Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sông Đồng Nai ô nhiễm khủng khiếp

“Khủng khiếp” - đó là từ mà đại tá Dương Văn Linh, mô tả chất thải đổ ra sông Đồng Nai tại phiên họp lần thứ 9 của Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai.

Tham dự phiên họp ngày 6/11 có đại diện các địa phương liên quan tới sông Đồng Nai gồm: TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Lâm Đồng, Long An, Bình Thuận, Ninh Thuận.

4.500 điểm xả nước thải

Ông Dương Văn Linh, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường, cho biết trên toàn lưu vực hệ thống sông Đồng Nai hằng ngày phải tiếp nhận trên 4.500 điểm xả từ nhiều nguồn nước thải công nghiệp, khai thác khoáng sản, làng nghề, nước sinh hoạt, nông nghiệp, y tế, chăn nuôi...

Cam kết khắc phục

Tại cuộc họp, ông Đinh Quốc Thái - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - được giao nhiệm vụ luân phiên, giữ chức chủ tịch Ủy ban bảo vệ lưu vực hệ thống sông Đồng Nai nhiệm kỳ thứ 3 (2015 - 2017).

Ông Thái cam kết: “Đồng Nai sẽ cùng với các tỉnh thành còn lại khắc phục những hạn chế về môi trường trên sông Đồng Nai, nhất là những vấn đề mang tính chất liên vùng liên ngành”.

Qua kiểm tra, Cục Cảnh sát môi trường phát hiện nhiều doanh nghiệp không xây dựng hệ thống xử lý chất thải hoặc có hệ thống xử lý nhưng không vận hành.

Có doanh nghiệp vận hành không thường xuyên hoặc chỉ để đối phó với cơ quan chức năng. 

Thậm chí, có doanh nghiệp xây dựng hệ thống xả thải bí mật để xả nước thải chưa qua xử lý ra kênh rạch, rồi ra sông.

Đại diện Cục Cảnh sát môi trường cảnh báo: “Các khu đô thị hàng ngày thải nước thải sinh hoạt vào hệ thống sông Đồng Nai - Sài Gòn trên 990.000 m3/ngày trong khi hầu như tất cả đô thị đều chưa có hệ thống xử lý nước thải. 

Khai thác cát bừa bãi trên sông Đồng Nai gây ô nhiễm môi trường.  Ảnh: Hữu Khoa.
Khai thác cát bừa bãi trên sông Đồng Nai gây ô nhiễm môi trường.  

Đó là chưa kể các tỉnh thành trên lưu vực sông còn nhiều bệnh viện tuyến huyện xả thải trực tiếp vào hệ thống nước thải sinh hoạt, đưa vào nguồn nước lưu vực sông...”.

Cào vét lòng sông

Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực sông cũng đưa ra cảnh báo về tình trạng lấn, lấp và nạo vét cát tận thu, bơm hút cát lậu.

Còn Cục Cảnh sát môi trường thì dẫn chứng việc Bộ Giao thông vận tải cấp phép cho nạo vét luồng lạch trên sông nhưng để xảy ra tình trạng móc cát đem đi bán.

“Nạo vét hiện nay đang có vấn đề. Như tại sông Thị Vải, họ nạo bên này đổ bùn bên kia và lấy cát đi bán” - đại diện Cục Cảnh sát môi trường nhấn mạnh.

Giải thích việc cho phép nạo vét, đại diện Bộ Giao thông vận tải cho hay: “Đây là hợp đồng dịch vụ công ích được bộ ủy quyền cho Cục Hàng hải đứng ra ký với nhà đầu tư”. Bộ cho phép thực hiện 53 dự án nạo vét trên cả nước, trong đó có bốn dự án ở sông Đồng Nai.

Dự án cho phép thực hiện nạo vét hai năm nhưng mới một năm thì gặp phải phản ứng của một số tỉnh nên phải đình chỉ một số dự án. 

Theo vị này, việc nạo vét để khơi thông luồng lạch là phải làm nhưng sẽ tính toán lại làm sao để ít ảnh hưởng đến môi trường.

Vụ cá nuôi lồng bè của ngư dân Long Sơn chết trắng vào sáng 6-9 trên sông Chà Và được lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nêu ra như một điển hình trong cuộc họp về ô nhiễm sông Đồng Nai. Ảnh: Đông Hà.
Vụ cá nuôi lồng bè của ngư dân Long Sơn chết trắng vào sáng 6-9 trên sông Chà Và được lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nêu ra như một điển hình trong cuộc họp về ô nhiễm sông Đồng Nai. 

Từ kinh nghiệm xảy ra ở địa bàn, ông Đinh Quốc Thái - chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - nói: “Đổ hết cho Bộ Giao thông vận tải không đúng đâu. 

Các tỉnh không cho làm thì cát đâu nó lấy. Họ nạo vét nhưng múc lên lấy bùn đổ ra, lấy cát đi bán. Nguy hiểm nhất là họ lợi dụng nạo vét để lấy những đồng tiền phi pháp nên phải tính toán vấn đề kiểm soát”.

Ông Trần Văn Nam, Bí thư kiêm chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cũng nói: “Dứt khoát là không cho nạo vét sông Đồng Nai. Trên lưu vực sông này có chín bãi đá ngầm được tính toán phá đi nhưng ngồi lại bàn thì không được vì nó sẽ làm thay đổi dòng chảy”.

Lấp hồ, lấn sông

Cảnh báo về môi trường đang bị xâm hại, Ủy ban bảo vệ lưu vực sông cũng nêu ra thực trạng hiện nay là các địa phương đã và đang xây dựng các khu đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp dọc tuyến sông trên lưu vực sông Đồng Nai.

Cụ thể như vụ lấn sông Đồng Nai ở phường Quyết Thắng (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Việc lấp hồ Bình An và rạch Bà Khám ở phường Bình Thắng (thị xã Dĩ An, Bình Dương).

Theo Ủy ban bảo vệ lưu vực sông Đồng Nai, trong quá trình xây dựng các dự án, các địa phương chưa đánh giá đầy đủ những tác động đối với môi trường. 

Địa phương chưa tham vấn, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn về môi trường cũng như Ủy ban bảo vệ sông...

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Nguyễn Minh Quang, lưu ý: “Nguồn nước có vai trò rất quan trọng, tác động đến 15 triệu dân ở các tỉnh thành lưu vực sông Đồng Nai. 

Đây là vùng kinh tế phát triển năng động nhất hiện nay nhưng không vì thu hút đầu tư mà đánh đổi môi trường”.

Ông Quang đề nghị lãnh đạo các tỉnh thành phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành phải nâng cao vai trò, trách nhiệm trong việc kiểm tra giám sát xả thải và xử lý các vi phạm về môi trường.

500.000 m3 nước thải xả vào sông Đồng Nai mỗi ngày

Tình trạng ô nhiễm nguồn nước của hệ thống sông Đồng Nai đang ở mức báo động. Con sông này đang hứng chịu gần 500.000 m3 nước thải từ các khu công nghiệp, làng nghề... mỗi ngày.

http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/moi-truong/song-dong-nai-o-nhiem-khung-khiep/998656.html

Theo Hà Mi/Tuổi trẻ

Bạn có thể quan tâm