Vợ ông là nữ hoàng sắc đẹp, quân đội của ông đã lật đổ nhà lãnh đạo Zimbabwe Robert Mugabe và đoàn xe của ông xứng tầm với một tổng thống. Tướng Constantino Chiwenga, người đứng đầu các lực lượng vũ trang cho đến đầu tháng này, đang gặp thời.
Ngày 15/12, đoàn xe 10 chiếc của ông cùng các binh sĩ lăm lăm súng trường AK-47 đã xông vào cuộc họp của Đảng ZANU-PF cầm quyền. Đây là một trong những lần phô trương thanh thế của các tướng lĩnh Zimbabwe kể từ khi tham gia lật đổ Mugabe, người cai trị 37 năm của đất nước, vào ngày 21/11.
Chiwenga, 61 tuổi, được xem là thuộc hạ của chính trị gia kỳ cựu Emmerson Mnangagwa, người vừa thay thế Mugabe giữ chức tổng thống. Mnangagwa, 75 tuổi, biệt danh Cá sấu, đã tuyên thệ nhậm chức vào ngày 24/11 và hứa sẽ tổ chức bầu cử vào năm 2018.
Tuy nhiên, kể từ khi Mugabe bị lật đổ và Mnangagwa lên nắm quyền, động thái của các tướng lĩnh cho thấy tổng thống đương nhiệm chỉ là quân cờ trong chính quyền do quân đội kiểm soát.
Khi quân đội nếm trải quyền lực
Sau một tháng đồn đoán, Chiwenga được chính phủ Mnangagwa bổ nhiệm làm phó tổng thống vào ngày 23/12. Ông cũng được chỉ định giữ chức bộ trưởng quốc phòng vào ngày 29/12, qua đó nắm quyền kiểm soát quân đội.
Báo cáo từ Cơ quan Tình báo Trung ương (CIO) của Zimbabwe được Reuters thu thập càng củng cố nghi ngờ về thực quyền của Mnangagwa. “Các tướng lĩnh đã nếm trải quyền lực và không sẵn sàng buông bỏ. Họ muốn tận hưởng thành quả của việc lật đổ Mugabe”, báo cáo ngày 29/11 ghi nhận.
Một báo cáo khác vào ngày 22/11 mô tả các cuộc đàm phán bí mật để thành lập chính phủ hậu Mugabe. “Chiwenga là người có tiếng nói quyết định vì quyền lực đang nằm trong tay ông ta. Ông hiện là người được nể sợ nhất trong chính quyền, trong đảng cũng như trên khắp đất nước”, báo cáo cho biết.
Đây là những tài liệu mới nhất trong hàng trăm báo cáo tình báo của CIO được tiết lộ từ năm 2009. Những tài liệu trên đã cung cấp thông tin về mọi khía cạnh của đời sống chính trị tại Zimbabwe trong 8 năm qua, bao gồm Mugabe, các lãnh đạo cao cấp nhất của đảng ZANU-PF, quân đội, phe đối lập và cộng đồng doanh nhân da trắng.
Các tướng lĩnh đã nếm trải quyền lực và không sẵn sàng buông bỏ. Họ muốn tận hưởng thành quả lật đổ Mugabe.
Báo cáo của Cơ quan Tình báo Trung ương Zimbabwe ngày 29/11
Trong những ngày tàn của chế độ Mugabe, CIO, cánh tay phải của Mugabe trong việc kiểm soát an ninh quốc gia, chia thành hai phe. Một phe phục vụ lợi ích của Mnangagwa, phe còn lại trung thành với đối thủ chính trị của ông, Grace Mugabe, người vợ 52 tuổi của Mugabe.
Phần lớn nội dung từ các báo báo của CIO là chính xác, bao gồm thông tin tình báo hồi tháng 9 về việc quân đội ủng hộ Mnangagwa, người khi đó là phó tổng thống, tiếp quản chính quyền từ tay Mugabe.
“Ai nói rằng quân nhân thì không nên làm chính trị?”, Tư lệnh Không quân Perrance Shiri, tướng cấp cao được bổ nhiệm vào nội các của Mnangagwa, nói với các phóng viên trong bữa trưa mừng nội các mới nhậm chức vào ngày 4/12. “Tôi là một người Zimbabwe. Tôi có mọi quyền tham gia chính trị của đất nước”, ông tuyên bố.
“Khôi phục dân chủ”
Quá trình lật đổ Mugabe bắt đầu khi quân đội tiến vào Harare vào ngày 14/11 và thông báo trong những giờ đầu tiên vào ngày 15/11 rằng họ đã nắm quyền kiểm soát.
