậu bé đã không thể trở về nhà sau khi bị ngã xuống vũng nước trong một buổi đá bóng.
Trẻ em vui chơi trên công trường đường vành đai nghìn tỷ chậm tiến độ sau 5 năm khởi công. Ảnh: Hồng Quang. |
"Đường chưa xong, con tôi cũng không về nữa"
Chiều thứ sáu ngày 27/11/2019, kết thúc buổi học, nhóm trẻ trong thôn Ải rủ nhau đi đá bóng, trong đó có Nguyễn Đức Phát (sinh năm 2011).
Bãi cát trên công trường vành đai 3,5 được cả nhóm lựa chọn bởi không gian thoáng đãng và “nếu có ngã sẽ không đau”.
Nhưng hành trình đến với đội bóng của Phát phải dừng lại tại một miệng cống thi công dang dở cách đó vài chục mét. Không nắp đậy, không biển cảnh báo, xung quanh lại phủ đầy cát khiến cậu bé trượt chân ngã xuống phía dưới, nơi ngập nước gần 2 mét.
Cậu bé ngã, và không ai phát hiện.
“Thấy con mãi không về, tôi không nghĩ được gì nữa. Sợ vợ lo lắng nên lẳng lặng cùng một số người trong xóm đi tìm", ông Nguyễn Văn Thọ (bố của Phát) nhớ lại.
Trong cảm thức mơ hồ, ông Thọ kể chưa từng có ký ức nào dai dẳng đến vậy trong suốt nửa đời người. Người đàn ông hơn 40 tuổi ám ảnh bởi khoảnh khắc phát hiện vết trượt trên đống cát. Linh cảm của một người cha cho ông biết đây là điều chẳng lành. Chưa cần ai lên tiếng, ông chạy một mạch về nhà cầm theo chiếc sào dài tới miệng cống. Giây phút mắc được vào áo cậu con trai và đưa thi thể cậu bé lên bờ thường xuyên hiện về trong những giấc mơ của ông, như thước phim quay chậm.
Gần 6 tháng sau lễ tang cậu con trai, vợ ông Thọ rơi vào trạng thái thẫn thờ. Hình ảnh đôi mắt trũng sâu vì thiếu ngủ khiến người phụ nữ tiều tuỵ trông thấy. Bao hy vọng về con đường đổi thay bộ mặt cả xã, giờ hóa thành nỗi đau mất con.
Vụ tai nạn kết thúc bằng lời hứa sẽ đẩy nhanh tiến độ thi công đường vành đai 3,5 của chính quyền. “Sau sự việc đáng tiếc của cháu bé, chúng tôi đã có yêu cầu nhà thầu đảm bảo an toàn tuyệt đối trong quá trình thi công. Khu vực đó cũng đã hoàn thành san lấp”, ông Lý Tiến Quy, Chủ tịch UBND xã Di Trạch, nói.
Ông Nguyễn Văn Thọ, bố của Nguyễn Đức Phát chia sẻ với Zing. Trên tay ông là cô con gái 16 tháng tuổi, niềm hy vọng vơi đi nỗi mất mát của gia đình. Ảnh: Hồng Quang. |
Từ cuối năm 2017, dự án đường vành đai 3,5 (đại lộ Thăng Long, quốc lộ 32) được khởi công xây dựng. Việc thi công sau đó phải trì hoãn ở nhiều đoạn do vướng mặt bằng. Tổng mức đầu tư dự án hơn 1.000 tỷ đồng.
Theo lý giải của nhà chức trách, vướng mắc lớn nhất dự án gặp phải là khu di chỉ khảo cổ Vườn Chuối và hệ thống đường dây điện cao thế 220kV.
Trong khi đó, là đơn vị chức năng phụ trách, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho hay Cục Di sản văn hóa đã thống nhất phương án bảo tồn khu di chỉ và xây dựng hồ sơ xếp hạng di tích. Cơ quan này cũng đưa ra 2 phương án đối với tuyến vành đai 3,5. Phương án thứ nhất là khai quật và chuyển di vật phía tây khu di chỉ trước khi giải phóng mặt bằng, phục vụ xây dựng tuyến đường. Phương án hai là tuyến đường vành đai 3,5 đoạn qua đây sẽ được làm cầu vượt.
Đến nay, sau hơn 5 năm thi công, dự án trọng điểm mới hoàn thành được khoảng 70% tiến độ. Đường dây điện chạy giữa tuyến chưa được di dời. Các giải pháp cho khu di chỉ khảo cổ cũng bất động. Hiện trạng tuyến đường dài 4 km ngổn ngang, chưa hẹn ngày về đích.
Sơ đồ tuyến đường vành đai 3,5. Trong đó đoạn Thanh Hà - cao tốc Pháp Vân, Võ Văn Kiệt - quốc lộ 32 chưa triển khai. Đoạn đại lộ Thăng Long - quốc lộ 32 đang thi công và đoạn Thanh Hà - đại lộ Thăng Long đã hoàn thiện. Đồ họa: Duy Anh. |
Sống giữa công trường
Hà Nội cuối tháng 10 thời tiết khô hanh, ít mưa nhưng ông Nguyễn Văn Thùy (thôn Ải) vẫn theo thường lệ phải dùng gáo múc nước đọng tiêu thoát cho khoảng đất trước nhà. Đoạn đường vành đai 3,5 chậm tiến độ cộng với hạ tầng chưa hoàn thiện khiến nước thải của hàng trăm hộ dân thôn Ải ứ đọng. Trong thôn, dù khá giả hay không, các gia đình cũng cố chạy vạy để nâng nền nhà lên 40-50 cm.
