Dự án đường Vành đai 3,5 đoạn đại lộ Thăng Long - quốc lộ 32 được khởi công vào tháng 10/2017. Tuyến đường đi qua huyện Hoài Đức với chiều dài khoảng 5,6 km, rộng 60 m, tổng mức đầu tư trên 1.000 tỷ đồng. |
Công trình vốn dự kiến đưa vào sử dụng sau 10 tháng thi công song đến nay vẫn chưa hoàn thành. |
Dự án có điểm đầu tại đại lộ Thăng Long. Khu vực này còn hàng trăm m2 nhà xưởng chưa được di dời. |
Theo quy hoạch, nơi đây là một nút giao khác mức quy mô lớn với nhiều nhánh kết nối đại lộ Thăng Long, đường Vành đai 3.5 (đang xây dựng) và đường Lê Trọng Tấn. |
Đường Lê Trọng Tấn đã hoàn thiện, sẵn sàng kết nối với Vành đai 3,5 (đại lộ Thăng Long - quốc lộ 32), tạo nên trục đường góp phần giảm tải cho tuyến Vành đai 3 và đường 70. |
Điểm cuối của dự án giao với đường 32 tại xã Đức Giang, huyện Hoài Đức, cách khu depot tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội khoảng 900 m. Khu vực này còn vướng mặt bằng liên quan Khu di chỉ khảo cổ Vườn Chuối. |
Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Cục Di sản văn hóa đã thống nhất phương án bảo tồn khu di chỉ và xây dựng hồ sơ xếp hạng di tích. Cơ quan này cũng đưa ra 2 phương án đối với tuyến Vành đai 3,5. Phương án thứ nhất là khai quật và di dời các di tích, di vật phía tây khu di chỉ trước khi giải phóng mặt bằng, phục vụ xây dựng tuyến đường Vành đai 3,5. |
Phương án hai là tuyến đường Vành đai 3,5 đoạn qua khu vực di chỉ sẽ được làm cầu vượt. Hiện, cơ quan chức năng vẫn chưa đưa ra phương án cuối cùng, nhà thầu cho biết chưa thể thi công khu vực này. |
Một số đoạn đã thảm nhựa nhưng hạ tầng kỹ thuật chưa hoàn thiện. |
Dự án chưa hoàn thành cộng với khói bụi mù mịt nhưng nhiều phương tiện bất chấp đi qua. Một số xe bị chặn phải quay đầu. |
Nguyễn Mạnh Cường (18 tuổi, quê Cẩm Khê, Phú Thọ) cùng bố mẹ được nhận làm công nhân cách đây hơn 2 tháng - khi trạng thái bình thường mới được thiết lập. Trung bình một ngày họ nhận được 300.000-400.000 đồng tiền công. Nhiệm vụ là đổ bê tông, thi công hầm đường điện trên tuyến. |
Khu nhà tạm được thiết lập giữa công trường là nơi sống và sinh hoạt của các công nhân. Dự án vướng mặt bằng nên tiến độ thi công chậm, công nhân ngoại tỉnh thi công hạng mục chính của tuyến phải sinh sống ở đây lâu ngày. |
Dải phân cách giữa tuyến được họ tận dụng để trồng nhiều loại rau. |
Những đoạn có mặt bằng sạch được nhà thầu tập trung hoàn thiện kết cấu mặt đường. Khu vực giao với tỉnh lộ 422B được thi công tấp nập. |
Khi hoàn thiện, tuyến đường sẽ có mặt cắt rộng 60 m với 6 làn xe cơ giới và 4 làn xe hỗn hợp. |
Đường chưa hoàn thành nhưng nhiều dự án khu đô thị, nhà ở đơn lẻ đã được xây dựng và rao bán rầm rộ với giá 80-120 triệu đồng/m2 tùy vị trí. |
Đầu năm 2020, huyện Hoài Đức khởi công dự án hạ ngầm tuyến đường dây cao thế 220 kV phục vụ giải phóng mặt bằng đường Vành đai 3,5 với tổng mức đầu tư trên 366 tỷ đồng. Hạng mục này dự kiến hoàn thành trong năm 2021, tuy nhiên đến cuối tháng 12/2021, đường điện vẫn nằm giữa tuyến khiến nhà thầu không thể thi công Vành đai 3,5 đoạn qua xã Di Trạch. |
Đoạn đường chậm tiến độ cộng với hạ tầng chưa hoàn thiện khiến nước thải của hàng trăm hộ dân thôn Ải, xã Di Trạch ứ đọng không lối thoát. |
Gia đình ông Nguyễn Văn Thọ (xã Di Trạch) thường xuyên phải sống chung với vũng nước thải trước sân nhà. "Đi ra, đi vào vẫn phải cố lội qua", ông nói. |
Được kỳ vọng giảm tải cho tuyến Vành đai 3 và kết nối hàng loạt khu vực phía tây Hà Nội, phục vụ nhu cầu đi lại của hàng trăm nghìn dân, nhưng sau hơn 4 năm khởi công đường Vành đai 3,5 đoạn đại lộ Thăng Long - quốc lộ 32 vẫn ngổn ngang, chưa hẹn ngày về đích. |
Dự án Vành đai 3,5 đoạn đại lộ Thăng Long - quốc lộ 32, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Ảnh: Google Maps. |