Các xe quân sự xâm chiếm đường phố, tiếng súng và tiếng bom vang lên ở một số khu vực của thủ đô. “Đây không phải là một cuộc đảo chính của quân đội”, Tướng Sibusiso Moyo đọc bản tuyên bố trên truyền hình.
Các tướng lĩnh gọi kế hoạch của họ là “Chiến dịch Phục hồi Di sản”. Họ khẳng định đây là hành động “khôi phục dân chủ” chống lại nhà lãnh đạo 93 tuổi, người không còn đủ tỉnh táo ra quyết định vì bị người vợ trẻ đầy tham vọng thao túng.
Người đứng đầu Tổ chức Tình báo Trung ương Zimbabwe (CIO) Happyton Bonyongwe (trái) và Constantine Chiwenga, chỉ huy quân đội Zimbabwe (giữa), nghe Tổng thống Robert Mugabe nói chuyện tại sân bay Harare, ngày 3/7/2008. Ảnh: AFP/Getty. |
Kể từ khi được bổ nhiệm, Mnangagwa hứa sẽ xây dựng lại quan hệ với phương Tây, bảo vệ các nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức các cuộc bầu cử.
“Tôi sẽ phục vụ đất nước như tổng thống của mọi người dân, bất kể màu da, tín ngưỡng, tôn giáo, bộ tộc hay đảng phái chính trị”, ông phát biểu sau khi nhậm chức. Ông khẳng định tiếng nói của nhân dân chính là “tiếng nói của Chúa”. Tuy nhiên, đối với nhiều người Zimbabwe, hành động đã lấn át lời nói.
Ngày 4/12, Mnangagwa bổ nhiệm Shiri, tư lệnh Không quân, vào chức vụ bộ trưởng Bộ Nông nghiệp. Moyo, vị tướng từng thay mặt quân đội tuyên bố tiếp quản chính quyền, trở thành Ngoại trưởng.
“Mnangagwa đã nắm quyền lãnh đạo nhưng ông ấy không thể làm trái ý các tướng lĩnh đã đưa ông lên nắm quyền”, Martin Rupiya, giáo sư người Zimbabwe tại Đại học Nam Phi ở Pretoria, chuyên gia về quân đội Zimbabwe, nhận định.
Kể từ cuộc chiến tranh du kích chống lại chế độ thuộc địa Anh và sự cai trị của người thiểu số da trắng vào những năm 1960 và 1970, quân đội và các cơ quan tình báo đã đóng vai trò bí mật trong chính trường Zimbabwe. Tuy nhiên, đối với nhiều người Zimbabwe, việc bổ nhiệm quân nhân vào nội các vẫn là một cú sốc.
Việc bổ nhiệm các sĩ quan quân đội đã xóa bỏ những kỳ vọng cuối cùng vào khuynh hướng phi quân sự trong chính trường Zimbabwe.
Piers Pigou, nhà phân tích của Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế
Trong tuyên bố ngày 18/12, phe đối lập Phong trào Thay đổi Dân chủ nhắc nhở đảng cầm quyền rằng “thành viên của các cơ quan an ninh bị Hiến pháp ràng buộc để không đóng vai trò như các nhà hoạt động chính trị của bất kỳ đảng phái chính trị nào".
Nhà phân tích Piers Pigou của Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế cho rằng “việc bổ nhiệm các sĩ quan quân đội cao cấp đã xóa bỏ những kỳ vọng cuối cùng vào khuynh hướng phi quân sự trong chính trường Zimbabwe”. “Đây thực chất là rượu cũ được đựng trong bình mới”, ông nhận xét.
Mỹ và Trung Quốc
Một số nhà ngoại giao phương Tây cho rằng nếu quân đội công khai cai trị thì những nỗ lực phục hồi nền kinh tế Zimbabwe của Mnangagwa sẽ càng thêm khó khăn.
Kể từ năm 2000, khi chính quyền Mugabe tiến hành tịch thu hàng nghìn trang trại của các chủ đồn điền da trắng, GDP của Zimbabwe đã giảm gần một nửa. Hệ thống ngân hàng hứng chịu cuộc khủng hoảng tồi tệ với tỷ lệ lạm phát lên tới 500 tỷ % vào năm 2008.
Để thúc đẩy tăng trưởng, Mnangagwa sẽ cần xóa khoản nợ 1,8 tỷ USD của các chủ nợ đa phương như Ngân hàng Thế giới. Ông cũng cần thu hút các nhà đầu tư tư nhân.
“Đây không phải là chuyện ngày một ngày hai. Họ phải cho thấy quyết tâm thực hiện những gì đã cam kết. Đó là mấu chốt để giải quyết vấn đề”, Christian Beddes, đại diện Zimbabwe của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, nhận định.
