Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Sóng gió chỉ mới bắt đầu cho phe đối lập ở Thái Lan

Trao đổi với Zing, các chuyên gia nhận định quá trình lập chính phủ sau bầu cử ở Thái Lan vẫn khó đoán, và sẽ là thách thức không nhỏ với đảng Tiến bước (MFP).

bau cu thai lan anh 1

Ngày bỏ phiếu 14/5 chỉ là điểm bắt đầu cho những vấn đề chính trị phức tạp tại Thái Lan sau bầu cử. Giờ đây các cơ quan giám sát bầu cử sẽ có 3 tháng để xác định kết quả. Cùng với đó là cuộc vận động từ những đảng lớn để thành lập chính phủ đa số tại quốc hội.

Đảng Tiến bước (Move Forward - MFP) bất ngờ dẫn đầu về số ghế thắng cử, song không đồng nghĩa với việc quá trình lập chính phủ của MFP diễn ra êm đẹp.

Trả lời Zing, tiến sĩ Thitinan Pongsudhirak - giáo sư Chính trị và Quan hệ Quốc tế, Đại học Chulalongkorn - cho biết MFP đã thông báo họ có thể lập liên minh với 310 nghị sĩ Hạ viện, đến từ các đảng đối lập. Song, vẫn chưa đủ 376 phiếu để ông Pita có thể trở thành thủ tướng.

Đồng quan điểm, tiến sĩ Napon Jatusripitak (chuyên gia chương trình nghiên cứu Thái Lan, Viện Yusof Ishak), đánh giá thấp khả năng sẽ sớm có chính phủ mới.

"Rất có khả năng bế tắc trong quá trình lập chính phủ, khi liên minh MFP - Pheu Thai không đủ phiếu bổ nhiệm thủ tướng. Trong khi đó, phe bảo thủ vẫn thất thế tại Hạ viện dù có sự ủng hộ từ Thượng viện. Nếu tình hình này kéo dài, những liên minh có thể sẽ thay đổi, dấy lên nguy cơ xuất hiện biểu tình và can thiệp của tòa án hay quân đội”, ông Napon nói.

Ngoài ra, Tòa án Hiến pháp cũng có thể truất quyền giữ chức của ông Pita Limjaroenrat nếu phát hiện sai phạm với ứng viên MFP, cũng như có quyền giải tán chính đảng. Các chuyên gia đề cập đến trường hợp ông Pita bị khiếu nại sở hữu 42.000 cổ phiếu trong công ty truyền thông iTV, vụ việc đang được Ủy ban Bầu cử điều tra.

Hồi năm 2019, ông Prayut Chan-ocha chỉ giành được ghế thủ tướng hơn hai tháng sau ngày bầu cử.

bau cu thai lan anh 2

Phiên họp tại Quốc hội Thái Lan. Ảnh: Thai PBS World.

Quyền lực của quân đội vẫn rất lớn

Kết quả bầu cử đã phản ánh cử tri toàn quốc không dành sự ủng hộ lớn cho các đảng thân quân đội. Tuy nhiên, chính quyền hiện nay có thể gây khó dễ cho các đảng đối lập thành lập chính phủ.

250 thượng nghị sĩ tại Thượng viện - những người ủng hộ quân đội và hoàng gia - có thể bỏ phiếu trắng khi quốc hội bầu thủ tướng, khiến việc lập chính phủ của MFP hay phe đối lập khác bế tắc.

Ngay cả khi phe đối lập hình thành chính phủ mới, Thượng viện vẫn có quyền phủ quyết các dự luật do phe đối lập đưa ra tại Hạ viện. Điều này khiến cho những chính sách cấp tiến của MFP, chẳng hạn lập trường bỏ Điều 112 luật hình sự về việc xúc phạm Hoàng gia Thái Lan, sẽ không được thông qua, khiến các chương trình lập pháp tại quốc hội đình trệ.

bau cu thai lan anh 3

Đảng Quốc gia Thái Lan Thống nhất của Thủ tướng Prayut Chan-ocha không nhận nhiều ghế Hạ viện năm nay, nhưng 250 thượng nghị sĩ ở Thượng viện giúp phe bảo thủ có thể ngăn chặn chính sách cấp tiến của liên minh đối lập. Ảnh: Reuters.

Tiến sĩ Termsak Chalermpalanupap (chuyên gia chương trình nghiên cứu Thái Lan, Viện Yusof Ishak), nhận định việc thay đổi lập trường của các thượng nghị sĩ là rất khó vì đây là những người bảo thủ.

Tại kỳ bầu cử năm 2019, 249 thượng nghị sĩ đã bỏ phiếu cho ông Prayut. Ông đã nhận 500 phiếu bầu để trở thành thủ tướng khi đó, bao gồm 251 phiếu từ 19 đảng tại Hạ viện, ông Termsak nêu với Zing.

