Sáng nay 13/6, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề trong chỉ đạo, điều hành kinh tế - xã hội thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. |
Đặt câu hỏi đầu tiên trong phiên chất vấn, đại biểu Huỳnh Nghĩa (đoàn Đà Nẵng) cho biết, thời gian qua dư luận xã hội rất bất bình về việc chặt hàng loạt cây xanh nhiều năm tuổi thay thế cây xanh giá trị thấp ở thủ đô Hà Nội và lấp sông Đồng Nai.
“Cử tri đặt câu hỏi: Có hay không việc đặt lợi ích doanh nghiệp lên trên lợi ích các cộng đồng. Trách nhiệm của 2 địa phương nói trên ra sao? Chính phủ đã chỉ đạo xử lý vấn đề này như thế nào?”- đại biểu Huỳnh Nghĩa hỏi.
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Hà Nội có hơn 1.000 tuyến phố có cây xanh hai bên. Vừa rồi, có dư luận về chặt cây, Thủ tướng đã chỉ đạo kiểm tra. Hà Nội cũng đã chủ động thành lập đoàn thanh tra.
Kết quả cho thấy việc chặt cây trên đường Nguyễn Trãi là do phải làm đường sắt trên cao, theo Luật Đường sắt, phải chặt để đảm bảo an toàn hành lang 15-18 m. Việc chặt cây trên đường Nguyễn Chí Thanh là để cải tạo hàng cây tạp theo đề án trồng mới thay thế cây hư hỏng, ngã đổ.
Qua thanh tra, TP Hà Nội đã rút ra kết luận, đề án làm còn sơ sài, trong quá trình thực hiện có những sai sót nhất định như không công khai dân chủ, không bàn bạc với dân, không hỏi ý kiến các chuyên gia. “Ví dụ người ta thường chặt cây vào buổi tối, dân người ta không hiểu vì sao lại chặt vào buổi tối. Việc sai sót này cũng ở mức độ sai sót” - Phó thủ tướng đánh giá.
Tuy nhiên, Phó thủ tướng cũng cho rằng đề án thay thế cây xanh còn sơ sài, thực hiện có những sai sót; không công khai, không bàn bạc, không hỏi ý kiến nhân dân.
Đối với việc lấp sông ở Đồng Nai, theo dư luận báo chí nêu, Thủ tướng đã chỉ đạo cử đoàn thanh tra liên ngành vào thanh tra, Ủy ban Công nghệ môi trường của Quốc hội cũng vào Đồng Nai xem xét. Kiến nghị chính thức của đòan thanh tra là tạm dừng lấp sông Đồng Nai để đánh giá tác động môi trường, xem lại việc chỉnh dòng chảy như vậy có ảnh hưởng đến các tỉnh khác và đời sống người dân không.
Nợ công gần đụng giới hạn cho phép
Trả lời đại biểu Hoàng Ngân (đoàn TP HCM) về nợ công, Phó thủ tướng cho biết, tỷ lệ nợ công trên GDP của các nước khác nhau, như Nhật Bản, tỷ lệ này đến 300%. Quan trọng nhất là đánh giá khả năng vay và trả nợ thế nào chứ không chỉ nhìn vào khoản vay.
Ở Việt Nam, tỷ lệ nợ công tăng cao hơn tốc độ tăng GDP và hiện nay đã đến 62% GDP trong khi giới hạn Quốc hội cho phép là 65% GDP. Vậy nên Chính phủ cũng rất thận trọng trong việc mở rộng quy mô nợ công.