Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Linh mục Zimbabwe kể về cuộc thương thuyết để Mugabe từ chức

Là người trung gian cuộc thương thuyết để Mugabe từ chức tổng thống, linh mục Mukonori đã dành nhiều giờ kiên nhẫn đàm phán mà không thu được kết quả gì cho đến khi biến cố xảy ra.

Khi còn là linh mục trẻ, Fidelis Mukonori đã thu thập bằng chứng tội ác trong cuộc nội chiến tàn bạo của Zimbabwe. Các báo cáo được chuyển cho Robert Mugabe, nhân vật lãnh đạo trong các cuộc đấu tranh giải phóng khi đó.

Nhiều thập kỷ sau, Mukonori đã tham gia thuyết phục Mugabe từ bỏ quyền lực. Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên với CNN kể từ cuộc binh biến ở Zimbabwe, Mukonori đã mô tả nhiều giờ thảo luận và tranh cãi tại Dinh Tổng thống, nơi ở và làm việc của Mugabe.

Chiến lược thuyết phục của nhà đàm phán cứng rắn

Mukonori gặp mặt Mugabe hàng ngày kể từ khi lãnh đạo 93 tuổi bắt đầu dẫn dắt đất nước gần 4 thập kỷ trước.

Ông trở thành nhà đàm phán chính vì cả Mugabe và quân đội đều tin tưởng ông. Vị linh mục dòng Tên 70 tuổi của Zimbabwe nói rằng ông từng làm trung gian giữa các đối thủ chính trị không đội trời chung trong quá khứ.

"Tôi là người cứng rắn, khó nhằn. Tôi từng làm việc này rồi", ông nói với CNN.

Mukonori nói chiến lược của ông là không bao giờ tranh cãi với Mugabe mà lắng nghe và thuyết phục Mugabe rằng ông có thể rời chính trường trong danh dự.

tong thong Zimbabwe anh 1
Linh mục Fidelis Mukonori trong cuộc phỏng vấn với CNN. Ảnh: CNN.

"Ông ấy là một nhà hùng biện, một nhà tư tưởng, ông ấy lập luận khôn ngoan với những lý lẽ đanh thép", Mukonori nói. "Vấn đề là làm sao để Tổng thống Mugabe thấy những gì đang xảy ra ở đất nước về mặt kinh tế và chính trị vào thời điểm đó và những mối nguy hại nếu để quân đội tiếp quản".

Mugabe bị quân đội giam giữ khi ông từ chức hôm 21/11. Quân đội được cho là đã án ngữ tại Quốc hội Zimbabwe và Dinh Tổng thống trong nhiều ngày.

"Thực tế là quân đội đã hành động. Mugabe đồng ý rằng có những vấn đề cần giải quyết nhưng ông ấy tự hỏi tại sao lại phải thực hiện theo cách đó", Mukonori nói.

Vì quân đội tuyên bố rằng đây không phải là một cuộc đảo chính mà là một cách để giải quyết trận chiến phe phái trong đảng ZANU-PF nên họ buộc phải khiến Mugabe từ chức hoặc bắt đầu quá trình luận tội phức tạp tại Quốc hội. Chỉ như vậy, việc chuyển giao quyền lực mới theo đúng hiến pháp.

Thời gian càng kéo dài, Mukonori và các tướng lĩnh càng chịu nhiều áp lực. Mukonori cho biết ông đã nhiều lần đảm bảo với Mugabe rằng đóng góp của ông cho Zimbabwe như một anh hùng giải phóng và người cha của đất nước sẽ luôn được ghi nhận.

Dù bị phần lớn dư luận quốc tế phỉ báng nhưng Mugabe vẫn được các lãnh đạo quân đội và đảng cầm quyền tôn kính. "Các tướng luôn tôn trọng ông ấy trong các buổi đàm phán, họ thậm chí còn chào ông ấy. Họ biết ông ấy sẽ muốn ra đi trong danh dự", Mukonori nói.

Mặc dù vậy, Mugabe dường như vẫn quyết tâm bám trụ, thậm chí là chỉ vài tuần nữa.

Chớp thời cơ để đột phá

Một thỏa thuận đã đạt được. Tuy nhiên, sau 37 năm nắm quyền, Mugabe vẫn muốn chuyển giao quyền lực cho Emmerson Mnangagwa, cựu phó tổng thống đang chờ đợi trong cảnh lưu vong và liên tục liên lạc với các tướng.

Khi Mugabe phát biểu trên truyền hình quốc gia vào tối 19/11, hầu như mọi người đều mong ông từ chức. Với các tướng lĩnh đứng hai bên, Mugabe đọc một bài phát biểu dông dài mà không đề cập đến việc từ chức.

Mukonori nói rằng quá trình này đòi hỏi rất nhiều sự kiên nhẫn. "Lắng nghe một người 93 tuổi không giống như lắng nghe một người 23 tuổi hay 17 tuổi", ông nói. Cuối cùng, lời kêu gọi của những người biểu tình Zimbabwe đã thuyết phục ông ra đi.

tong thong Zimbabwe anh 2
Người biểu tình trên đường phố đòi Robert Mugabe từ chức sau khi quân đội tiếp quản. Ảnh: Barcroft.

Khi hàng chục nghìn người Zimbabwe tràn xuống đường phố Harare để yêu cầu Mugabe nhường bước, vị linh mục đã nắm lấy thời cơ để tạo ra bước đột phá.

"Điều đó đã lay chuyển ông ấy. Như thể ông ấy nhận ra rằng họ đang muốn nói như vậy là đủ rồi", Mukonori nói.

Khi Mugabe từ chức, người Zimbabwe ở cả trong và ngoài nước như vỡ òa vì vui sướng. Họ ăn mừng sự kết thúc những ngày tháng cai trị dài đằng đẵng của Mugabe.

Mukonori cho biết cựu tổng thống được mời đến lễ tuyên thệ của Mnangagwa nhưng đã từ chối để tránh gây không khí "căng thẳng".

Mukonori nói ông vẫn trò chuyện với Mugabe hầu như hàng ngày. Ông cho biết cựu tổng thống đã đề nghị làm cố vấn cho tân tổng thống mặc dù đa số người Zimbabwe muốn ông rút lui hoàn toàn.

"Ông ấy không biến mất khỏi cuộc đời, ông ấy không chết. Nhưng ông ấy không còn là tâm điểm của công chúng nữa. Trí óc của ông ấy vẫn nhạy bén và vẫn còn hoạt động", Mukonori nói.

Hashtag tuần qua: Kỷ nguyên mới cho Zimbabwe sau gần 4 thập kỷ Robert Mugabe đã từ chức sau 37 năm cầm quyền, để lại một quốc gia lụn bại. Chính trị gia "cá sấu" Emmerson Mnangagwa nay trở thành tổng thống, mở ra kỷ nguyên mới cho Zimbabwe.

Cựu tổng thống Mugabe muốn làm nông sau khi 'về hưu'

Với sức khỏe tốt, cựu tổng thống Robert Mugabe 93 tuổi đang mong chờ cuộc sống mới, muốn làm nông và sống ở vùng nông thôn của Zimbabwe.

Âm mưu ám sát và sự phản bội: Bí mật đằng sau vụ lật đổ Mugabe

Cuộc binh biến tại Zimbabwe dẫn đến sự ra đi của ông Mugabe là cú chốt hạ trong kế hoạch diễn ra hàng tháng trời, trải dài từ Harare đến Johannesburg đến cả Bắc Kinh.


Tuyết Mai

Theo CNN

Bạn có thể quan tâm