Đoạn vành đai 3,5 qua xã Di Trạch có khoảng 800 m nằm sát khu vực dân cư thôn Ải. Sau 5 năm chờ đợi, họ bất đắc dĩ phải sinh sống ngay giữa công trường.
“Nước cứ chảy quẩn quanh đây, bốc mùi hôi thối và nhiễu muỗi lắm. Xóm này sốt xuất huyết liên tục”, ông Thùy nói và cho biết viễn cảnh về con đường 8 làn xe trị giá hơn 1.000 tỷ đồng khiến ông không còn cảm thấy quá hào hứng hay chờ đợi.
Cách nhà ông Thùy vài bước chân, khu vườn của gia đình anh Nguyễn Mạnh Trường trơ khấc nhiều gốc cây. Chỉ vào góc vườn giáp bức tường, anh cho biết ngay cả những giống chịu ngập tốt như gần chục gốc sanh này cũng “không sống nổi”. Bao nhiêu gốc bưởi, hồng cũng cứ thế chết dần. Những ngày không mưa, thoát cảnh ngập thì khói bụi lại bủa vây không gian sống của họ.
Từng mảng bụi phủ trắng tường nhà, anh cũng không buồn lau đi. “Lau làm gì, một lúc nữa lại đâu vào đấy. Ở đây người ta quen rồi”, anh Trường nói và chỉ tay về phía nhà hàng xóm, nơi có cậu bé chừng 13 tuổi đang phơi chậu quần áo vừa giặt xong ngay sát công trường.
Đường vành đai 3,5 (đại lộ Thăng Long - quốc lộ 32) ngổn ngang sau 5 năm thi công, dải phân cách giữa được nhân viên bảo vệ một dự án nhà ở tận dụng làm nơi trồng rau. Ảnh: Hồng Quang. |
Hai tòa chung cư CT1, khu đô thị Vân Canh là 2 cao ốc nổi bật giữa khu vực vốn lâu đời sinh sống bằng cách tác nông nghiệp. Cách đây vài năm, nhiều gia đình trẻ chấp nhận mua nhà xa trung tâm để được mức giá tốt đồng thời có không gian hạ tầng thoáng đãng. Nhưng trớ trêu thay khi dọn về, viễn cảnh an cư lại khó thành khi đến mùa mưa là cư dân lại “không có đường về nhà”.
Câu chuyện về cơn mưa lớn hồi cuối tháng 5 được nhiều cư dân ở đây nhắc lại dù không phải là lần đầu lâm vào tình huống này. Một người phụ nữ chừng 35 tuổi nhớ lại khi đó nước ngập gần một tuần. Xe máy, ôtô gầm thấp không thể di chuyển. Để đưa con em đi học, nhiều gia đình đã phải dùng xô chậu, thùng xốp kéo những đứa trẻ đi trên nước. Hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng vì thể mà đình trệ.
Lý giải về nguyên nhân xảy ra ngập úng, ông Phùng Bá Nhân, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Hoài Đức, cho biết nguyên nhân là đường vành đai 3,5 chưa hoàn thành khiến hệ thống thoát nước không thể triển khai.
Trong lúc chờ đường 3,5 hoàn thành, cư dân chung cư CT1 đã quyết định góp tiền làm một con đường đất cắt qua kênh nước nhỏ, nối sang đường tỉnh 422B để thoát khỏi cảnh bị cô lập với bên ngoài trong những ngày mưa ngập.
Tuy nhiên, khi con đường hoàn thành, người dân xã Di Trạch ở bên cạnh đã kéo đến phản đối. Họ cho rằng đoạn đường xây tự phát này sẽ ngăn dòng chảy của kênh thoát nước. Cư dân 2 bên đã lời qua tiếng lại vào hôm 25/5 và suýt xảy ra xô xát.
Không chỉ người dân thôn Ải, con đường gần 4 km thi công dang dở cũng tạo nên khung cảnh đối lập và nguy hiểm ở các khu nhà ở cao cấp trị giá hàng chục tỷ đồng. Ảnh: Hồng Quang. |
Bước sang tháng 10 âm lịch, gia đình ông Nguyễn Văn Thọ lại chuẩn bị cho ngày giỗ của cậu con trai xấu số.
Nhìn vào đám trẻ hàng ngày vẫn ra bãi tập kết cát chơi đùa, ông nhắc nhiều lần về lời kiến nghị dựng rào chắn công trường với khu dân cư sau tai nạn của con trai mình. Khi đó, chính quyền đưa ra lời hứa sẽ thực hiện đồng thời cam kết đẩy nhanh tiến độ thi công đường vành đai 3,5.
Nhưng sau nhiều năm, người dân hụt hẫng nhận ra lời hứa cuối cùng chỉ vẫn chỉ là lời hứa. Đoạn đường vành đai nghìn tỷ vẫn giữ nguyên tình trạng và trở thành nỗi ám ảnh của hàng nghìn người.