"Bà đầm thép" Margaret Thatcher. Ảnh: TIME. |
Khi Margaret Thatcher phát biểu bài diễn văn này tại Hội nghị Đảng Bảo thủ vào mùa thu năm 1980, bà đã trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Anh được 18 tháng. Bà đang ở trong tình trạng dầu sôi lửa bỏng bởi chính sách kinh tế và sự thiếu đồng cảm của mình, bởi vì số người thất nghiệp đã vượt quá hai triệu người và vẫn tiếp tục tăng.
Bài phát biểu của Thatcher có thể để cố cứu vãn, để chống chế, hoặc đơn thuần là bất đắc dĩ vì những công kích đảng phái nhàm chán. Nhưng không hề! Với câu nói nổi tiếng “các người muốn thì cứ việc đảo ngược, nhưng quý bà đây sẽ không bàn lùi”, Margaret Thatcher đã giải thích một cách đầy thách thức, làm thay đổi niềm tin của mọi người và bao quát được triết lý kinh tế và đạo đức của mình. Đó là chủ nghĩa Thatcher.
Một bài diễn văn ở một hội nghị đảng thường có nội dung nặng nề, nghiêm túc, lý lẽ rõ ràng và mộc mạc. Sau những ghi nhận bắt buộc phải gửi đến các thành viên nội các khác (không có trong bản trích dẫn này), bà đã nêu những nét chính về niềm tin của mình vào chủ nghĩa trọng tiền, kiểm soát nguồn cung tài chính và nhắm đến mục tiêu lạm phát bất chấp tình trạng thất nghiệp.
Nhưng trọng tâm của bài phát biểu này nằm ở sự tấn công tư tưởng vào khu vực công:
"Nhà nước đã làm tiêu hao xã hội, không chỉ của cải mà còn thế chủ động, năng lượng và ý chí cải tiến và đổi mới cũng như bảo tồn những điều tốt đẹp nhất".
Giờ đây khi đọc những lời lẽ của Thatcher, tôi muốn hét lên qua những trang giấy. Tôi nghĩ về những giáo viên đã trao cho mỗi thế hệ những kĩ năng cũng như ý chí để đổi mới, những bác sĩ và những y tá đã giúp những người đau ốm tìm lại được năng lượng, những người chăm sóc trẻ em, những nhân viên chăm sóc phúc lợi và sĩ quan cảnh sát đã củng cố sức mạnh xã hội và giúp đất nước chúng ta giàu mạnh.
Chín tháng sau bài phát biểu này, tôi và cha đã đồng hành dưới ngọn cờ công đoàn trong cuộc biểu tình chính trị đầu tiên, lúc đó tôi 12 tuổi: Đó là Cuộc biểu tình của người dân đòi việc làm (People’s March for Jobs). Số người thất nghiệp đã tăng lên đến ba triệu. Lượng người trẻ thất nghiệp tăng nhanh. Gia đình tôi và cộng đồng vùng mỏ than mà tôi đại diện hơn 20 năm qua đều tức giận một cách sâu sắc trước những tổn hại mà chính sách của Thatcher gây ra.
Nhưng Margaret Thatcher là thế đấy! Bà khơi dậy phản ứng, chứ không xây dựng sự đồng lòng. Và bà phá vỡ các khuôn mẫu. Margaret Thatcher là con gái của một người bán tạp phẩm ở Grantham, bà học hóa học trong khi rất ít phụ nữ theo học ngành này và tham gia vào chính trị khi mà chính trị là một lĩnh vực đàn ông chiếm phần lớn hơn nhiều so với ngày nay. Điều này cho thấy điều gì đó về thế giới của đàn ông mà Thatcher muốn dự phần đến mức bà đã học cách nói để làm giọng mình trầm hơn.
Rất nhiều phát ngôn đáng nhớ của Thatcher được người khác viết, bao gồm cả người viết bài diễn văn lâu năm của bà là Sir Ronald Miller, người đã viết ra câu “quý bà đây sẽ không bàn lùi” như một câu gợi nhắc đến vở kịch năm 1948 của Christopher Fry, The Lady’s Not for Burning.
Nhưng dù ai viết đi nữa thì câu nói này cũng đã thu hút được sự chú ý của bà. Và lắng nghe bà nói về niềm tin cá nhân của mình cùng lòng quyết tâm khi nói ra những lời ấy, không nghi ngờ gì nữa, Margaret Thatcher đã biến chúng thành của mình.
Còn nhiều việc phải làm để đưa đất nước này đi trên con đường phục hồi và tôi không chỉ muốn nói đến hồi phục kinh tế, mà là một tinh thần độc lập mới và hương vị của thành tựu.
Có đôi khi người ta nói rằng vì quá khứ của chúng ta, mà với tư cách một người dân, chúng ta đã kì vọng quá nhiều và đặt mục tiêu quá xa. Tôi thì không thấy thế. Thay vào đó, đối với tôi, trong suốt cuộc đời hoạt động chính trị, tham vọng của chúng ta cứ thu hẹp lại một cách đều đặn.
