Năm 2005, cả tỉnh Ninh Thuận “sôi sục” khi địa phương được Trung ương chọn làm dự án nhà máy điện hạt nhân 1 và 2.
Ba năm sau, vị trí xây dựng nhà máy được quyết định, hàng trăm hộ dân ở thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, hy vọng cuộc sống sẽ đổi thay khi dự án được triển khai.
Nắm bắt cơ hội dự án mang tầm quốc gia, hàng trăm người đổ về thôn Vĩnh Trường khiến quê nghèo rộn ràng cả đêm lẫn ngày. Từ cửa hàng ăn, quán cà phê đến ngoài chợ không ngớt bàn tán về dự án. Số khác tất bật việc mua bán đất đai.
Thời điểm đó, ông Nguyễn Thành Du, Trưởng thôn Vĩnh Trường, cũng không nghĩ những mảnh đất cằn cỗi, mỗi năm chỉ sản xuất một vụ lại lên giá nhanh như thế.
“Từ 5-10 triệu 1 ha, lên 50-60 rồi cả trăm triệu đồng 1 ha. Đỉnh điểm, có lúc lên 500 triệu đồng 1 ha. Ai cũng đổ xô bán đất”, ông Du nhớ lại.
Đến năm 2009, dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 (xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam) và nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải) được Quốc hội thông qua với tổng công suất 4.000 MW. Nhiệm vụ của dự án là vận động người dân đồng thuận và bố trí tái định cư cho họ tốt hơn nơi ở cũ.
Xóm nghèo xơ xác
Trở lại thôn Vĩnh Trường trên con đường xuyên qua làng với đầy ổ gà và ổ voi. Từ đầu đến cuối làng, đập vào mắt là những ngôi nhà cấp 4 thấp, cũ kỹ do lâu ngày không được nâng cấp, tu sửa. Xóm làng vắng người qua lại.
Những căn nhà cấp 4 thấp, cũ kỹ ở thôn Vĩnh Trường. Ảnh: Xuân Hoát. |
Vừa trở về sau buổi vớt rong, ông Nguyễn Văn Thắng (55 tuổi) cho biết bây giờ ông là lao động duy nhất trong nhà. “Mấy đứa con lớn vào TP.HCM, Bình Dương, làm công nhân, kiếm tiền phụ giúp gia đình. Còn nhà cửa dột nát, hư hỏng hết nhưng không dám sửa vì vướng quy hoạch”, ông nói.
Nhà cửa dột nát, hư hỏng hết nhưng không dám sửa vì vướng quy hoạch.
Ông Nguyễn Văn Thắng
Ông Thắng cho biết khi dự án được triển khai, gia đình rất ủng hộ và mong sớm nhận được đất tái định cư để ổn định cuộc sống. “Chúng tôi chờ mãi không thấy dự án đâu, trong khi cuộc sống ngày càng khó khăn trăm bề”, ông buồn bã.
40 năm làm Trưởng thôn Vĩnh Trường, ông Nguyễn Thành Du chưa lúc nào ngon giấc, nhất là từ khi có dự án điện hạt nhân.
“Hồi công bố địa điểm xây dựng, nhiều người cứ lo bà con sẽ phản đối dự án. Tôi là người đứng trước cán bộ để ‘bảo lãnh’ sẽ không ai phản đối, đơn thư gì và hứa với bà con cứ yên tâm chỉ cần dự án làm lợi cho Nhà nước, cho dân là được”, ông Nguyễn Thành Du nhớ lại.
Trưởng thôn Vĩnh Trường cho biết hơn 260 hộ dân với khoảng 1.000 khẩu gặp khó khăn nhiều năm nay.
Cầm trên tay xấp hồ sơ, đơn thư của người dân đã vay vốn ngân hàng, ông Du cho biết năm 2016, sau khi nhận quyết định bồi thường, nhiều hộ dân đã mang giấy này đi thế chấp, vay tiền làm ăn, trang trải cuộc sống.
