Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Lòng nhân ái là đức tính nổi bật của người Nam Bộ'

Bước sang tuổi 99, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư vẫn minh mẫn, tinh tường, khỏe mạnh và say sưa nghiên cứu văn hóa, lịch sử, địa chí của vùng đất Nam Bộ.

Nằm trong chuỗi sự kiện của Hội sách trực tuyến quốc gia 2020 với sự Chỉ đạo tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Đơn vị tổ chức là Cục Xuất bản - In - Phát hành, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư đã có buổi giao lưu với độc giả về chủ đề Vùng đất Nam Bộ qua các tác phẩm đã xuất bản của Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư.

Nha nghien cuu Nguyen Dinh Tu anh 1

Dù đã ở tuổi 99, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư vẫn say sưa với công việc nghiên cứu.

Người Nam Bộ có nhiều đức tính đáng quý

Cả cuộc đời dành cho việc nghiên cứu về mảnh đất Nam Bộ, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư có những hiểu biết lịch sử sâu sắc và đặc biệt dành cho người Nam Bộ.

Trong buổi giao lưu, ông chia sẻ rằng, người Nam Bộ có nhiều nét văn hóa đáng quý, trong đó nổi bật nhất là lòng nhân ái.

Ông giải thích, lòng nhân ái của người Nam Bộ xuất phát từ thời kỳ phong kiến triều Nguyễn khi lưu dân các miền ngoài không chịu được sự cai trị của vua chúa đã đổ vào Nam Bộ để khai hoang, định cư.

Đất Nam Bộ lúc ấy vẫn là những cánh đồng hoang, những kênh rạch chỉ có các loài động vật sinh sống. Những người lưu dân đến sinh sống đã khiến nơi đây ngày một sầm uất.

Cuộc sống lưu lạc, tha hương, đói nghèo đã khiến những người dân ấy phải đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau, đã tạo thành những đức tính tốt đẹp của người dân Nam Bộ, đến hôm nay vẫn được duy trì và phát huy.

Với nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư, lòng nhân ái của người Nam Bộ cũng chính là điểm khiến ông cảm động, ngưỡng mộ nhất. Ông tâm sự rằng, đến tận hôm nay, trong những lúc khó khăn nhất của đại dịch Covid, lòng nhân ái ấy cũng được thể hiện bằng những hành động hữu ích như hỗ trợ gạo, tiền, cho người nghèo của nhân dân Nam Bộ.

Nha nghien cuu Nguyen Dinh Tu anh 2

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư trong buổi giao lưu trực tuyến cùng độc giả.

Duy trì sức khỏe, say mê nghiên cứu

Năm nay đã bước sang tuổi 99 nhưng nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư vẫn minh mẫn, tinh tường, khỏe mạnh và say sưa nghiên cứu văn hóa, lịch sử, địa chí của vùng đất Nam Bộ.

Ông chia sẻ rằng mỗi ngày ông đều thức dậy lúc 6h sáng và làm việc đến tận trưa. Đồng thời để duy trì được sức khỏe và sự minh mẫn nghiên cứu, ông chăm chỉ luyện tập thể dục mỗi ngày.

Có nhiều độc giả trẻ đặt câu hỏi mong nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư chia sẻ bí quyết để theo đuổi đam mê, và duy trì được sự say mê trong công việc nghiên cứu. Ông vừa cười hào sảng, vừa trả lời rất hóm hỉnh.

Ông nói chỉ cần tìm được điều mình thích và làm nó hàng ngày, thật chăm chỉ, thì đã xem là duy trì được đam mê của mình.

Ông cũng tâm sự ngày xưa khi còn đi học trường làng, được học thơ của các tác giả Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến…, ông rất say mê.

Ông bắt đầu suy nghĩ rằng mỗi người đọc thường chỉ tìm hiểu về cuộc đời sự nghiệp của những tác giả này, mà ít ai đi tìm kiếm những nét đời thường, như chuyện ăn ở, sinh hoạt của họ ra sao, nên ông rất ham thích tìm hiểu tư liệu về những điều đó.

