Số ca mắc mới mỗi ngày trên toàn nước Mỹ đã giảm xuống dưới 75.000, ít hơn một nửa so với tháng 8. Mỹ cũng có kế hoạch mở lại biên giới trên bộ cho những du khách đã được tiêm chủng và dỡ bỏ một số hạn chế đi lại quốc tế.
Trẻ em, bao gồm nhiều em đủ điều kiện tiêm vaccine, bắt đầu quay trở lại trường học, và không có dấu hiệu nào cho thấy sự gia tăng trường hợp nhiễm virus corona.
Tình hình lễ hội cũng không còn ảm đạm như năm 2020. Lễ Halloween năm nay là minh chứng rõ nét nhất, khi mọi người tất bật chuẩn bị và vui chơi để bù đắp cho năm ngoái.
Đại dịch dường như đang suy yếu ở Mỹ theo nhiều cách, nhưng không có bất kỳ cột mốc hoặc thông báo nào cho thấy sự tự do quay trở lại với người Mỹ.
“Nó không kết thúc. Chúng tôi chỉ ngừng quan tâm về Covid-19, hoặc chúng tôi ít chú ý tới nó hơn rất nhiều”, Jennifer Nuzzo - nhà dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg - nói khi được hỏi khi nào đại dịch sẽ kết thúc.
“Tôi nghĩ đối với hầu hết người dân, Covid-19 dần lu mờ đi trong cuộc sống của họ", chuyên gia Nuzzo nói.
Virus sẽ không biến mất
Nhiều dự đoán cho thấy số ca mắc có thể gia tăng vào mùa đông, khi mọi người quây quần trong không gian kín. Một số chuyên gia dự báo sự tăng nhẹ về số ca mắc trong vài tuần tới.
Nhiều vùng có thời tiết lạnh đã chứng kiến sự gia tăng các ca bệnh và số ca nhập viện gần đây. Bang Alaska đang bước vào một "mùa đông đen tối" khi có tỷ lệ nhiễm bệnh cao nhất trên toàn quốc.
Các chuyên gia không thể đưa ra bất kỳ dự đoán chính xác nào về thời điểm đại dịch có thể kết thúc. Virus SARS-CoV-2 là loại virus "luôn biết lợi dụng cơ hội". Nó vẫn đang đột biến, nhiều lần tưởng như bị đánh bại trong 18 tháng qua, nhưng xuất hiện trở lại khi nhiều người chủ quan, cùng với các đột biến có khả năng lây lan mạnh.
Người Mỹ tận hưởng dịp lễ hội năm nay để bù đắp cho sự ảm đạm năm 2020. Ảnh: People. |
Mặc dù vậy, các xu hướng tại Mỹ đều cho thấy sự khả quan.
Với phần lớn mọi người được tiêm chủng và tỷ lệ lây nhiễm giảm, Mỹ bước vào một giai đoạn mới trong đại dịch. Mọi người thích nghi dần với sự hiện diện dai dẳng của một mầm bệnh đang lưu hành trong cộng đồng.
Robert M. Wachter, Chủ nhiệm Khoa Y tại Đại học California, trong cả mùa hè vẫn luôn lên mạng xã hội cảnh báo mọi người nâng cao cảnh giác về biến chủng Delta và các ca lây nhiễm đột phá đang trở nên phổ biến.
Tuy vậy, ông đã tiêm liều vaccine tăng cường, và ông cũng không muốn từ bỏ việc đi lại hay ăn uống ở các nhà hàng trong suốt quãng đời còn lại.
“Cảm giác của tôi bây giờ là chúng ta đang đạt trạng thái gần ổn định, như kiểu mọi thứ có thể tốt hơn hoặc tệ hơn một chút, trong vài năm tới. Điều này không hề tuyệt vời, nhưng thực tế là như vậy”, ông Wachter nói.
Thách thức
Sự không chắc chắn về những gì virus sẽ gây ra trong các tháng tới đặt ra thách thức cho chính quyền Tổng thống Joe Biden.
Dù các quan chức lạc quan một cách thận trọng rằng mùa đông có thể chứng kiến sự sụt giảm số ca mắc và tử vong giống như gần đây, Nhà Trắng không ngừng nhắc nhở người dân rằng đại dịch vẫn là mối đe dọa thực sự đối với sức khỏe cộng đồng.
Điều này đồng nghĩa mọi người cần tiếp tục dè chừng và đi tiêm chủng. Họ muốn công chúng thực hiện các biện pháp phòng ngừa để hạn chế sự lây lan của virus. CDC vẫn phân loại đại đa số hạt của Mỹ là "nguy cơ lây nhiễm cao".
Các quan chức muốn họ là người luôn đi đầu trong việc nắm bắt tình hình. Điều họ không muốn làm là ăn mừng quá sớm, khi mọi thứ diễn ra tích cực trong những tuần gần đây.
Bài học nhãn tiền chính là vào đầu năm nay, khi chiến dịch tiêm chủng diễn ra tốt đẹp, số ca mắc giảm mạnh và chính quyền Tổng thống Biden tự tin dự đoán ngày 4/7 là thời điểm bắt đầu một mùa hè không có virus.
Nhưng biến chủng Delta xuất hiện và thổi bay mùa hè tự do của nước Mỹ.
Biến chủng Delta đã thổi bay mùa hè tự do của nước Mỹ. Ảnh: Reuters. |
Một đợt bùng phát dịch vào đúng cuối tuần ngày 4/7 chủ yếu ở những người đã tiêm chủng tại Provincetown, Massachusetts đã làm rung chuyển Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC).
Vào cuối tháng 7, CDC buộc phải đề xuất lại hướng dẫn đeo khẩu trang trong nhà cho những người đã tiêm phòng.