“Nghề đi biển, sản xuất nông nghiệp bị đình trệ từ khi có chủ trương đầu tư dự án. Nhiều năm trước, một số người nhận được giấy thông báo đền bù đã đi thế chấp ngân hàng lấy tiền trang trải cuộc sống, chờ nhận tiền đền bù rồi trả lại. Dự án giờ đã dừng triển khai, tiền đền bù chưa được nhận khiến nhiều người lâm cảnh nợ nần”, ông Du cho biết thêm.
Thôn Vĩnh Trường giờ chỉ còn người già, trẻ con còn thanh niên trai tráng bỏ xứ đi mưu sinh vì ở quê quá khó khăn.
Ngồi trong căn nhà cấp 4 nóng hầm hập, ông Trương Văn Hồ lấy điện thoại gọi cho con trai đang ở Bình Dương, hỏi thăm xem đã đi làm lại chưa sau khi cả khu trọ bị phong tỏa vì dịch.
Cả gia đình ông giờ chỉ chờ vào số tiền ít ỏi của cậu con trai làm công nhân gửi về để trang trải cuộc sống. “Tuổi già không còn sức đi biển, tôi chỉ vớt rong, bắt ốc kiếm ăn qua ngày, chưa tính số nợ ngân hàng dù đã được khoanh nợ, nhưng cũng phải trả”, ông Hồ nói.
Mong sớm hết cảnh quy hoạch "treo"
Năm 2016, Quốc hội quyết định dừng chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân ở Ninh Thuận. Nhận được tin, hàng trăm hộ dân ở thông Vĩnh Trường như cởi bỏ nỗi lo dự án hết "treo", người dân có thể sửa chữa nhà cửa, ổn định cuộc sống.
Thế nhưng, 5 năm trôi qua, không ai thông báo sẽ bỏ quy hoạch dự án hay làm gì tiếp theo.
Chúng tôi mong Nhà nước thông báo rõ ràng đất thôn Vĩnh Trường giờ làm gì.
Ông Nguyễn Thành Du
Một trong những mong mỏi lớn nhất của 260 hộ dân thôn Vĩnh Trường như ông Du là quy hoạch dự án sẽ như thế nào. Bởi theo ông, cả mấy trăm hộ dân từ mong ngóng, hy vọng rồi thất vọng. Cuộc sống tạm của cả nghìn người dân rồi sẽ ra sao, còn tương lai cho những đứa trẻ trong làng.
“Giờ dự án điện hạt nhân đã dừng thực hiện. Chúng tôi mong Nhà nước thông báo rõ ràng đất thôn Vĩnh Trường giờ làm gì, quy hoạch tiếp hay bỏ để bà con ổn định cuộc sống, lo cho tương lai", Trưởng thôn Vĩnh Trường mong muốn.
Thôn Vĩnh Trường giờ còn người già và trẻ con. Ảnh: Xuân Hoát. |
Đầu tháng 11, tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết Quốc hội đã quyết định dừng chủ trương thực hiện đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Chủ tịch Quốc hội cho rằng đây là quyết sách quan trọng, đúng đắn và kịp thời.
Về đề án ổn định sản xuất, đời sống nhân dân tại các vị trí trước đây được quy hoạch nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện theo đúng kết luận của Ban Cán sự đảng Chính phủ. Trong đó, Bộ Công Thương cần sớm đề xuất với Chính phủ quyết định thời gian chấm dứt quy hoạch của các dự án nhà máy điện hạt nhân.
Dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 với tổng công suất 4.000 MW, được Ninh Thuận đưa ra vận động sự ủng hộ của người dân tỉnh này từ năm 2005.
Đến năm 2009, dự án được Quốc hội thông qua và đến năm 2012, Bộ Công Thương công bố quyết định phê duyệt quy hoạch địa điểm xây dựng nhà máy.
Dự án dự kiến được khởi công năm 2014, rồi thay đổi địa điểm vào năm 2015. Năm 2016, Quốc hội ra nghị quyết dừng dự án cho đến nay.