Ngoại trưởng Anh Boris Johnson nói với Reuters rằng Anh có thể mở rộng khoản vay bắc cầu để giúp Zimbabwe xóa nợ với Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Châu Phi nhưng sự hỗ trợ này sẽ phụ thuộc vào "tiến trình dân chủ".
Đại sứ Mỹ Harry Thomas tránh dùng từ “đảo chính” để mô tả vụ lật đổ Mugabe, thay vào đó, ông gọi nó là “sự can thiệp quân sự”. Thomas nói rằng chính quyền của Mnangagwa sẽ được đánh giá qua hiệu quả công việc, đặc biệt là liệu họ có thể tổ chức các cuộc bầu cử công bằng vào năm tới hay không.
Một người đàn ông đi ngang qua chiếc xe thiết giáp của quân đội Zimbabwe đỗ tại nút giao thông ở Harare, ngày 15/11. Ảnh: AFP/Getty. |
Trung Quốc cũng là bên quan tâm tới tình hình Zimbabwe. Nước này có các khoản đầu tư và khoản vay đáng kể ở Zimbabwe cùng quan hệ lâu dài với Mugabe, Mnangagwa và Chiwenga.
Phát biểu tại lễ ký kết khoản vay cho sân bay Harare hồi tháng 12, đại sứ Trung Quốc Hoàng Bình nói rằng chính phủ Trung Quốc sẽ "tiếp tục hỗ trợ chính phủ Zimbabwe trong sự phát triển kinh tế của họ".
Kỳ phùng địch thủ
Đối với Chiwenga, việc từ bỏ vị trí tư lệnh các lực lượng vũ trang vào ngày 18/12 là lần đầu tiên ông trút bỏ bộ quân phục sau hơn 4 thập kỷ.
Chiwenga gia nhập quân đội du kích ZANLA của Mugabe do Trung Quốc hậu thuẫn hồi đầu những năm 1970. Ông từng được đào tạo ở Mozambique, Tanzania và Trung Quốc.
Sau khi Zimbabwe giành độc lập vào năm 1980, Chiwenga đã nỗ lực thăng tiến trong thế giới nguy hiểm của lực lượng an ninh Zimbabwe.
Theo thông tin từ báo chí trong nước về thỏa thuận ly hôn với người vợ đầu Jocelyn vào năm 2014, Chiwenga sở hữu bất động sản ở khu thượng lưu Borrowdale Brooke của thủ đô Harare, căn hộ ở Malaysia, công ty du lịch thiên nhiên hoang dã, dàn xe sang trọng và bộ sưu tập trang sức gồm 40 đồng hồ vàng, 40 đôi bông tai kim cương và một vương miện.
Tướng Constantino Chiwenga
(trái), cựu tư lệnh quân đội, tân phó tổng thống, và Tổng thống Zimbabwe Emmerson Mnangagwa trò chuyện trong lễ tuyên thệ nhậm chức ở Harare, ngày 28/12. Ảnh: AFP/Getty. |
Tên tuổi của Chiwenga gắn liền với những chương đen tối nhất trong lịch sử Zimbabwe. Năm 2003, Mnangagwa và Mugabe nằm trong số 77 người Zimbabwe bị chính phủ Mỹ trừng phạt vì “kích động bạo lực chính trị” trong các cuộc bầu cử năm trước.
Chiwenga cũng là nhân vật cao cấp có liên quan gián tiếp trong vụ thảm sát Gukurahundi ở khu vực phía tây Matabeleland năm 1983. Theo ước tính, 20.000 người dân tộc Ndebele ủng hộ phe đối lập của Joshua Nkomo đã bị giết hại.
Năm 2008, lực lượng quân đội do Chiwenga đứng đầu đã trục xuất hàng nghìn thợ mỏ khỏi các mỏ kim cương Chiadzwa ở khu Marange. Trước khi quân đội nhảy vào, Marange mở cửa cho các nhà khai thác quy mô nhỏ.
14 năm làm việc dưới trướng Mnangagwa, người cũng có phần lớn sự nghiệp trong ngành an ninh và tình báo, Chiwenga đã có thời gian dài xây dựng lực lượng và củng cố quyền lực cho mình.
“Các tướng lĩnh muốn Mnangagwa điều hành một hoặc hai nhiệm kỳ trước khi giao lại cho Chiwenga", báo cáo tình báo ngày 29/11 viết. "Họ muốn Chiwenga nắm quyền trong hai nhiệm kỳ trước khi chuyển giao cho vị tướng kế tiếp sẽ được công bố".