Bắt nguồn từ niềm yêu thích ấy, đã nuôi dưỡng niềm say mê văn hóa, lịch sử suốt đời của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư. Ông hạnh phúc vì có thể miệt mài suốt 10 năm trời để tìm kiếm và xử lý tư liệu viết nên cuốn sách Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ, đem đến cho độc giả những góc nhìn đầy đủ và thú vị về một đoạn lịch sử quan trọng của dân tộc.

Trong buổi giao lưu chia sẻ với độc giả, ông cũng tâm sự rằng: “Việc duy trì sức khỏe để làm việc rất quan trọng, nhưng chỉ tập thể dục thì không đủ.

Điều quan trọng nhất giúp ta có thể khỏe mạnh, minh mẫn chính là luôn để lòng mình thanh tịnh, không bao giờ chấp nhất chuyện gì. Chỉ có vui vẻ, đơn giản mới có thể khỏe mạnh để nghiên cứu”.

Sức khỏe và khả năng làm việc say mê của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư đã khiến rất nhiều độc giả cảm động và ngưỡng mộ. Gặp gỡ chia sẻ với ông không chỉ biết thêm về một nhà nghiên cứu có tâm, có tầm mà hơn hết còn học hỏi được thêm bao điều ý nghĩa về quá trình lao động, cống hiến trong sự nghiệp của một con người.

Nha nghien cuu Nguyen Dinh Tu anh 3

Sách nghiên cứu của tác giả Nguyễn Đình Tư.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư tạo được dấu ấn sâu sắc trong lòng độc giả qua những nghiên cứu, biên khảo công phu có giá trị về mặt tư liệu; đặc biệt có nhiều tác phẩm nghiên cứu về địa danh, lịch sử Nam Bộ.

Đến nay, ông đã cho xuất bản khoảng 60 tác phẩm. Có thể kể đến một số công trình tiêu biểu được Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản: Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ (1859 - 1954), Nam Kỳ địa hạt tổng thôn danh hiệu mục lục, Địa chí hành chính các tỉnh Nam Kỳ; Tiểu sử và hành trạng các nhà khoa bảng Hán học Nam Bộ; Đường phố nội thành Thành phố Hồ Chí Minh.

Qua những công trình biên khảo này, tác giả đã bổ sung mảng khuyết tư liệu rất đáng kể lâu nay cho lịch sử vùng đất Nam Bộ.

Tác giả được Hội Sử học trao tặng kỷ niệm chương Vì sự nghiệp sử học Việt Nam (năm 2017); Giải A sách Hay Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ nhất với hai tập sách Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ (1859-1954) (2018).

Hội sách trực tuyến quốc gia đầu tiên dự kiến khai mạc vào ngày 19/4, kéo dài tới giữa tháng 5, với chủ đề “Đọc sách, nâng cao trí tuệ, vượt qua nỗi lo dịch bệnh”.

Đây là hội chợ sách trực tuyến quốc gia đầu tiên do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quyết định, Cục xuất bản, In và Phát hành (Cục Xuất bản), NXB Thông tin & Truyền thông cùng sự hỗ trợ của một số đơn vị công nghệ.

Tất cả đơn vị tham gia đều có gian hàng riêng với đầy đủ công cụ hỗ trợ bán hàng và tương tác trực tuyến với khách, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao hình ảnh quảng bá thương hiệu và hỗ trợ phát triển kinh doanh trong mùa dịch Covid-19.

Nhà nghiên cứu 99 tuổi giao lưu tại Hội sách trực tuyến quốc gia 2020

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư - người từng đoạt giải A Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ nhất - sẽ trò chuyện với độc giả về lịch sử vùng đất Nam Bộ.

Thủy Vũ

Bạn có thể quan tâm