Với tổng mức đầu tư hơn 535 tỷ đồng, dự án xây dựng hoàn thiện nút giao thông Chùa Bộc - Thái Hà (quận Đống Đa, Hà Nội), là dự án trọng điểm được UBND TP Hà Nội phê duyệt với kỳ vọng tháo gỡ, giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông tại một trong những khu vực chịu nhiều áp lực nhất Quận Đống Đa. |
Dự án có chiều dài 521,03 m, bao gồm các hạng mục nền, mặt đường, cống thoát nước, hệ thống đèn chiếu sáng, cây xanh, vỉa hè, tổ chức giao thông và các công trình phụ trợ khác. |
Theo phương án thiết kế, khi hoàn thiện góc 1/4, phố Chùa Bộc (hướng đi Thái Hà) sẽ được chỉnh trang, cải tạo bên phải tuyến, bắt đầu từ cổng Học viện Ngân hàng qua góc ngã tư, tiếp đến tuyến phố Tây Sơn (hướng đi Nam Đồng), kết thúc tại cổng Đại học Công Đoàn. |
Đầu năm 2023, lực lượng chức năng đã tiến hành giải phóng mặt bằng khoảng 110 hộ dân để phục vụ cho dự án. Dù hiện đã hoàn thành giai đoạn giải phóng mặt bằng, dự án vẫn còn nhiều vấn đề tồn đọng, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân tại khu vực này. |
Bên cạnh việc có nhiều căn nhà dang dở thuộc mặt bằng giải tỏa đã án ngữ hơn một năm nay, nhiều khu vực của dự án cũng đã trở thành nơi tập kết phế liệu xây dựng, rác thải dân sinh. Không chỉ làm mất mỹ quan, đường và vỉa hè bị cày xới còn khiến việc đi lại ngày càng khó khăn hơn. |
Gia đình bà Bình là một trong những hộ dân có diện tích đất thuộc diện giải phóng mặt bằng của dự án. Vì số lượng đất phục vụ cho dự án không lớn, kết cấu nhà ở vẫn khá ổn định, không bị phá dỡ nhiều; gia đình bà Bình vẫn sinh sống tại đây. Sau khi nhận được đền bù với giá 47 triệu đồng/m2, ngôi nhà của bà Bình liền nằm sát dự án và hứng chịu nhiều ảnh hưởng trực tiếp từ công trình. |
Vì đã lớn tuổi và có hai cháu nhỏ, bà Bình ngày càng lo lắng về sức khỏe của gia đình khi tình trạng ô nhiễm môi trường tại đây chưa rõ ngày chấm dứt. Không chỉ hứng chịu bụi bặm từ công trình, mùi hôi thối từ rác thải đổ trộm; gia đình bà Bình và nhiều hộ dân khác còn gặp khó khăn trong vấn đề đi lại. Theo đó, lối vào duy nhất của họ liên tục trở nên sình lầy mỗi lần mưa tới. “Nhà tôi chỉ tranh thủ được chút thời gian buổi sáng từ 6h đến 8h để mở cửa cho thoáng, còn lại đa phần đóng cửa cả ngày”, bà Bình nói. |
Nhiều người dân khu vực cho rằng tiến độ thi công chậm chạp khiến cuộc sống của họ bị ảnh hưởng trong thời gian quá dài. Theo ghi nhận vào sáng 2/4, dự án chỉ có một giám sát, một bảo vệ và hai công nhân phụ trách lu nền đất, tưới nước. Việc thi công diễn ra chủ yếu vào ban đêm nhưng đa phần cũng chỉ có khoảng 3 công nhân phụ trách công việc trong thời gian này. |
Theo đại diện giám sát công trình, dự án hiện vẫn chưa nhận được giấy phép di dời hai cây xanh và hai cột đèn giao thông còn sót lại. “Hai cột đèn giao thông vẫn đang đảm bảo nhiệm vụ điều khiển giao thông, chưa có phương án di dời và việc quản lý hai cây xanh vẫn chưa có đơn vị nhận”, vị này cho biết. |
Vỉa hè phố Chùa Bộc (hướng đi Thái Hà) nằm trong dự án bị đào xới, gồ ghề khiến việc đi lại của người dân trở nên khó khăn khiến nhiều người dân phải đi bộ dưới lòng đường. |
Nhiều cửa hàng kinh doanh dịch vụ tại phố Chùa Bộc bị ảnh hưởng từ khi dự án triển khai như buộc chủ cửa hàng phải di dời hoặc tìm nhà khác để thuê. |
“Lý do khiến cửa hàng vẫn quyết định thuê một mặt bằng đang bị ảnh hưởng từ dự án đường là: vị trí địa lý đã là một trong những điểm nhận diện thương hiệu của quán. Vì vậy, chúng tôi vẫn phải cố bám trụ trên con phố này. Doanh thu hiện tại của quán chủ yếu đến từ tệp khách hàng cũ và đơn đặt hàng online. Khách vãng lai rất ít vì họ có tâm lý không muốn vào một nơi đi lại quá khó khăn và bẩn thỉu. Chúng tôi giờ chỉ mong dự án sớm hoàn thành để việc kinh doanh trở lại như cũ”, quản lý cửa hàng chia sẻ. |
Một đoạn vỉa hè trên con phố này cũng bị chất đầy rác thải dân sinh và rác thải xây dựng. Điều này không chỉ làm mất mỹ quan đô thị mà còn gây ảnh hưởng lớn đến quá trình đi lại, buôn bán và sinh hoạt của người dân nơi đây. |
Bản đồ khu vực thi công trên phố Chùa Bộc (quận Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: Google Maps. |