Ngày 6/11, tại UBND tỉnh Đồng Nai, Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực Hệ thống sông Đồng Nai tổ chức phiên họp lần thứ 9. Tại đây, nhiều vấn đề liên quan đến bảo việc bảo vệ môi trường của hệ thống sông được đưa ra phân tích, tìm hướng giải quyết.
Công ty Toàn Thịnh Phát lấp sông Đồng Nai đoạn qua địa bàn phường Quyết Thắng (TP Biên Hòa, Đồng Nai) vào đầu năm 2015. Ảnh: Ngọc An |
Theo đại tá Dương Văn Linh - Phó cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường (Bộ Công an), sông Đồng Nai đang phải hứng chịu lượng nước thải từ các khu công nghiệp, làng nghề, nhà dân. Mỗi ngày, con sông này tiếp nhận gần 500.000 m3 nước bẩn từ 4.500 điểm xả thải.
Các hoạt động lấp sông đã làm thay đổi dòng chảy, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép khiến bờ sông bị sạt lở.
Việc xây dựng đô thị, khu kinh tế ven sông vẫn diễn ra. Trong đó điển hình là việc lấn lấp sông tại khu vực chảy qua địa bàn phường Quyết Thắng (TP Biên Hòa, Đồng Nai) của Công ty Toàn Thịnh Phát.
Khi xây dựng, các địa phương chưa đánh giá đầy đủ tác động môi trường đã gây ảnh hưởng đến dòng chảy tác động xấu đến nguồn nước.
Theo thống kê của ngành chức năng, từ năm 2013 đến nay, lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường trên 11 tỉnh, thành thành viên sông Đồng Nai đã phát hiện trên 2.100 vụ vi phạm và đã xử phạt hơn 100 tỷ đồng. Trong đó, có 15 vụ bị ngành chức năng khởi tố.
Tại phiên họp, ông Nguyễn Minh Quang, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường yêu cầu các địa phương trên hệ thống sông Đồng Nai phải kiểm soát chặt chẽ các nguồn xả thải và có phương pháp xử lý ô nhiễm. Hiện tại, sông Đồng Nai cung cấp nguồn nước cho 15 triệu dân của 11 tỉnh, thành phố nên cần được bảo vệ.
Trong ngày, phiên họp bầu ông Đinh Quốc Thái (Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai) giữ chức Chủ tịch Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai (nhiệm kỳ thứ 3).