Vua George VI và Hoàng hậu Elizabeth trong chuyến thăm Canada. Ảnh: Canadian National Collection. |
Vào cuối mùa xuân năm 1944, John Martin, thư ký riêng của Winston Churchill, nhận được một lá thư từ Cung điện Buckingham. Người đồng cấp tại hoàng gia, thư ký riêng của George VI, Alan Lascelles, mô tả tâm trạng bất an của nhà vua.
Điều quốc vương quan tâm nhất không phải là chiến thắng trong cuộc xung đột lớn nhất trong lịch sử thế giới, mà làm thế nào để hạn chế các hoạt động của người anh trai rắc rối, Công tước xứ Windsor, Edward VIII.
Mối bận tâm của nhà vua
"Vấn đề về tương lai của anh trai có lẽ khiến nhà vua lo lắng sâu sắc và đau khổ hơn bất kỳ việc nào trong số rất nhiều trách nhiệm của ông ấy", Lascelles tiết lộ.
Sự khổ tâm này định hình tư duy của hoàng gia xuyên suốt tác phẩm The Windsors at War của Alexander Larman, một câu chuyện cuốn hút về giai đoạn từ khi Edward thoái vị cho đến khi Thế chiến thứ 2 kết thúc.
Tác giả không đi sâu tìm hiểu thực hư về nhận định của Lascelles. Thay vào đó, câu chuyện sống động vẽ nên chân dung vị vua George VI nghiêm túc, lạnh lùng, đối nghịch với người tiền nhiệm "tự cao, bốc đồng".
Alexander Larman cũng ghi lại những sự hiểu lầm, lục đục nội bộ giữa những người anh em bị chia rẽ về mặt tình cảm, khoảng cách địa lý, quan điểm chính trị, sau thảm họa của việc Edward thoái vị và kết hôn với Wallis Simpson, người từng trải qua 2 lần ly hôn.
Vợ của 2 người đàn ông đóng vai trò duy trì "sự lo lắng tột độ". Một nhà ngoại giao Anh nhận định đây là điểm mấu chốt dẫn đến quan điểm của nhà vua và hoàng hậu về Công tước và Nữ công tước xứ Windsor.
The Windsors at War kể câu chuyện về xung đột trong hoàng gia Anh. Ảnh: Macmillan. |
Nữ công tước thường xuất hiện như một người có quan điểm lấn lướt. Ngược lại, Hoàng hậu Elizabeth mang phẩm chất lôi cuốn và sự khôn ngoan của những người có bản năng cực hữu.
Hiếm khi bà quá đà trong cách hành xử - như trường hợp gây ấn tượng xấu đối với Thủ tướng Pháp Edouard Daladier, khi ông nhận xét bà là "một người phụ nữ quá tham vọng, sẵn sàng hy sinh tất cả quốc gia khác trên thế giới để có thể tiếp tục là Hoàng hậu Elizabeth của nước Anh".
Câu chuyện chưa kể về hoàng gia
Nhà xuất bản và bản thân tác giả đều tuyên bố The Windsors at War là câu chuyện tiếp theo nghiên cứu của Larman về sự thoái vị của Edward VIII, được tiết lộ trong The Crown in Crisis (2020).
Larman viết về cảm giác “đặc quyền” của mình khi đưa ra trước mắt công chúng những câu chuyện chấn động chưa từng được công bố. Nhà xuất bản cũng giới thiệu đây là “một tài liệu gây tranh cãi và có tính chất xét lại lịch sử”.
Theo Telegraph, độc giả phải tự quyết định mức độ “chấn động” của những gì được đề cập trong The Windsors at War, dù ảnh hưởng của họ đối với George VI và Hoàng hậu Elizabeth không đáng kể.
Đôi khi có cảm giác rằng đây là một cuốn sách đề cập đến những tiết lộ "giật gân". Ví dụ, Larman đặt ra câu hỏi về sự liên quan của việc gia đình Windsors ở Bồ Đào Nha vào nửa cuối năm 1940 và vụ đánh bom Cung điện Buckingham vào ngày 13/9.
Dẫu sao, The Windsors at War vẫn mang đến cho độc giả một bức tranh về 2 người đàn ông khác biệt rõ rệt, mỗi người vật lộn với những hoàn cảnh mà họ không thể kiểm soát, mỗi người sẵn sàng đổ lỗi cho người kia về khó khăn của mình.