Phản ứng của chúng ta với nỗi thất vọng không giúp kéo dài sải chân của mình, mà để rút ngắn khoảng cách đến đích. Nhưng với sự tự tin vào chính bản thân và vào tương lai của chúng ta, tiềm năng của đất nước chúng ta trở nên thật to lớn!
Trong 17 tháng đầu tiên của nhiệm kì này, chính phủ đã đặt nền móng cho sự phục hồi. Chúng tôi đã gánh trách nhiệm nặng nề về lập pháp, một việc mà chúng tôi không định lặp lại nữa bởi vì chúng tôi không có cùng quan điểm với những ảo tưởng xã hội chủ nghĩa rằng thành tựu được đo lường bằng số lượng luật được thông qua. [...]
Dưới thời Geoffrey Howe, nước Anh đã trả được 3.600 triệu đôla nợ quốc tế, khoản nợ đã tăng lên vì những người tiền nhiệm của chúng tôi… Michael Heseltine đã trao cho hàng triệu - vâng, hàng triệu - những người thuê nhà quyền mua nhà riêng. […]
Nhưng những điều này chẳng đem lại mấy lợi ích cho chúng ta, trừ khi ta đạt được mục tiêu kinh tế hàng đầu của mình - đẩy lùi lạm phát. Lạm phát tiêu diệt các quốc gia và xã hội với sức mạnh như đội quân xâm lược. Lạm phát là nguyên nhân của thất nghiệp.
Nó là kẻ thù không đội trời chung của những người có khoản tiết kiệm. Không chính sách mạo hiểm nào đẩy lùi được lạm phát - dù sức hút ngắn hạn của nó lớn đến đâu - có thể đúng. […]
Nhưng có người nói như thể kiểm soát nguồn tiền là một chính sách có tính cách mạng. Tuy nhiên, nó là điều kiện thiết yếu để phần lớn châu Âu lục địa có thể hồi phục. Những quốc gia đó biết điều gì là cần thiết để ổn định kinh tế.
Trước đây, họ đã sống qua thời lạm phát tràn lan; họ biết tình trạng này sẽ dẫn đến tiền mất giá, thất nghiệp ồ ạt và sự đổ vỡ của xã hội. Họ đã quyết tâm không bao giờ đi vào con đường đó nữa.
Ngày nay, sau nhiều năm tự kỉ luật tiền tệ, nền kinh tế của họ đã ổn định, thịnh vượng, có khả năng chống chọi với sự suy thoái kinh tế thế giới hơn chúng ta. […]
Trong khi đó, chúng ta đã phớt lờ những khó khăn và lo lắng đi đôi với tình hình lạm phát tràn lan. Khó khăn lớn nhất là tình trạng thất nghiệp. Hiện tại, đất nước ta đã có hơn hai triệu người thất nghiệp.
Mức độ thất nghiệp ở nước ta hiện nay là một bi kịch nhân loại. Để tôi nói rõ cho khỏi nghi ngờ gì nữa. Tôi quan tâm sâu sắc đến vấn đề thất nghiệp. Nhân phẩm và lòng tự tôn của con người bị suy giảm khi đàn ông và phụ nữ rơi vào tình trạng không có việc làm.
Sự lãng phí tài sản quý giá nhất của một quốc gia - tài năng và sức lực của người dân - khiến chính phủ có nghĩa vụ phải tìm kiếm một phương pháp khắc phục hiệu quả và có tính lâu dài.
Nếu tôi chỉ cần nhấn nút mà thật sự giải quyết được vấn đề thất nghiệp, bạn nghĩ rằng tôi sẽ không nhấn cái nút đó vào ngay lúc này đây sao?
Chẳng lẽ có ai đó lại tưởng tượng rằng có thể đạt được lợi ích chính trị nào dù là nhỏ nhất từ việc để tình trạng thất nghiệp này tiếp diễn sao, hoặc một tôn giáo kinh tế mù mờ nào đó lại yêu cầu tình trạng thất nghiệp này như một phần nghi lễ sao?
Chính phủ này đang theo đuổi chính sách duy nhất, đó là đưa người dân trở lại với những công việc thực sự và lâu dài. Không phải ngẫu nhiên mà những quốc gia mà tôi đã nói đến trước đó có tỷ lệ lạm phát thấp hơn, cũng đồng thời có mức thất nghiệp thấp hơn.
Tôi biết rằng, thực sự có một nỗi lo khác đang ảnh hưởng đến người dân. Mặc dù họ chấp nhận các chính sách của chúng tôi, họ có cảm giác một cách sâu sắc rằng gánh nặng thực hiện thành công chính sách này đổ lên đôi vai của khu vực tư hơn là khu vực công.
Họ nói rằng khu vực công đang được hưởng lợi thế, nhưng khu vực tư nhân đang tạo ra những cú hích, đồng thời duy trì trả lương và lương hưu cho những người trong khu vực công tốt hơn mức họ được hưởng.
