Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

The Poem

Sống nghĩa là đi…

Cuộc đời là hành trình, không phải là đích đến. Vì thế, “Đi” như là sứ mệnh của tồn tại. Cảm thức ấy hiện ra trong bài thơ “Đi” của Nguyễn Thiên Ngân.

Mỗi một ngày thức dậy

Tôi hiểu mình phải đi

Qua cánh rừng sâu thẳm

Qua nội cỏ thầm thì

Qua những vùng nắng bỏng

Của sa mạc buồn thương

Qua lãnh nguyên gió rát

Nơi cơn mơ phi thường

Tôi tập đi từng chặng

Cùng Người hoặc cô đơn

Tôi giữ cho mình thở

Cả phút bàn tay buông

Tôi có đôi lời hẹn

Với một đôi linh hồn

Chờ nhau trên đỉnh tuyết

Hay cuối bờ mây sương

Tôi đi và tôi biết

Tôi không đi một mình

Bên tôi còn tôi khác

Của một vòng uyên minh

Mỗi một ngày thức dậy

Chúng ta đều phải đi

Dẫu có ngày nằm lại

Chờ niềm đau qua đi.

Lời bình

Bài thơ “Đi” của Nguyễn Thiên Ngân gợi lên ý niệm thường trực về hành trình của con người. Hành trình ấy khắc chạm vào thời gian bóng dáng của sự hiện hữu.

Chúng ta có thể hình dung ra đích đến như một mộng mơ, một ao ước, một dự phóng. Thế nhưng, chẳng ai biết chắc rằng đích đến ấy sẽ luôn như điều mình từng nghĩ. Nơi rừng sâu núi thẳm, nơi nội cỏ thầm thì, nơi lãnh nguyên gió rát, nơi sa mạc bỏng khô… còn ẩn giấu bao điều mà bước chân ngày ra đi nào đâu hay biết.

Hành trình làm nên đời sống. Mỗi sát na là một hiện hữu. Bởi thế, tứ thơ trung tâm là “lên đường” với cơn mơ phi thường. Có thể, trên hành trình ấy ta mang theo lời hẹn đồng hành, cũng có thể chỉ là nỗi cô đơn với chiếc bóng của mình. Nhưng, dù thế nào, vẫn phải “đi” như là định mệnh của tồn tại.

Ta có cô đơn không? Nếu chẳng may điều đó là sự thật, thì “Bên tôi còn tôi khác/ Của một vòng uyên minh”. Vòng uyên minh là sự thức nhận sáng rõ trong tinh thần về lẽ sống, về giấc mơ hiện hữu giữa cuộc đời. Bài thơ mở sâu vào những hành trình thăm thẳm khi ngày kia chẳng may ta nằm lại. Nằm lại, thực ra chỉ là bắt đầu cho một hành trình khác mà thôi!

Giấc mơ tuổi trẻ lạc loài

Bài thơ “Trở về” của Đinh Hoàng Anh gieo vào lòng người những tiếc nuối, ăn năn vì năm tháng dạt trôi, bỏ xứ. Ở đó, trong định mệnh tha hương, con người nhận ra hình bóng của mình.

Ta lớn lên bởi kiếm tìm…

“Bài thơ cũ” của Nguyễn Bình Phương với đề từ “tặng ta”, nhưng có lẽ cũng là tặng “chúng ta” khi nhìn và nghĩ về đời mình.

Nguyễn Thiên Ngân

Bạn có thể quan tâm