Trung bình mỗi ngày hơn 1.000 người qua đời vì Covid-19 ở Mỹ. Một ngày nào đó, virus SARS-CoV-2 sẽ giống bệnh cúm, nhưng các chuyên gia nói không phải bây giờ.
"Chúng tôi phải tiếp tục thuyết phục mọi người rằng đây không phải là điều mà chính phủ áp đặt lên họ. Virus mới chính là thứ khiến họ làm phải làm điều này. Chúng ta không muốn virus chiến thắng", Francis S. Collins, Giám đốc Viện Y tế Quốc gia, cho biết.
Nhiều quan chức và chuyên gia nhấn mạnh việc có trở lại cuộc sống bình thường hay không phụ thuộc vào thời điểm hơn 60 triệu người Mỹ đủ điều kiện còn lại được tiêm chủng.
"Làn sóng biến chủng Delta có thể là đợt bùng phát dịch cuối cùng tại Mỹ", Scott Gottlieb - thành viên hội đồng quản trị hãng dược Pfizer - cho biết. "Virus sẽ tiếp tục phát triển, đôi khi có thể cần cập nhật loại vaccine hiện có mỗi 1-2 năm. Virus sẽ trở thành một phần trong cuộc sống giống như dịch cúm".
"Tuy nhiên, chúng ta có công cụ - nếu chúng ta sử dụng đúng cách - và đủ khả năng miễn dịch cộng đồng thì số ca tử vong và bệnh nặng sẽ giảm đáng kể", ông nói thêm.
Vẫn trong đại dịch, nhưng đang dần bình thường dần
Một số chuyên gia khác không mấy tin tưởng rằng đại dịch sẽ biến mất.
"Tôi nghi ngờ khả năng đây là đợt bùng dịch cuối cùng. Một số khu vực có thể sẽ bị ảnh hưởng thêm một lần nữa", Michael T. Osterholm - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chính sách về Bệnh Truyền nhiễm tại Đại học Minnesota - cho biết. “Khả năng miễn dịch suy yếu là vấn đề. Điều gì sẽ xảy ra trong 12 tháng tới?”.
Trong khi đó, công chúng Mỹ, ngay cả khi đang tiếp tục nhiều hoạt động như trước đại dịch, vẫn nhận thức rõ rằng cuộc sống bình thường vẫn chưa trở lại. Một cuộc thăm dò gần đây của Quinnipiac cho thấy 81% người trưởng thành trả lời “khoảng một năm” hoặc hơn thì cuộc sống mới quay bình thường trở lại, trong đó có 26% trả lời “không bao giờ”.
Nhà Trắng nhận thức rõ tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Biden một phần gắn liền với cách người Mỹ nhìn vào hướng xử lý đại dịch của ông. Tỷ lệ ủng hộ tổng thống, theo Gallup, đã giảm 14 điểm kể từ tháng 6.
Trọng tâm của chính quyền ông Biden là tiếp tục tăng cường tiêm chủng. Ảnh: Reuters. |
Các cố vấn sức khỏe nói với ông Biden rằng cách hiệu quả nhất để ngăn chặn đại dịch là tiếp tục tăng cường tiêm chủng.
Vì vậy, trọng tâm hàng đầu trong vài tháng tới là tăng tỷ lệ chủng ngừa, thông qua một biện pháp mà ông Biden công bố hồi tháng 9. Đó là yêu cầu các doanh nghiệp có hơn 100 công nhân bắt buộc tiêm phòng cho nhân viên hoặc yêu cầu họ phải xét nghiệm thường xuyên.
Hướng đi của đại dịch là một vấn đề cấp bách đối với những người lập kế hoạch cho kỳ nghỉ lễ. Năm 2020, hàng triệu gia đình không tụ tập cùng gia đình và bạn bè. Năm nay, họ đã được phép làm vậy, nhưng cũng đi kèm một vài khuyến cáo.
“Mọi người nên cảm thấy thoải mái khi tổ chức các ngày lễ theo một cách bình thường và hợp lý", ông Anthony S. Fauci - cố vấn y tế của chính quyền ông Biden về đại dịch - cho biết. "Chúng ta vẫn trong giai đoạn đại dịch, nhưng chúng ta đang ngày càng nhích dần về phía bình thường".
Chừng nào số người có triệu chứng nghiêm trọng đổ dồn tới các bệnh viện vẫn cao, Covid-19 vẫn là đại dịch đối với những nhân viên y tế tuyến đầu. Điều này cũng trở thành một mối lo với hàng triệu bậc cha mẹ có con chưa được tiêm chủng.
Sự gián đoạn nền kinh tế đã cải thiện, nhưng những vấn đề lớn trong chuỗi cung ứng vẫn tồn tại.
Các chuyên gia đồng ý rằng cơ hội để tiêu diệt virus corona gần như bằng không. Nhưng mục tiêu, như ông Fauci nói, là thoát khỏi “giai đoạn đại dịch” và tiến đến “giai đoạn kiểm soát”.
Để đạt được tới giai đoạn này, Mỹ cần ghi nhận ít hơn 10.000 ca mắc mới mỗi ngày và đại đa số người dân không phải đối mặt với sự nguy hiểm của virus, ngay cả khi họ là ca lây nhiễm đột phá.
Mùa lễ hội năm ngoái, các chuyên gia sức khỏe cộng đồng như ông Fauci đã kêu gọi mọi người tránh đi du lịch và tụ tập trong nhà. Năm nay thì khác.
Về phần mình, ông Fauci hy vọng ít nhất một trong ba cô con gái có thể về nhà kịp vào Lễ Tạ ơn. Đến Giáng sinh, ông hy vọng cả gia đình sẽ được quây quần bên nhau.