Tôi phải nói với các bạn, tôi cũng lo ngại điều đó và tôi hiểu được nỗi phẫn uất của các bạn. Vì thế mà tôi và các đồng nghiệp đã có ý kiến rằng, thêm vào chi tiêu công là lấy đi rất nhiều tiền và nguồn lực mà ngành công nghiệp cần để duy trì hoạt động kinh doanh, chưa nói đến việc mở rộng.
Chi tiêu công càng cao, tình trạng thất nghiệp càng không thể khắc phục và có thể trở thành nguyên nhân chính gây mất việc làm và phá sản.
Đó là lý do tại sao chúng tôi cảnh báo chính quyền địa phương. Bởi vì thuế suất thường là loại thuế lớn nhất mà ngành công nghiệp hiện phải đối mặt, việc tăng thuế có thể làm tê liệt các doanh nghiệp địa phương. Do đó, các hội đồng phải học cách cắt giảm chi phí như các công ty vậy. […]
Nếu tiêu tiền như nước là câu trả lời cho các vấn đề của đất nước chúng ta, thì bây giờ chúng ta đã không có vấn đề gì rồi. Nếu từng có một quốc gia cứ tiêu, tiêu, tiêu và tiêu tiền, thì đó chính là chúng ta.
Ngày nay, giấc mộng đó đã tan tành. Tất cả số tiền đó chẳng đưa chúng ta đi tới đâu cả, nhưng nó vẫn phải đến từ đâu đó.
Những người thúc giục chúng ta nới lỏng thắt chặt tiền tệ, thúc giục chúng ta tiêu nhiều hơn một cách bừa bãi và cho rằng làm như vậy sẽ giúp những người thất nghiệp và những người buôn bán nhỏ đều không phải người tử tế hay tốt bụng.
Họ không phải bạn của những người thất nghiệp hay của những doanh nghiệp nhỏ. Họ đang yêu cầu chúng ta phải lặp lại chính nguyên nhân đã gây ra mọi vấn đề. […]
Nhà nước không tạo ra xã hội lành mạnh. Khi nhà nước trở nên quá lớn mạnh, thì người dân lại càng cảm thấy ít trông cậy vào được. Nhà nước đã làm tiêu hao xã hội, không chỉ của cải mà còn thế chủ động, năng lượng, ý chí cải tiến và đổi mới cũng như bảo tồn những điều tốt đẹp nhất.
Mục tiêu của chúng tôi là khiến người dân càng ngày càng cảm thấy họ có thể trông cậy được ở chúng tôi. Nếu chúng ta không thể tin tưởng vào bản năng sâu thẳm nhất của người dân, thì chúng ta không nên làm chính trị. Một số khía cạnh của xã hội ta ngày nay thực sự xúc phạm những bản năng đó.
Những người chính trực muốn làm một công việc đúng nghĩa, họ không muốn bị kìm hãm, bị đe dọa vì trao giá trị cho đồng tiền. Họ tin rằng lòng trung thực cần phải được tôn trọng, chứ không phải bị chế giễu. Họ nhìn nhận tội phạm và bạo lực như mối đe dọa, không chỉ đe dọa xã hội mà đe dọa cách sống trật tự của chính họ.
Họ muốn các con mình trưởng thành trong những đức tin đó, mà không cần phải sợ rằng, mỗi ngày nỗ lực của mình sẽ thất bại dưới nhân danh tiến bộ hoặc tự do biểu đạt. Thật thế, đó chính là cốt lõi của cuộc sống gia đình. [...]
Một đất nước vĩ đại là một quốc gia được xây dựng từ sự sáng tạo tự nguyện của người dân - niềm tự hào với bản thân của cả nam và nữ ở dân tộc đó đều được đặt nền móng trên nhận thức về những gì họ có thể cống hiến cho cộng đồng và họ cũng tự hào về cộng đồng đó.
Nếu người dân của chúng ta cảm thấy họ là một phần của một đất nước vĩ đại và họ đã chuẩn bị sẵn sàng để nó tiếp tục như thế, thì đất nước chúng ta đã và sẽ vĩ đại.
Vậy thì điều gì có thể ngăn chúng ta đạt được thành tựu này? Điều gì sẽ cản đường chúng ta? Phải chăng là viễn tưởng của một mùa đông bất mãn nữa?
Tôi nghĩ là có thể sẽ như vậy. Nhưng tôi muốn tin vào những bài học nhất định đã được tiếp thu từ thực tiễn hơn, rằng chúng ta đang tiến một cách chậm rãi và đau đớn tới mùa thu của sự thấu hiểu.
Và tôi hi vọng rằng tiếp theo đó sẽ là một mùa đông của những nhận thức thông thường. Còn không thì, chúng ta sẽ đi chệch khỏi mục tiêu của mình.
Đối với những người đang chờ đợi với câu nói cửa miệng “đảo ngược chính sách” yêu thích của giới truyền thông, tôi chỉ muốn nói một điều: “Các người muốn thì cứ việc đảo ngược. Quý bà đây sẽ không bàn lùi.