Trong khuôn khổ Hội sách trực tuyến quốc gia 2020, ông Đỗ Quý Doãn - nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - đã giao lưu với chủ đề “Nền báo chí, xuất bản Việt Nam trong bối cảnh công nghiệp 4.0”.
PGS.TS Nguyễn Văn Dững - nguyên Trưởng khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền và TS Trần Bá Dung - Hội Nhà báo Việt Nam, cùng tham gia giao lưu trực tuyến.
Ông Đỗ Quý Doãn tại Đại hội Đại biểu Hội Xuất bản Việt Nam lần thứ IV. Ảnh: Hoàng Hà. |
Công nghệ đã thay đổi báo chí, xuất bản
Ông Đỗ Quý Doãn kể trước đây, trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, vấn đề đổi mới báo chí đã được đặt ra.
“Đổi mới báo chí thế nào, làm thế nào để có nền báo chí hiện đại là vấn đề đặt ra khi ấy”, ông Doãn nói.
Hiện đại hóa báo chí chỉ có được khi có sự phối hợp từ cơ quan quản lý Nhà nước, Hội Nhà báo, các cơ sở đào tạo báo chí để trang bị kỹ năng báo chí hiện đại, làm cho báo chí đổi mới, bộ mặt báo chí nước nhà theo kịp báo chí thế giới.
Nhìn lại những năm qua, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nói báo chí đã xây dựng được lực lượng, số lượng đầu báo, chất lượng báo chí có bước tiến.
Ở lĩnh vực xuất bản, khi xây dựng Nghị quyết Trung ương 5 đã đưa ra chỉ tiêu quan trọng là sau 5 năm, số lượng sách bình quân mỗi người dân hưởng thụ đạt 3,5 bản.
“Ta phấn đấu mãi, hết 5 năm rồi tới 10 năm mà không đạt được. Đến giờ mới lên hơn 4 bản sách/người”, ông Đỗ Quý Doãn nói. Tuy vậy, trong 4 bản sách, lượng sách giáo khoa, sách tham khảo lớn.
Ông Đỗ Quý Doãn nói các cơ quan quản lý đã xây dựng hành lang pháp lý, cơ chế chính sách để đảm bảo báo chí, xuất bản hoạt động phù hợp xu thế thế giới. Nhiều cơ quan, các tổng biên tập và đội ngũ làm báo thực sự nỗ lực thay đổi.
Sự ra đời của báo chí, xuất bản trực tuyến khẳng định chúng ta đã chọn cho mình phương thức phù hợp trong thời đại công nghệ.
Ông Đỗ Quý Doãn
Công nghệ đã thay đổi toàn bộ phương thức sản xuất, phát hành của báo chí, xuất bản. Nó cũng làm thay đổi thói quen của người đọc.
Điều này buộc chúng ta phải suy nghĩ để tìm ra cái gì phù hợp, tiên tiến và thuận lợi nhất cho công chúng khi tiếp nhận và sử dụng loại hình này trong tương lai.
Không chỉ tác động tích cực, công nghệ còn đặt ra nhiều thách thức với báo chí, xuất bản.
PGS.TS Nguyễn Văn Dững cho rằng ta cần nhận diện những khả năng siêu việt mà nền tảng kỹ thuật công nghệ số đã tạo ra: Siêu kết nối, siêu dữ liệu, siêu tương tác… Những khả năng này tạo ra hệ sinh thái truyền thông online.
PGS Nguyễn Văn Dững đặt câu hỏi báo chí, xuất bản nước ta đã thực sự nắm bắt những xu hướng ấy? Ông cho rằng nếu vẫn còn e dè với công nghệ số, báo chí xuất bản sẽ co lại, nhường chỗ cho mạng xã hội.
Ông Đỗ Quý Doãn cho rằng để sống chung với mạng xã hội, người dùng cần tự tạo "kháng thể". Đồ họa: Hà My. |
Báo chí, xuất bản phải lấy nội dung làm gốc
Bàn về việc phát triển báo chí, xuất bản trong thời đại công nghệ số, PGS.TS Nguyễn Văn Dững cho rằng đổi mới nội dung là thiết yếu. Theo đó, đề tài cần chạm tới sự quan tâm của công chúng. Người làm báo, làm xuất bản phải đáp ứng được những nhu cầu thông tin của công chúng, đồng thời giám sát và phản biện xã hội giúp cho Đảng và Nhà nước có những định hướng chính sách tốt.
PGS Nguyễn Văn Dững nói đề án sách báo tuyên truyền chính sách, pháp luật đã có, nên làm đề án giúp Nhà nước quản lý, giám sát, phản biện xã hội, để chống tiêu cực.
Không chỉ đổi mới nội dung, phương thức phát hành cũng cần thay đổi. Phương thức phát hành ở đây không chỉ làm nội dung online, mà cần chú ý đến mảng phát hành sách, báo in trên mạng.
Ông Dững dẫn chứng qua một đời khủng hoảng, nhiều tờ báo in phương Tây tiếp tục bán được vì họ có nội dung tốt. Đối với ngành sách, một số trang phát hành sách in trên mạng đang chiếm lĩnh thị trường như Amazon ở Mỹ và Tiki ở Việt Nam.
Giới trẻ thích lướt web hơn đọc sách, báo. Sinh viên, học viên cao học cũng mạnh về lướt web.
PGS.TS Nguyễn Văn Dững
PGS.TS Nguyễn Văn Dững cũng đặt ra một thực tiễn là không chỉ báo in gặp khó, báo mạng hiện nay phải cạnh tranh với mạng xã hội. Do đó, tập trung nội dung, phương thức phát hành là rất quan trọng.
Với tác động của công nghệ số, độc giả của báo chí, xuất bản cũng thay đổi. Ngày nay, giới trẻ thích lướt web hơn đọc sách, đọc báo. “Sinh viên, học viên cao học cũng mạnh về lướt web, như vậy khó tiếp cận chiều sâu, có tư tưởng, quan điểm như nghiên cứu sách”, ông Dững nói.
Trước câu hỏi cần quản lý ra sao trước sự bùng nổ thông tin mạng, nhất là fake news thất thiệt, ông Đỗ Quý Doãn cho rằng bên cạnh sự quản lý của Nhà nước, ý thức người dùng là rất quan trọng.
Về mặt quản lý, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho cho rằng quan điểm: “Phát triển đến đâu quản lý đến đó” là phù hợp. Bởi, công nghệ số như dòng thác, ta không chặn dòng chảy của nó, mà quản lý theo kịp dòng chảy của nó.
Ông Đỗ Quý Doãn nêu hiện trạng mạng xã hội có những lời chỉ trích, chửi bới. Dân gian lâu nay vẫn thế. Trước kia, họ ngồi bên bàn chè chén thì chỉ 4, 5 người nghe, còn giờ họ đưa lên mạng xã hội có thể nhiều người thấy.
Vì vậy, ông Doãn đề xuất: “Ta nên sống chung với mạng xã hội. Tuy nhiên, để khỏe mạnh, ta cũng cần vaccine. Ta phải tự tạo kháng thể để khi nghe lời chống đối thì không bị lôi kéo theo, nghe chửi bới vô lối ta không hùa theo”.