Trước Tết Nguyên đán 2024 khoảng 2 tuần, nhiều hoạt động giao lưu, buôn bán các loại cây cảnh diễn ra sôi động ở Hà Nội. Trong khuôn khổ lễ hội Hoa đào, quất cảnh 2024 tổ chức tại Phố đi bộ Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ), gian hàng trưng bày các sản phẩm tre cảnh thu hút đông đảo du khách chiêm ngưỡng. |
Với không gian trưng bày rộng hơn 3.000 m2, hàng trăm tác phẩm tre đến từ các nghệ nhân trên cả nước được quảng bá tới du khách. Đây vốn là loài cây quen thuộc, xuất hiện nhiều tại các vùng quê Việt Nam và dần trở thành loại cây lý tưởng để bày trí trong không gian nhà ở. |
Theo chia sẻ của một số nghệ nhân trưng bày tre bonsai tại đây, vì không thể uốn nắn, dễ dàng tạo dáng như cây si, xanh…, những gốc tre có hình thù độc, lạ đều phải sưu tầm hoàn toàn từ tự nhiên. Sau khi tìm và mua lại phôi tre từ người dân các vùng sâu, vùng xa; người sưu tầm phải ủ cho ra rễ; sau đó uốn nắn tán lá theo sở thích. |
Tác phẩm có ý tưởng đặt tên “Phật Bà Quan Âm” là sản phẩm được chị Trần Ngọc Điệp (quận Tây Hồ) sưu tầm từ tỉnh Đắk Lắk. “Trong cả nghìn bụi tre, mới có một gốc tre có hình thù hiếm như vậy. Nên trước mắt, tôi ưu tiên để trưng bày. Về sau, nếu có người thật sự yêu thích, tôi sẽ trao tay. Nhưng chắc chắn cây này phải bán với giá ít nhất 100 triệu đồng”, chị Điệp nói với Tri thức - Znews. |
Bên cạnh sản phẩm có giá trị lên đến cả trăm triệu, chị Điệp còn sở hữu nhiều sản phẩm tre có phân khúc 25 - 30 triệu. Theo chị, yếu tố để đánh giá một cây tre có giá trị cao nằm ở mức độ tròn, đều của đốt; cùng đó là độ mịn của thân tre. “Với tre bonsai, người chơi có xu hướng thích cây có dăm gai nhỏ. Vì vậy, cây tre sở hữu đặc điểm này sẽ có thêm điểm cộng”, chị thông tin thêm. |
Mang 14 tác phẩm tre bonsai độc, lạ từ Quảng Ninh đến Hà Nội để quảng bá, anh Phạm Văn Tùng cho biết anh có sở thích sưu tầm những cây tre có dáng cong quẹo, hàng đột biến, đặc biệt là thân mang hình xoắn ốc. “Tôi từng được khách trả giá 180 triệu cho một cặp tre xoắn ốc. Tuy nhiên tôi không bán vì thấy giá cả chưa hợp lý”, anh Tùng chia sẻ. |
Trong giới chơi tre bonsai, bên cạnh bộ phận thích dòng chuyên tán lá mềm mại, rũ rượi; nhiều người lại đặc biệt thích chơi dòng có phôi quái dị. Trong đó, những sản phẩm sở hữu phôi quái dị đều khó kiếm nên giá cả thường cao gấp 3-4 lần so với loại bình thường. |
Phân khúc tre bonsai được trưng bày nhiều nhất tại đây có giá dao động từ 5 triệu đến 30 triệu đồng/cây. Để tăng giá trị cho tre, người bán thường đầu tư trang trí đa dạng tiểu cảnh. |
Khác với nhiều loại cây cảnh quen thuộc như đào, quất, mai… tre bonsai còn mang thêm ý nghĩa về tinh thần kiên cường, sự linh hoạt khi vừa cứng rắn, vừa mềm dẻo. Trong dịp Tết, cây tre vàng còn được coi là biểu tượng của tài lộc, có ý nghĩa mang đến may mắn và thịnh vượng cho gia chủ. Là du khách tham quan, ông Phạm Văn Tức (quê Thanh Hóa) cảm thấy bất ngờ trước những tác phẩm tre độc, lạ tại đây: “Trước kia, tôi chỉ đa phần nhìn thấy những dáng tre thẳng thông thường. Với sự khác biệt; tôi nghĩ những dáng tre này sẽ sớm trở thành xu hướng chơi cây cảnh dịp Tết”. |
Cũng tại không gian phố đi bộ Trịnh Công Sơn, nhiều gian hàng trưng bày sản phẩm quất, đào cũng thu hút người dân và du khách chiêm ngưỡng. Tuy nhiên, theo ghi nhận từ một số chủ vườn có sản phẩm trưng bày tại đây, đa phần những sản phẩm đẹp đã được bán hết trong thời điểm cận Tết này. |