Sau ngày bỏ phiếu, Ủy ban bầu cử Thái Lan sẽ có 60 ngày để xác nhận kết quả, có thể kéo dài thêm một tháng trước khi quốc hội chọn ra thủ tướng và nội các. Những cơ quan giám sát như Tòa án Hiến pháp và Ủy ban Quốc gia về Phòng chống tham nhũng được cho là sẽ có những động thái chính trị có thể ảnh hưởng đến kết quả bầu cử, ông Thitinan nói.

Các cơ quan trên đều do Thượng viện bổ nhiệm, và từng ra quyết định giải thể các đảng cũ của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra và gần đây là đảng Tương lai mới, tiền thân của đảng Tiến bước.

“Tuy nhiên, với khoảng 58% phiếu bầu dành cho liên minh MFP và Pheu Thai so với phần còn lại, cuộc chơi quyền lực của các cơ quan ủng hộ phe bảo thủ sẽ hạn chế”, ông Thitinan nói.

Trong bối cảnh việc lập chính phủ gặp thách thức, MFP hôm 19/5 đã có động thái nới lỏng điều kiện lập liên minh.

“Nếu các đảng đồng ý với chúng tôi về Điều 112, chúng tôi sẵn sàng đưa điều này vào thỏa thuận, nhưng nó không phải là một điều kiện để tham gia chính phủ liên minh”, đảng viên Sirikanya Tansakun của đảng MFP nói trong một phát biểu.

Lựa chọn có rơi vào tay Pheu Thai?

Dù MFP dẫn đầu trong kỳ bầu cử, các chuyên gia cho rằng Pheu Thai mới là đảng có nhiều lựa chọn hơn trong việc lập liên minh.

“Pheu Thai đang có vị thế mạnh nhất trong bất kỳ đảng nào. Họ có thể chọn liên minh với phe bảo thủ của quân đội hoặc phe cấp tiến của MFP”, tiến sĩ Michael Montesano (nhà nghiên cứu vấn đề Thái Lan tại Viện Yusof Ishak) nói với Zing. "Tuy nhiên, nhiều cử tri ủng hộ Pheu Thai có thể cảm thấy bị phản bội nếu đảng liên kết với phe bảo thủ".

Nếu MFP không nhận đủ đa số phiếu để thành lập chính phủ, cơ hội tiếp theo sẽ dành cho Pheu Thai.

bau cu thai lan anh 4

Giới chuyên gia đánh giá đảng Pheu Thai của bà Paetongtarn Shinawatra vẫn đang bỏ ngỏ khả năng liên minh với MFP hay các đảng bảo thủ. Ảnh: Reuters.

"Việc lựa chọn liên minh không chỉ còn dựa trên ý thức hệ, mà là khả năng lập chính phủ để thực hiện cam kết với người ủng hộ. Nếu điều 112 trở thành vấn đề gây chia rẽ giữa phe đối lập, Pheu Thai có thể chuyển sang liên minh với các đảng khác như Palang Pracharath (PPRP) của Phó thủ tướng Prawit Wongsuwan (đảng của phe bảo thủ)", tiến sĩ Napon nhận định

Dù cả hai cùng là đảng đối lập, giữa Pheu Thai và MFP có sự cạnh tranh quyết liệt. Về mặt chính sách, Pheu Thai không ủng hộ chính phủ quân đội nhưng nhiều lần khẳng định sẽ tôn trọng hoàng gia, do đó không đồng tình với những lập trường làm suy giảm vai trò của hoàng gia như MFP.

Do vậy, lựa chọn của đảng Pheu Thai trong thời gian tới sẽ tác động lớn đến cục diện quốc hội Thái Lan nhiệm kỳ tới.

Sách hay về Đông Nam Á

Để giúp độc giả hiểu thêm về Đông Nam Á, Zing giới thiệu ba cuốn sách của Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia về chủ đề này: “Cạnh tranh Trung - Ấn tại Đông Nam Á”, “Gắn kết và chủ động thích ứng: Tầm nhìn và triển vọng của ASEAN sau năm 2025” và “Đông Nam Á học - Một số vấn đề về ngôn ngữ và văn hóa”.

> Độc giả có thể xem thêm tại đây.

Vì sao các tập đoàn lớn nhất Thái Lan nín lặng sau 'địa chấn' bầu cử

Khu vực tư nhân lo ngại việc Move Forward không dễ dàng thành lập liên minh cầm quyền sau chiến thắng trong cuộc bầu cử hôm 14/5 có thể dẫn tới khoảng trống chính trị ở Thái Lan.

Đảng thắng lớn thứ ba ở Thái Lan nói bóng gió về lãnh đạo Move Forward

Đảng Bhumjaithai - đảng về thứ ba trong cuộc tổng tuyển cử Thái Lan vừa qua - ngày 17/5 khẳng định sẽ không bầu cho một thủ tướng ủng hộ sửa đổi luật chống khi quân.

Trần Hoàng - Đức Nhân

Bạn có thể quan tâm